Lãi suất huy động USD ở mức 0% để ổn định tỷ giá
Liên quan đến vấn đề về huy động vốn từ kiều hối, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, theo số liệu từ năm 2013 – 2023, lượng kiều hối về Việt Nam rất lớn, lên tới 26 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, ngân hàng không chủ động huy động nguồn vốn này, mà chỉ trả lãi suất bằng 0%. Trong khi đó, Nhà nước lại đi vay ODA với lãi suất cao hơn. Đại biểu đề nghị ngân hàng nên huy động USD với lãi suất cao hơn để tạo động lực cho người dân, kiều bào gửi ngoại tệ về Việt Nam.
Về lý do áp lãi suất 0% với đồng đô la Mỹ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trước đây, thị trưởng ngoại hối và tỷ giá của Việt Nam thường xuyên biến động, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Có những giai đoạn nền kinh tế có thặng dư ngoại tệ, nhưng mà mỗi khu vực lại găm giữ không bán “Người có thì không bán, người chưa có nhu cầu đã mua”.
Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp quan trọng. Thứ nhất, kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị Việt Nam đồng.
Cùng với đó có những chính sách kết hợp chính sách lãi suất và tỷ giá để sao cho việc nắm giữ Việt Nam Đồng hấp dẫn và có lợi hơn. Theo đó, lãi suất USD đưa về 0% và thực hiện các giải pháp để ổn định tỷ giá, ban hành các thông tư hạn chế doanh nghiệp mua trước khi có nhu cầu về ngoại tệ.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá trên cơ sở tỷ giá trung tâm, hàng ngày có biến động lên xuống, giúp giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Theo đó, doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ bán cho tổ chức tín dụng để bán lại cho Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, dự trữ ngoại hối Nhà nước mới gia tăng có lúc lên đến hàng trăm tỷ đô la Mỹ (cuối 2015 chỉ có khoảng 30 tỷ USD Mỹ).
“Chúng tôi thấy đây là giải pháp chính sách rất hiệu quả và rất tốt, có hiệu quả cho ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu tăng lãi suất gửi ngoại tệ lên có nghĩa người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về những biến động tỷ giá, còn được hưởng lãi suất tiền gửi thì có thể gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang ngoại tệ”, bà Hồng nói.
Sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá
Ông Trần Anh Tuấn, đại biểu TP HCM, chất vấn về giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để giảm lãi suất, nhằm người dân tiếp cận được dễ hơn tín dụng.
Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường tiền tệ quốc tế diễn biến phức tạp. Sau thời gian thắt chặt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng hạ lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đồng USD biến động phức tạp, khi có thời điểm giảm mạnh, song từ quý III lại tăng và hiện biến động ở mức cao.
Những diễn biến này, theo bà Hồng đã tác động mạnh tới thị trường ngoại hối trong nước. “Việc ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra nền kinh tế và nguồn thu có được”, bà Hồng nói.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đô la hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Tức là tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ thì không bán, khi chưa cần ngoại tệ, họ đã mua, nên đây là thách thức của điều hành. Dù vậy, bà Hồng nói Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường. Hiện tỷ giá được phép dao động +/- 5%.
“Trong trường hợp tỷ giá biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân”, Thống đốc thông tin.
Đối với việc giảm lãi suất, theo Thống đốc điều này sẽ ảnh hưởng tỷ giá. Do vậy, NHNN đã phải cân đối và rất khó khăn trong việc giảm lãi suất để hỗ trợ người dân và ổn định tỷ giá.