spot_img
29.7 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhĐan Mạch: Mối đe dọa Mỹ 'thôn tính' Greenland vẫn chưa dừng...

Đan Mạch: Mối đe dọa Mỹ 'thôn tính' Greenland vẫn chưa dừng lại

Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen cho biết mối đe dọa bành trướng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Greenland vẫn chưa kết thúc ngay cả khi viễn cảnh can thiệp quân sự khó xảy ra.

Ông Rasmussen đồng thời tái khẳng định lời đề nghị đẩy mạnh hợp tác với Washington để tăng cường an ninh tại Greenland – hòn đảo có tính chiến lược cao.

Lời cảnh báo của Ngoại trưởng Rasmussen được đưa ra khi Đan Mạch đảm nhận vai trò lớn hơn trong chính trường EU với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu.

“Chúng tôi không coi việc sáp nhập Greenland có khả năng xảy ra. Hoàn toàn không. Tuy nhiên, chúng tôi không coi vụ việc này đã được giải quyết” – ông Rasmussen phát biểu vào tuần trước trong một cuộc họp báo tại thành phố Aarhus. “Tôi luôn cho rằng bạn nên coi tuyên bố của Tổng thống Trump là nghiêm túc, nhưng không nhất thiết phải theo nghĩa đen. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng hai điều này ngày càng trở nên gần gũi hơn khi so sánh với nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy. Vì vậy, chúng ta phải xem xét vấn đề này rất, rất nghiêm túc”.

Vào đầu năm 2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động khắp châu Âu khi ông công khai từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự hoặc cưỡng chế kinh tế để giành quyền kiểm soát Greenland – vùng lãnh thổ bán tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch.

Đan Mạch: Mối đe dọa Mỹ 'thôn tính' Greenland vẫn chưa dừng lại- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen và bà Kaja Kallas – Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (Ảnh: European Union)

Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của mình, ông Trump từng tiếp cận hòn đảo rộng lớn này như một giao dịch bất động sản tiềm năng và Copenhagen đã thẳng thừng từ chối. Tuy nhiên, động thái gần đây của ông Trump đã được định hình dưới góc nhìn an ninh quốc gia, theo đó đây là một vụ mua lại và nó phải diễn ra bằng cách này hay cách khác vì lợi ích của nước Mỹ.

Vấn đề kiểm soát Greenland bắt nguồn từ các mỏ khoáng sản phong phú – đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghệ tiên tiến – trên hòn đảo này, cũng như vị trí chiến lược của nó ở Bắc Băng Dương.

Cho đến nay, đề xuất này vẫn chưa thuyết phục được 56.000 người dân Greenland. Phần lớn trong số họ phản đối việc trở thành một phần của nước Mỹ – theo kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến. Sau cuộc bầu cử gần đây, một chính quyền liên minh 4 đảng đã được lập ra để bảo vệ quyền tự quyết của Greenland.

Trong khi đó, Đan Mạch đang triển khai một kế hoạch mới trị giá 14,6 tỷ Kroner (1,95 tỷ Euro) để tăng cường sự hiện diện của quân đội ở các khu vực Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương.

“Chúng tôi nhận ra rằng có những vấn đề liên quan đến Greenland và Bắc Cực về mặt an ninh. Và chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề này” – ông Rasmussen nói, ám chỉ đến thỏa thuận quốc phòng năm 1951 giữa Đan Mạch và Mỹ – “Nhưng tất nhiên, không bao giờ có thể là về việc sáp nhập Greenland. Vì vậy, tôi không có cảm giác rằng mọi chuyện đã kết thúc. Chưa phải vậy”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật