spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhĐảng Dân chủ bị "gậy ông đập lưng ông", công cuộc "tát...

Đảng Dân chủ bị "gậy ông đập lưng ông", công cuộc "tát cạn đầm lầy" của nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ thế nào?

Người được đề cử cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth có kế hoạch thải hồi tướng lĩnh thiếu năng lực, khôi phục tinh thần quyết chiến trong quân đội, tăng ngân sách,…

TS. Terry F.Buss, Học giả nghiên cứu, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ có bài viết dự báo chính sách qua các lựa chọn nội các mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Bài viết dưới đây là phần tiếp theo của bài viết Với dàn nội các mới, ông Trump sẽ là tổng thống đáng gờm nhất lịch sử hay đi vào “vết xe” nhiệm kỳ đầu?

Ông Trump có tìm cách trả thù “Nhà nước ngầm” hay không?

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rõ là ông sẽ không tìm cách trả thù những thành viên đảng Dân chủ chống phá ông, những người đã dành 4 năm – từ năm 2016 đến năm 2020 – để cố gắng đẩy ông ra khỏi chiếc ghế Tổng thống và rồi lại dành bốn năm tiếp theo – từ năm 2020 đến năm 2024 – để tìm cách đưa ông vào tù. 

Nhưng tới đây, “nhà nước ngầm” (Deep State) có thể sẽ phải đối mặt với trận chiến vì sự sống còn của chính họ. 

Ông Trump đã bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy đứng đầu một cơ quan độc lập gọi là Ủy ban Hiệu suất chính phủ, có sứ mệnh cải cách bộ máy quan liêu, trong một số trường hợp sẽ sa thải các quan chức và cắt giảm các cơ quan chính phủ. Một số quan chức và cơ quan liên bang đã ngay lập tức được đưa vào tầm ngắm. Nhiều thành viên của Nhà nước ngầm đang tháo chạy trong sợ hãi.

Tuy nhiên, một số vị trí được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm, như Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, có thể bị ông Trump nhắm tới như một ngoại lệ. 

Ông Garland đã theo đuổi các vụ án hình sự chưa từng có tiền lệ nhắm vào ông Trump và các cộng sự trong thời gian rất dài, kể cả sau khi Trump rời nhiệm sở. Đồng thời, Bộ trưởng Tư pháp cũng đã bảo vệ các cộng sự của ông Biden, đặc biệt là những người tham gia vào việc quản lý (hoặc không quản lý) cuộc khủng hoảng biên giới do chính họ tạo ra.

Những “hạt sạn” trong ván cờ

Trong hệ thống của Mỹ, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng các Tổng thống, bao gồm cả ông Trump, có thể bổ nhiệm bất kỳ ai họ muốn vào các vị trí trong chính quyền của mình. Những người này phải tuân thủ quy trình “tư vấn và đồng ý” giành đa số phiếu tại Thượng viện.

Một vài đảng viên Cộng hòa đã lên tiếng phản đối một số đề cử của ông Trump vì họ không muốn thấy Tổng thống đắc cử đạt được điều ông mong muốn. Ít nhất có 4 hoặc 5 Thượng nghị sỹ Cộng hoà được cho là sẽ chống lại đảng của mình trong các cuộc bổ nhiệm tới đây và các phiên họp thông qua luật sau này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã cố gắng loại bỏ những người không cùng chính kiến như bà Susan Collins và Lisa Murkowski nhưng đã không thành công. Bốn năm tới, họ sẽ tiếp tục chống lại ông.

Dưới thời Tổng thống Biden, đảng Dân chủ đã bỏ phiếu để ngăn chặn “chiến thuật câu giờ” trong tranh luận tại Thượng viện của đảng Cộng hoà nhằm phản đối và cản trở việc bổ nhiệm các ứng cử viên dân chủ. 

Chiến thuật này liên quan đến việc tận dụng quy tắc yêu cầu phải đạt được 60% phiếu bầu mới có thể ngừng tranh luận về một dự luật hoặc một trường hợp bổ nhiệm. Đảng Dân chủ đã thành công để các ứng viên của mình được chấp thuận bằng 51% số phiếu, thay vì 60%. Như vậy khi ông Trump bổ nhiệm nội các của mình, đảng Dân chủ sẽ gặp khó khăn lớn trong việc ngăn chặn các lựa chọn của ông, trừ khi một nhóm nghị sỹ Cộng hoà bất đồng chính kiến về phe với họ. 

Đảng Dân chủ đã tự đưa mình vào tình thế “Ai cầm gươm sẽ bị chết vì gươm”. Ông Chuck Schumer, Lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện, gần đây đã đề nghị ông Trump khôi phục lại quyền tranh luận vô thời hạn (câu giờ) tại Thượng viện.

Đảng Dân chủ bị "gậy ông đập lưng ông", công cuộc "tát cạn đầm lầy" của nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ thế nào?- Ảnh 1.

Ông Pete Hegseth, người được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, đang là mục tiêu chính của những người Cộng hòa bất đồng chính kiến và tất cả những người Dân chủ. Ông Hegseth là cựu thiếu tá Lục quân Mỹ, cựu chiến binh được trao tặng huân chương vì đã tham chiến ở Iraq và Afghanistan, tác giả của sáu cuốn sách bán chạy nhất về quân đội và người dẫn chương trình nổi tiếng trên Fox News. 

Vấn đề của ông Hegseth là phe cực tả của đảng Dân chủ không thích những người theo Thiên chúa giáo, đặc biệt là nếu họ có hình xăm tôn giáo trên cơ thể. Phe đối lập đã phát động một chiến dịch lớn để vẽ ra một Hegseth là người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng chỉ vì ông có hình xăm cây thập giá của Chúa Giêsu, và một hình xăm dòng chữ “Điều Chúa muốn”.

Đề cử nội các phản ánh chính sách của ông Trump: Chấm dứt cách tiếp cận của chính quyền Biden/Harris

Giống như tất cả các Tổng thống khác, các đề cử nội các của ông Trump phản ánh các ưu tiên chính sách cũng như sự tin tưởng và lòng trung thành của ông đối với những người sẽ thực thi các chính sách này. 

Dưới đây là những ứng viên nội các chủ chốt và nghị trình của họ. Còn 5,000 vị trí được bổ nhiệm khác ở các vị trí thấp hơn không được liệt kê ở đây. Những nhân sự này báo trước các ưu tiên chính sách của chính quyền Donald Trump.

Ông Marco Rubio – Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao

Ông Rubio sẽ ủng hộ Israel và giảm bớt các mối đe dọa từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Trung Đông, thúc đẩy chấm dứt xung đột Ukraine-Nga và kìm hãm các mục tiêu toàn cầu tham vọng của Trung Quốc. Các liên minh của Mỹ phải được xây dựng lại, đặc biệt là ở NATO, EU và Châu Á. Ông Rubio sẽ chấm dứt cách tiếp cận ngoại giao mềm mỏng của chính quyền Biden/Harris.

Đảng Dân chủ bị "gậy ông đập lưng ông", công cuộc "tát cạn đầm lầy" của nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ thế nào?- Ảnh 2.

Ông Pete Hegseth – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Ông Hegseth có kế hoạch xóa bỏ các sáng kiến Đa dạng, Công bằng và Hoà nhập (DEI) như một căn bệnh ung thư trong quân đội, thải hồi các tướng lĩnh thiếu năng lực đã làm hỏng cuộc rút quân khỏi Afghanistan, khôi phục lại tinh thần quyết chiến trong quân đội, tăng ngân sách quốc phòng để ứng phó với các đe dọa đối đầu và tăng cường tuyển quân, sản xuất vũ khí và chuẩn bị cho chiến tranh không gian.

Bà Pam Bondi – Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Bà Bondi sẽ đặt dấu chấm hết cho các vụ truy tố vì mục đích chính trị và chiến tranh pháp lý, vô hiệu hoá sự đe dọa của Cục điều tra Liên bang (FBI), chấm dứt sự đối xử bất bình đẳng trước pháp luật và loại bỏ những viên chức và đặc vụ đã làm hỏng uy tín của Bộ Tư pháp.

Ông Kash Patel – Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI)

Ông là cựu quan chức Hội đồng Anh ninh quốc gia, cố vấn cấp cao cho Giám đốc Tình báo quốc gia và Tham mưu trưởng cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong nhiệm kỳ trước của ông Trump. 

Ông Patel sẽ phối hợp cùng Bộ trưởng Tư pháp, bà Pam Bondi, cải cách FBI để loại bỏ những quan chức đã vũ khí hoá cơ quan này để tấn công, ngăn chặn và loại bỏ các đối thủ chính trị, bao gồm ông Trump, các đồng minh của ông, tấn công nhà thờ, những người phản đối nạo phá thai, các phụ huynh trong trường học… 

Bà Bondi và ông Patel có nhiệm vụ đưa các quan chức vi phạm luật và hiến pháp ra trước công lý.

Ông Chris Wright – Bộ trưởng Bộ Năng lượng

Ông Wright là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Dịch vụ Khai thác dầu đá phiến Liberty Energy. Ông sẽ khôi phục sản lượng dầu khí về lại mức trước thời chính quyền Biden/Harris. Tại sao? Nước Mỹ hiện nay đã không còn tự chủ được nhu cầu năng lượng và đang phải mua từ nước ngoài. Vì vậy, Mỹ vẫn đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch do các đối thủ của Mỹ sản xuất. 

Việc đưa nước Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn sẽ có lợi cho các đồng minh. Thực tế là năng lượng bền vững hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Sản lượng năng lượng tăng sẽ làm giảm lạm phát.

Ông Scott Bessent – Bộ trưởng Bộ Tài chính

Ông là cựu đảng viên Dân chủ và hiện là tỷ phú quản lý Quỹ phòng hộ tư nhân. Trong mấy năm qua, Bộ Tài chính đã tiêu tốn khá nhiều nguồn lực vào việc đeo đuổi các vấn đề xã hội liên quan đến các sáng kiến Đa dạng, Công bằng và Hoà nhập (DEI), sáng kiến Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) và các chính sách môi trường trong khi đưa ra nhiều quyết định thiếu tính tin cậy về nợ công của nước Mỹ.

Các chính sách của ông Trump là chấn chỉnh lại sứ mệnh của Bộ Tài chính và quản lý tốt hơn tình hình tài chính của quốc gia. Bộ này sẽ không tập trung vào các tập đoàn lớn nữa mà tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ. Tân bộ trưởng sẽ giúp bãi bỏ hoặc đơn giản hoá các quy định để cởi trói cho nền kinh tế. Và ông sẽ áp thuế quan.

Ông Howard Lutnick – Bộ trưởng Bộ Thương mại

Ông Lutnick là người nổi tiếng trong giới kinh doanh. Ông là người sống sót trong cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 vào Tòa tháp đôi nhưng 658 nhân viên của ông đã thiệt mạng. Kế hoạch của ông Trump là vũ khí hoá thuế quan và thương mại để bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi các đối xử bất công và xây dựng mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi với các quốc gia có thiện chí. Bộ Thương mại Mỹ sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến thương mại toàn cầu.

Đảng Dân chủ bị "gậy ông đập lưng ông", công cuộc "tát cạn đầm lầy" của nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ thế nào?- Ảnh 3.

Bà Kristi Noem – Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa

Bà là thống đốc bang South Dakota. Các chính sách biên giới mở của chính quyền Biden/Harris đã cho phép 10 triệu người nhập cư bất hợp pháp tràn qua biên giới vào Mỹ và hưởng các quyền lợi mà họ không thuộc diện được hưởng. Kết quả là những người xin tị nạn hợp pháp và những người nhập cư trong danh sách chờ đã phải trả giá một cách bất công khi thời gian xét duyệt hồ sơ của họ bị lùi lại. Dự kiến tới đây sẽ có các cuộc trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép.

Ông Doug Burgum – Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Ông Burgum là Thống đốc bang North Dakota. Ở vai trò Bộ trưởng Nội vụ, ông cũng kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Uỷ ban Năng lượng quốc gia, thúc đẩy tăng cường khai thác dầu và sản xuất năng lượng, đồng thời điều phối chính sách năng lượng giữa các cơ quan liên bang.

Ông Lee Zeldin – Đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA)

Ông Zeldin là cựu dân biểu New York. Trong mấy năm vừa qua, theo lệnh của Tổng thống Biden, Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã nỗ lực xoá bỏ sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch. 

Chính sách này có hai vấn đề: các nguồn năng lượng bền vững chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ năng lượng; và nhiều quốc gia sẽ quay sang mua khí đốt tự nhiên của Mỹ, nhưng hiện tại Mỹ lại không thể cung cấp. 

Ông Zeldin sẽ đóng góp vào việc đưa nước Mỹ trở lại vị thế là nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới trong khi từng bước chuyển sang năng lượng bền vững.

Ông Sean Duffy – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Ông là cựu dân biểu bang Wisconsin và người dẫn chương trình của Fox News. Ông Duffy sẽ thu hồi hàng tỷ đô la tiền ngân sách đã cấp chưa chi và đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng quốc gia đang xuống cấp.

Bà Linda McMahon – Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Bà là cựu giám đốc Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ và là một tỷ phú. Bà McMahon sẽ có nhiệm vụ bãi bỏ Bộ Giáo dục để chuyển giao quyền hạn của Bộ cho các chính quyền bang và địa phương. Vào những năm 1980, Tổng thống Ronald Reagan đã bổ nhiệm ông Terre Bell làm Bộ trưởng Giáo dục để bãi bỏ Bộ này, tuy nhiên ông đã thất bại.

Ông Robert Kennedy, Jr. – Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh

Ông Kennedy là con trai của ông Robert Kennedy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống John Kennedy. Ông là đảng viên Dân chủ. Ông sẽ cải tổ chính sách vắc-xin, giúp nguồn cung cấp thực phẩm của Mỹ lành mạnh hơn, giải quyết các vấn đề về dược phẩm và kiểm soát Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Viện Y tế quốc gia (NIH), các Chương trình chăm sóc Y tế Medicare, Medicaid cùng các cơ quan y tế ngoài tầm kiểm soát khác.

Bà Brooke Rollins – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp

Bà đã từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ trước. Ngành nông nghiệp Mỹ đang chịu sự tấn công của phe cánh tả, đối mặt với nhiều nguy cơ. Điều này sẽ được thay đổi dưới sự lãnh đạo của bà Rollins.

Ông Doug Collins – Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh

Ông là cựu dân biểu bang Georgia, cựu chiến binh, cha tuyên úy trong quân đội. Mỹ vẫn chưa có các chính sách và đãi ngộ thoả đáng liên quan đến chăm sóc sức khoẻ thế chất và tinh thần cho các cựu chiến binh. Ông được bổ nhiệm cho sứ mệnh này.

Bà Lori Chavez-DeRemer – Bộ trưởng Bộ Lao động

Bà là dân biểu bang Oregon, ủng hộ công đoàn lao động. Bà sẽ nỗ lực để tăng lương, thúc đẩy việc làm trong ngành sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc.

Ông Scott Turner – Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị

Ông là cựu dân biểu bang Texas, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông sẽ giải quyết các vấn đề về nguồn cung nhà ở và giá nhà hợp lý trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhà ở và tình trạng giá nhà ở Mỹ tiếp tục gia tăng.

Lưu ý: Đảng Dân chủ và những người ủng hộ họ trên truyền thông tuyên bố rằng các ứng viên nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump đều là những người cực đoan. Nhưng thực tế là những người này chỉ có chung một vấn đề duy nhất là đều nhất trí bác bỏ các chính sách cực đoan thất bại của chính quyền Biden/Harris.

Số liệu nhân khẩu học

Mặc dù tôi rất dị ứng với điều này, nhưng nhiều người sẽ quan tâm đến chủng tộc/sắc tộc/giới tính của các ứng viên nội các mới.

Hầu hết các ứng viên đều là những gương mặt trẻ tuổi, cho thấy ông Trump đang xây dựng một đội ngũ lãnh đạo có thể thống lĩnh chính trường. Họ đều là những người đầy nghị lực.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump bị cáo buộc là người kỳ thị phụ nữ và e sợ những người phụ nữ mạnh mẽ. 25% đề cử nội các của ông là những “phụ nữ mạnh mẽ”.

Nội các của ông hiện có một vị trí là người da màu và hai vị trí là người Mỹ gốc Latinh. Tôi cho rằng việc không chọn thêm ứng cử viên là người da màu và người gốc Latinh là một sai lầm. Cả hai nhóm này đều bỏ phiếu cho ông Trump với số lượng kỷ lục. Họ nên được ghi nhận vì sự ủng hộ của mình. Nhưng thực ra thì việc này cũng có lý do. Người da màu và người gốc Latinh bị chỉ trích nặng nề, bị coi là quay lưng với chủng tộc của họ khi họ đảm nhận các công việc ở đảng Cộng hòa. Nhiều người thuộc các nhóm thiểu số đủ điều kiện đảm nhận nhiều vai trò trong chính phủ Cộng hoà nhưng lại không thể chịu đựng được sự căm ghét mà họ phải đối mặt.

Đảng Dân chủ bị "gậy ông đập lưng ông", công cuộc "tát cạn đầm lầy" của nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ thế nào?- Ảnh 4.

Một tình thế khó xử trong việc bổ nhiệm

Cuối cùng, ông Trump sẽ bổ nhiệm 5.000 quan chức hành chính – là những nhân sự cấp cao được bổ nhiệm dựa trên sự ủng hộ chính trị – để quản lý chính quyền mới của ông. Trong chính trị Mỹ, hệ thống bổ nhiệm dựa trên sự ủng hộ chính trị xuất phát từ lịch sử của hệ thống bảo trợ chính trị, trong đó một đảng chính trị, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, sẽ giành các vị trí cấp cao trong chính phủ của mình cho những người ủng hộ, bạn bè và người thân như một phần thưởng cho những đóng góp của họ vào thắng lợi. 

Rất khó để thẩm định được hết một số lượng nhân sự lớn như thế này. Những người này được giới thiệu thông qua bạn bè, nhân viên chiến dịch tranh cử, các nhà tài trợ, các nhà môi giới quyền lực hoặc các tổ chức. Trong nhiệm kỳ trước, đã có những trường hợp chính những người này gây rối, quay lưng lại với ông Trump bởi con người thật của họ không giống với những gì họ thể hiện ban đầu.

Thêm nữa, nếu ông Trump chọn các ứng viên là chuyên gia trong một lĩnh vực, họ có thể sẽ phản đối các chính sách đi ngược lại kinh nghiệm chuyên môn của họ. Nhưng nếu ông chọn những người mới vào nghề có ít kinh nghiệm trong một lĩnh vực, bộ máy hành chính sẽ “ăn tươi nuốt sống” họ.

Điều thú vị là ông Trump đã bổ nhiệm hai cựu đảng viên Dân chủ là ông Robert Kennedy Jr. và bà Tulsi Gabbard vào Nhóm chuyển giao quyền lực Tổng thống của ông.

Trump tấn công việc bổ nhiệm các nhân vật cực tả của ông Biden

Ông Donald Trump và những người đại diện đang tấn công mạnh mẽ vào những người được bổ nhiệm dựa trên sự ủng hộ chính trị của chính quyền Biden/Harris, để chứng minh rằng những lựa chọn này của ông Biden tệ hơn nhiều so với bất kỳ ứng viên nào của ông. Lấy ví dụ 4 trường hợp sau đây.

Sau khi nhậm chức, chính quyền Biden/Harris bổ nhiệm Phó Trợ lý Thư ký Văn phòng Năng lượng Hạt nhân Sam Brinton, chịu trách nhiệm xử lý chất thải hạt nhân. Sam Brinton đã ba lần bị bắt và bị kết tội ăn cắp vali của phụ nữ trong khu vực nhận hành lý tại sân bay. Sau đó, ông đã bị sa thải. 

Theo tạp chí National Review, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh của chính quyền Biden/Harris đã chi 40 triệu đô la mỗi năm cho 300 nhân viên để thúc đẩy chính sách Đa dạng, Công bằng và Hoà nhập (DEI) trong bộ này. Khoảng 102 triệu đô la được chi riêng cho các chương trình đào tạo về Đa dạng. Ông Becerra không có kinh nghiệm gì về y tế hoặc dịch vụ nhân sinh.

Bộ trưởng Giao thông của chính quyền Biden/Harris đã nhận được khoản tài trợ theo Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la để xây dựng 500,000 trạm sạc xe điện với mức chi phí 7,5 tỷ đô la; ông đã xây dựng được 6 trạm. Ông cũng im hơi lặng tiếng tại Washington trong suốt ba tuần khi một sự cố tàu hỏa xảy ra khiến gần 380,000 lít hoá chất độc hại rò rỉ ra ngoài môi trường, buộc hàng nghìn cư dân phải sơ tán đi nơi khác. Ông Trump đã có mặt ngay lập tức, đến thăm hiện trường thảm họa và phát biểu ủng hộ các nạn nhân. Sau đó, ông bộ trưởng mới lên tiếng xin lỗi vì đã bỏ rơi người dân.

Tin tốt lành cho ông Trump

Một cuộc thăm dò mới đây của CBS News cho thấy 59% người Mỹ đồng ý với quá trình chuyển giao quyền lực Tổng thống của ông Trump. Điều này nhất quán với kết quả bầu cử. 

Đảng Dân chủ và giới truyền thông đang công kích ông Trump y như cách họ đã làm trong chiến dịch tranh cử, nhưng người dân Mỹ thì hài lòng với những nỗ lực của ông cho đến nay.

Chia sẻ cá nhân

Khi còn trẻ, tôi đã tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Bill Clinton (1993-2001) sang Tổng thống vừa đắc cử George W. Bush (2001-2009). Lúc đó, tôi là người phụ trách việc xây dựng và thực hiện chính sách của Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị (HUD). Chúng tôi đã chuẩn bị một bản tổng quan chi tiết về các vấn đề, chính sách và cơ hội cho Tổng thống đắc cử Bush. 

Một ngày, một chuyên viên vừa hoàn thành Chương trình Thạc sỹ về Quản trị Kinh doanh, chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm gì, xuất hiện tại văn phòng của chúng tôi, xem xét bộ tài liệu chúng tôi đã chuẩn bị công phu và tuyên bố: Ông Bush sẽ không có Chính sách Đô thị, vì vậy chúng tôi cảm ơn công sức của các bạn và giờ thì xin mời tất cả giải tán, và tôi đã rời HUD theo cách như vậy!

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật