Đây là một bước tiến mới trong chiến lược phát triển bền vững của ACB, hướng đến việc xây dựng một nền tảng kinh doanh vững chắc mà trong đó “Hiệu quả hoạt động kinh tế gắn liền với phát triển bền vững.”

Từ ESG lên E-ESG (Economic – Kinh tế, Environmental – Môi trường, Social – Xã hội, và Governance – Quản trị)
Năm 2024 đánh dấu năm thứ ba liên tiếp ACB thực hiện phát hành Báo cáo phát triển bền vững độc lập được đảm bảo bởi công ty kiểm toán uy tín.

Các chỉ số phát triển bền vững nổi bật năm 2024
Điểm mới của báo cáo năm nay là bên cạnh việc tham chiếu các tiêu chuẩn công bố thông tin theo Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (Global Reporting Initiative) được Ủy ban tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu (GSSB) thiết lập; cũng như tham chiếu theo 17 Mục tiêu phát triển bền vững (17 SDGs) của Liên Hợp Quốc, ACB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tham chiếu các Nguyên tắc Ngân hàng có trách nhiệm (Principles for Responsible Banking) của Liên Hợp Quốc cho các sáng kiến tài chính. “Responsibility – Có trách nhiệm” cũng sẽ là chủ đề xuyên suốt mà ACB sẽ định hướng cho các kỳ báo cáo tiếp theo.
Báo cáo đồng thời được bổ sung yếu tố Economic – Kinh tế bền vững phản ánh hiệu quả hoạt động kinh tế của ngân hàng và đóng góp của ACB đối với nền kinh tế trên các khía cạnh phát triển bền vững. Báo cáo cũng ghi nhận các hoạt động, dự án, các cải tiến hệ thống, các sản phẩm dịch vụ xét trên các khía cạnh Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị (G) có thể nâng cao hiệu quả, mang đến lợi ích cho hoạt động kinh doanh của ACB.
Theo đó, hướng tới lợi ích toàn diện và lâu dài cho cổ đông, khách hàng, nhân viên và các bên hữu quan, ACB đang nỗ lực xây dựng một nền tảng kinh doanh vững chắc trong đó “Hiệu quả hoạt động kinh tế gắn liền với phát triển bền vững.” Nói cách khác, hiệu quả hoạt động kinh tế được xác định vừa là mục tiêu trọng yếu vừa là điều kiện quan trọng để hiện thực hóa cam kết tạo ra giá trị cao và bền vững cho tất cả các bên.

Đặc biệt, ACB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành hai báo cáo cùng thời điểm: một là Báo cáo thường niên 2024, bao gồm các chỉ tiêu tài chính và hoạt động ngân hàng trong năm qua; hai là Báo cáo PTBV 2024 phản ánh những nỗ lực của ACB trong việc triển khai các sáng kiến bền vững. Việc phát hành diễn ra trong một sự kiện quan trọng như Đại hội cổ đông một lần nữa khẳng định các hoạt động kinh doanh của ACB luôn được đặt trong mục tiêu phát triển bền vững dài hạn.
Những thành tựu về phát triển bền vững đó đã được các tổ chức hữu quan ghi nhận thông qua các giải thưởng như “Tổ chức có môi trường làm việc tốt nhất Châu Á,” “Doanh nghiệp có thương hiệu truyền cảm hứng 2024,” “Ngân hàng có Quản trị công ty tốt nhất Việt Nam 2024,” và “Ngân hàng có trách nhiệm xã hội tốt nhất Việt Nam 2024.”
Động lực tăng trưởng bền vững mới đến từ mảng khách hàng doanh nghiệp
Dự báo năm 2025, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức như kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, sức ép cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu, thuế quan và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.
Trong bối cảnh này, các chỉ tiêu tài chính tín dụng trong kế hoạch hoạt động năm 2025 tiếp tục được ACB xây dựng trên cơ sở điều kiện thị trường, cân bằng giữa mục tiêu tăng thị phần và kiểm soát chất lượng tài sản cũng như kiểm soát chi phí, và đầu tư cho các dự án chiến lược.
Riêng với định hướng kinh doanh, ngân hàng cho biết tiếp tục duy trì là “ngân hàng tư nhân bán lẻ hàng đầu” đồng thời linh hoạt chuyển hướng cho mảng Khách hàng doanh nghiệp. Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, chia sẻ: “Trong 2025, chúng tôi thấy rằng có những cơ hội rất lớn của nền kinh tế khi Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 8%. Những hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu, đầu tư công đều đặt mục tiêu tăng trưởng 10-15%. Tôi nghĩ rằng các ngành nghề liên quan đến xuất nhập khẩu, đầu tư công cũng như FDI sẽ được hưởng lợi.
Theo đó nhằm tăng cường cung ứng vốn hỗ trợ nền kinh tế, ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp như cung cấp vốn vay với lãi suất thấp và ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn đầu ngành, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.”
Báo cáo thường niên 2024 cũng cho thấy tổng dư nợ tín dụng cho KHDN nói chung của ACB tăng đến 25%. Các doanh nghiệp lớn, đầu ngành cũng được tiếp cận và gia tăng nguồn vốn tài trợ, với dư nợ tăng 86%, quy mô tín dụng đối với nhóm khách hàng FDI cũng đã tăng 150% so với năm trước.
ACB cũng tự hào là một trong những ngân hàng tiên phong ở Việt Nam triển khai đảm bảo (kiểm toán) các chỉ số Tín dụng xanh và Tín dụng xã hội thuộc Khung tài chính bền vững. Tính đến 31/12/2024, dư nợ cho vay đối với các dự án thuộc danh mục dự án xanh và dự án xã hội lần lượt là 334,7 tỷ đồng và 3027,9 tỷ đồng. Điều này khẳng định sự đi đầu của ACB trong việc thúc đẩy các sản phẩm tài chính bền vững, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xanh.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nền tảng am hiểu khách hàng, công nghệ trí tuệ nhân tạo (Gen AI) được ứng dụng như một trợ thủ đắc lực trong quy trình tiếp cận và thẩm định khách hàng , giúp đội ngũ kinh doanh ACB tiếp cận hơn 400.000 khách hàng doanh nghiệp mỗi năm, gia tăng khả năng tìm kiếm khách hàng tiềm năng và cá nhân hóa sản phẩm một cách tối ưu.
Việc ACB phát hành đồng thời hai báo cáo quan trọng trong cùng một sự kiện không chỉ là bước đi tiên phong của ngân hàng tư nhân tại Việt Nam, mà còn là minh chứng cho nỗ lực xây dựng một hệ thống tài chính minh bạch, bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Giai đoạn 2025 – 2030, ACB cho biết sẽ tiếp tục nâng cao mức độ trưởng thành về phát triển bền vững của Ngân hàng từ mức tuân thủ lên mức tạo giá trị, tiệm cận với thực hành tốt của các ngân hàng hàng đầu trong khu vực ASEAN.