
Toàn cảnh Đại hội
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 8.000 tỷ đồng
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 16% so với mức thực hiện năm 2024
Ban lãnh đạo MSB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 9%, ước đạt 350.000 tỷ đồng vào cuối năm 2025. Trong đó, dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng 20%, đạt 212.000 tỷ đồng trong năm 2025. Đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mốc 3%.
Vốn huy động tại thị trường một và trái phiếu huy động vốn tăng 15%, đạt 202.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20%, từ 26.000 tỷ lên 31.200 tỷ.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025 ngân hàng MSB (Nguồn: MSB)
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngân hàng dự kiến tếp tục đẩy mạnh tăng trưởng quy mô khách hàng, tập trung cho tệp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Phát triển các gói sản phẩm tài chính tích hợp số hóa nhằm gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, mở rộng về lượng và chất các sản phẩm cho vay và huy động theo kênh số,….
Dự kiến trả cổ tức 20% bằng cổ phiếu
Tại Đại hội, Ban lãnh đạo MSB cũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.
Theo tờ trình được công bố, MSB dự kiến phát hành thêm tối đa 520 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để chia cổ tức với tỷ lệ 20% (người sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 20 cổ phiếu mới) từ lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức sau khi trích lập quỹ và lợi nhuận còn lại các năm trước chưa chia tính đến 31/12/2024.
Số cổ phiếu phát hành thêm để trả cổ tức không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện trong năm 2025, do Hội đồng quản trị quyết định sau khi được cơ quan Nhà nước chấp thuận.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của MSB sẽ tăng từ mức 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng (tương ứng tăng thêm 5.200 tỷ đồng).
Ngân hàng cho biết mục đích tăng vốn nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ quy định về quản trị rủi ro, cải thiện khả năng thanh toán, tăng cường khả năng chống chịu rủi ro và tạo niềm tin với nhà đầu tư, khách hàng.
Trong năm 2024, MSB đã tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng sau khi phát hành xong 600 triệu cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ thực hiện quyền 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023 sau khi trích lập các quỹ.
Mua lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ
Tại đại hội lần này, Ban lãnh đạo MSB cũng trình cổ đông thông qua việc góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để các công ty này trở thành công ty con của MSB.
Trong tờ trình, Ban lãnh đạo MSB cho biết việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế để tạo ra tiền để phát triển cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển trong tương lai. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế, mặc dù chịu nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới.
Trong các năm tới, MSB kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển cả về chất và lượng, với nhiều yếu tố hỗ trợ, với mục tiêu vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP vào năm 2030. Đặc biệt, thị trường chứng khoán hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025, mục tiêu dự báo sẽ thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm vào Việt Nam.
Nhận biết xu hướng và các tiềm năng tăng trưởng, MSB xác định lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai. Việc đầu tư vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm giúp MSB mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính trọng gói như: môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư chứng khoán đến quản lý tài sản và đầu tư quỹ, giúp MSB trở thành một hình tài chính toàn diện, tương tự như các ngân hàng lớn đã thành công với mô hình này như Vietcombank (VCBS), MB (MBS). MSB sẽ quản lý tài sản khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lớn từ ngân hàng bán lẻ.
Bên cạnh đó, việc sở hữu một công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ giúp MSB đã gia tăng năng lực cấp dịch vụ chứng khoán và quản lý tài sản cao cấp (Wealth Management), phục vụ khách hàng tiềm năng, quy mô lớn, cả với chứng khoán, trái phiếu… giúp đa dạng hóa lựa chọn đầu tư.
Việc sở hữu một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cũng giúp MSB tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, nâng tầm sự phát triển dài hạn của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh, MSB sẽ có lợi thế lớn khi vừa cung cấp dịch vụ ngân hàng vừa hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh chứng khoán.
Tiếp tục kế hoạch thoái vốn tại TNEX Finance
Tại Đại hội, Hội đồng quản trị MSB cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch thoái vốn của ngân hàng tại Công ty Tài chính TNHH MTV TNEX (TNEX Finance) – tiền thân là FCCOM, công ty con do MSB sở hữu 100%.
Kết thúc năm 2024, TNEX Finance có tổng tài sản 3.807 tỷ đồng, dư nợ cho vay 1.774 tỷ đồng, tổng doanh thu 358,8 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 5 tỷ đồng.
MSB dự kiến tìm kiếm đối tác chiến lược để chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn tại TNEX Finance nhằm tối ưu nguồn lực và tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Phần trả lời câu hỏi cổ đông:
Cổ đông: Đề nghị Ban lãnh đạo cho biết về kết quả kinh doanh quý I/2025
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Trong quý 1/2025, lợi nhuận trước thuế MSB đạt 1.630 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1.530 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024.
Tổng tài sản của MSB tính đến cuối quý 1 đạt 314.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng đến hết quý I đạt 8,92%, với dư nợ cho vay khách hàng đạt 192.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đến hết quý 1 là 163.000 tỷ đồng, tăng trưởng so với cuối năm 2024 (154.000 tỷ đồng).
Về chỉ số CASA, cuối năm 2024 đạt 26%, trong khi quý 1/2024 cùng kỳ là 29% và quý 1/2025 là 24%.
Chỉ số ROA bình quân quý 1/2025 đạt 1,82%, tăng nhẹ so với mức 1,79% của cùng kỳ năm trước. Chỉ số ROE quý 1/2025 đạt 15,54%, tăng so với mức 14,94% của quý 1/2024.
NIM bình quân quý 1/2025 là 3,5%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi đạt 23%. Các chỉ số an toàn tài chính bao gồm tỷ lệ CAR đạt trên 12%, và tỷ lệ LDR đạt 79%.
Cổ đông: MSB đã có công ty chứng khoán mục tiêu để mua lại chưa?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Dựa trên chiến lược phát triển dịch vụ quản lý tài sản (quản lý tài sản) cho khách hàng Priority, MSB dự kiến trong năm 2025 sẽ tiến hành mua cổ phần của một công ty chứng khoán, công ty quản lý. Mục tiêu của MSB là các công ty chứng khoán tài sản sạch sẽ và quy mô vốn điều lệ khoảng 300-500 tỷ đồng. Sau đó, MSB sẽ tiến hành điều hành và điều chỉnh tăng vốn để phù hợp với quá trình phát triển, đồng thời hỗ trợ các sản phẩm liên quan.
Cổ đông: Công ty có đối tác mua công ty tài chính tiêu dùng (TNex) chưa và giá bán là bao nhiêu?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Đây là vấn đề đã được đề cập nhiều lần trong đại hội đồng cổ đông. Hiện tại, MSB đã có 2-3 đối tác quan tâm, nhưng theo quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, đối tượng đủ điều kiện mua công ty tài chính tiêu dùng phải đáp ứng các tiêu chuẩn, đặc biệt là xếp hạng tín dụng từ A- trở lên theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, có 2-3 đối tác đang tham gia đáp ứng điều kiện này, và trong năm nay, MSB cũng xin ý kiến để tiến hành các bước tiếp theo.
Cổ đông: Tình hình căng thẳng thương mại ảnh hưởng như thế nào đến ngân hàng?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Với diễn biến khó khăn của chính sách thuế từ Mỹ đối với các quốc gia như Việt Nam, MSB đã quản lý danh mục một cách thận trọng. Tổng dư nợ của MSB hiện tại là hơn 191.000 tỷ đồng, trong đó các ngành chịu ảnh hưởng từ xuất khẩu sang thị trường Mỹ như sản phẩm gỗ, cá tra, dệt may, hóa chất, máy ảnh, điện thoại, linh kiện, hạt điều và thiết bị khác sử dụng khoảng 39.000 đồng, tương đương 9,5% tổng dư nợ.
Hiện tại, MSB kiểm soát danh mục này tốt, và trong trường hợp xấu nhất, rủi ro từ danh mục này chỉ nằm trong khoảng 2,34% chuyển thành nợ xấu, thấp hơn mức quản lý 3% của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, khả năng này chỉ áp dụng cho danh mục 39.000 tỷ đồng, không phải toàn bộ danh mục.
Nợ xấu của MSB vẫn được kiểm soát ở mức tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,8-1,9%.
Cổ đông: Ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng trưởng khá cao là 20% có khả thi?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Trong bối cảnh này, mục tiêu 20% là khả thi khi nhìn vào mức tăng trưởng 18,25% đạt được vào năm 2024. Với sự thúc đẩy từ Ngân hàng Nhà nước, MSB kỳ vọng đạt tiến tăng trưởng cao hơn bình quân ngành.
Đến hết quý 1/2025, MSB đã đạt tăng trưởng tín dụng gần 9%, nghĩa là chỉ còn 11% để đạt mục tiêu 20% trong 3 quý còn lại. Theo định hướng của nhà nước, MSB sẽ tập trung tín dụng vào các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và các ngành được ưu tiên phát triển.
Với khả năng tăng trưởng 11% còn lại và được hỗ trợ từ chính sách, MSB tin rằng mục tiêu này hoàn toàn khả thi
Kết thúc cuộc họp, toàn bộ tờ trình đều được Đại hội đồng cổ đông MSB thông qua