spot_img
31 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhĐiểm danh những thương vụ lớn của ngành ngân hàng năm 2025

Điểm danh những thương vụ lớn của ngành ngân hàng năm 2025

Từ nay đến cuối năm 2025, dự kiến ngành ngân hàng sẽ có nhiều thương vụ lớn lên quan đến việc IPO, niêm yết cổ phiếu, mua – bán cổ phần.
Điểm danh những thương vụ lớn của ngành ngân hàng năm 2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Techcombank dự kiến IPO TCBS vào cuối năm 2025

Đáng chú ý nhất là thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) của Techcombank.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng dự kiến thực hiện IPO TCBS trong năm 2025. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tài chính, xu hướng thị trường, và một số vấn đề liên quan đến việc nâng hạng thị trường cổ phiếu Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp, nhưng cũng sẽ sớm thôi. Hiện nay, Hội đồng Quản trị đã có kế hoạch, đã đưa ra các kịch bản khác nhau và đã thuê đơn vị tư vấn”, Chủ tịch Hồ Hùng Anh thông tin.

Theo Ban lãnh đạo Techcombank, IPO TCBS là một trong những động lực chính để đạt mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD. Hiện, TCBS đóng góp 10 – 20% lợi nhuận của Techcombank, có tiềm năng được định giá từ 2,5 đến 4 tỷ USD, qua đó nâng giá trị tổng thể của toàn ngân hàng.

Hai ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trong năm 2025

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) mới đây đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết gần 540 triệu cổ phiếu của VietABank (Mã: VAB) vào ngày 14/5/2025.

Hiện nay, cổ phiếu VAB đang được giao dịch tại sàn chứng khoán UPCoM với số lượng cổ phiếu lưu hành là gần 540 triệu đơn vị. Đóng cửa ngày 16/5, giá cổ phiếu VAB được dừng lại ở mức thị giá là 11.600 đồng/cp, tăng hơn 27% kể từ đầu năm. Giá trị vốn hóa thị trường xấp xỉ 6.300 tỷ đồng.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, cổ đông VietABank đã thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng tại Sở Giao dịch Chứng khoán (HOSE). Ngoài ra, HĐQT VietABank được ủy quyền trong các công việc khác liên quan đến hoạt động niêm yết trên sàn.

Theo Ban lãnh đạo ngân hàng, việc niêm yết cổ phiếu của VietABank nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”, đến năm 2025 hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cập nhật về tiến độ thực hiện, Tổng Giám đốc VietABank Nguyễn Văn Trọng cho biết VietABank đã chính thức nộp hồ sơ lên sàn HOSE và đã được tiếp nhận công văn.

“Sau khi Đại hội cổ đông thông qua, VietABank sẽ bám sát thủ tục để chính thức niêm yết. Chúng tôi đang thúc đẩy nhanh nhất có thể, dự kiến trong vòng 2 tháng sẽ chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HOSE”, ông Trọng cho hay.

Chủ tịch VietABank Phương Thành Long cũng cho rằng đây là cơ hội để VietABank tiếp cận nhà đầu tư, tăng số lượng giao dịch, giúp thị trường đánh giá và nhìn nhận giá trị ngân hàng tốt hơn. “Dự kiến trong quý III/2025, sẽ thực hiện thành công chuyển sàn, nhờ đó sẽ giúp giao dịch cổ phiếu sôi động hơn”, ông Long nói.

Cùng với VietABank, ĐHDCĐ thường niên 2025 Kienlongbank (Mã: KLB) cũng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại sở giao dịch chứng khoán.

Ngân hàng cho biết việc niêm yết cổ phiếu là điều cần thiết chứng minh ngân hàng ngày càng minh bạch trong hoạt động với vai trò là công ty đại chúng quy mô lớn, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu là nhiệm vụ rất quan trọng và HĐQT Kienlongbank sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục để đẩy nhanh việc niêm yết.

“Chúng tôi sẽ khẩn trương để hoàn tất nhưng về thủ tục sẽ cần sự chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mục tiêu là sẽ hoàn thành trong quý 4/2025”, Chủ tịch Kienlongbank Trần Ngọc Minh cho hay.

Vietcombank và BIDV chào bán cổ phiếu

Tại đại hội cổ đông vừa qua, Vietcombank thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng sẽ chào bán tối đa là 543,1 triệu cổ phiếu cho tối đa 55 nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. (tương đương 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm của đợt chào bán hoặc tại thời điểm của đợt chào bán đầu tiên trong trường hợp có nhiều đợt chào bán).

Việc chào bán có thể thực hiện theo một hoặc nhiều đợt chào bán trong năm 2025 – 2026. Thời điểm và số lượng cổ phiếu chào bán cụ thể của từng đợt chào bán sẽ căn cứ theo thực tế nhu cầu mua của nhà đầu tư.

Trong kế hoạch tăng vốn năm 2025,BIDV cũng dự kiến phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư bằng hình thức chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng với số lượng tối đa 269,846 triệu cổ phiếu (tương ứng 3,84% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3/2025).

Sacombank, MSB, SeABank dự kiến thâu tóm công ty chứng khoán

ĐHĐCĐ Sacombank mới đây đã thông qua tờ trình của Hội đồng quản trị về phương án mua công ty chứng khoán để trở thành công ty con của ngân hàng. Theo đó, Sacombank sẽ góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán, với tỷ lệ sở hữu trên 50%, tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng.

Hiện Sacombank này đang nắm giữ gần 14% cổ phần của Công ty Chứng khoán SBS. Từng là công ty mẹ nhưng đến năm 2011, Sacombank dần thoái vốn khỏi SBS, thậm chí có ý định bán toàn bộ vốn khỏi công ty chứng khoán này để cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả. Tuy nhiên, lãnh đạo Sacombank khẳng định trước cổ đông, Ngân hàng sẽ lựa chọn một công ty chứng khoán mới, chứ không mua lại vốn của SBS. Danh tính của công ty này vẫn chưa được tiết lộ.

Tại đại hội vừa qua, MSB cũng đã được cổ đông thông qua việc góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để các công ty này trở thành công ty con của MSB.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh, mục tiêu của MSB là các công ty chứng khoán có tài sản sạch và quy mô vốn điều lệ khoảng 300-500 tỷ đồng. Sau đó, MSB sẽ tham gia điều hành và điều chỉnh tăng vốn để phù hợp với quá trình phát triển, đồng thời hỗ trợ các sản phẩm liên quan.

ĐHĐCĐ thường niên SeABank cũng đã thông qua kế hoạch mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (“Asean Securities”) để Công ty này trở thành Công ty con của SeABank.

Hiện Công ty chứng khoán ASEAN có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. SeABank dự kiến sẽ mua cổ phần để sở hữu tối đa 100% vốn điều lệ công ty chứng khoán này. Thời gian thực hiện trong năm 2025 và/hoặc phù hợp với chấp thuận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật