spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhĐộng đất Myanmar: Tiết lộ đau buồn từ tâm chấn, lo sợ...

Động đất Myanmar: Tiết lộ đau buồn từ tâm chấn, lo sợ thảm họa thứ cấp

Một nhân viên cứu hộ tại TP Mandalay – Myanmar cho biết số người chết do thảm họa động đất "hiện không thể thống kê được".

Theo cập nhật gần nhất từ Myanmar tối 30-3, số người thiệt mạng do thảm họa động đất hôm 28-3 đã tăng lên khoảng 1.700, trong khi hơn 3.400 người khác bị thương và 300 người mất tích, cùng cảnh báo rằng số thương vong có thể còn tăng lên.

Tuy nhiên, một nhân viên cứu hộ yêu cầu giấu tên tại tâm chấn Mandalay nói: “Vẫn còn vô số người bị mắc kẹt và mất tích. Số người chết hiện không thể thống kê được vì có quá nhiều người bị mắc kẹt và không xác định được danh tính, nếu còn sống”.

Báo cáo rạng sáng 31-3 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng quy mô thương vong “chưa được cập nhật đầy đủ” và dự báo rằng số người gặp nạn có thể cao nhất ở các khu vực thành thị thuộc Mandalay, Sagaing và Naypyidaw.

Động đất Myanmar: Tiết lộ đau buồn từ tâm chấn, lo sợ thảm họa thứ cấp- Ảnh 1.

Một đội cứu hộ của Trung Quốc tiếp cận một khu nhà đổ nát tại TP Mandalay hôm 30-3. Thành phố này là tâm chấn của thảm họa động đất – Ảnh: TÂN HOA XÃ

Cũng theo các nhân viên cứu hộ và người dân ở TP Mandalay, hiện các đội phải sử dụng găng tay, dây thừng và các dụng cụ đào cơ bản để tìm kiếm người trong đống đổ nát vì thiếu máy móc hạng nặng.

Điều này sẽ khiến họ khó lòng tiếp cận nhiều người bị mắc kẹt sâu bên trong các tòa nhà đổ sập.

Cục Khí tượng và Thủy văn Myanmar đã báo cáo 34 dư chấn, trong đó nhiều dư chấn mạnh, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

Theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, sự tàn phá đã lan rộng và nhu cầu nhân đạo đang tăng lên từng giờ.

Dự kiến trong vài tuần nữa, tình hình càng khắc nghiệt với nhiệt độ tăng cao và thay đổi thời tiết bất lợi do gió mùa. Do vậy cơ quan này cho rằng cần phải cấp bách ổn định các cộng đồng bị ảnh hưởng trước khi các cuộc khủng hoảng thứ cấp xuất hiện.

Nhiều người dân và đội cứu hộ ở vùng thảm họa cũng cho biết họ vẫn chưa được tiếp cận với viện trợ.

“Do những cây cầu bị phá hủy, ngay cả viện trợ ở Mandalay cũng khó có thể tiếp nhận được” – Đơn vị Liên bang Sagaing Hluttaw, một hiệp hội chính trị có liên hệ với chính quyền quân sự Myanmar, cho biết trên Facebook.

Đơn vị này cũng cho hay hiện thực phẩm và thuốc men không có sẵn.

Tân Hoa Xã lúc rạng sáng 31-3 đưa tin rằng một số hàng viện trợ của nước này đã đến được khu vực động đất, kèm theo thông tin và hình ảnh cập nhật về các đội cứu hộ đang làm việc tại vùng thảm họa, bao gồm tâm chấn Mandalay và thủ đô Naypyidaw lân cận.

Trước đó, nước này đã cử 3 đội cứu hộ mang theo nhiều phương tiện đến Myanmar. Họ phải đáp máy bay xuống TP Yangon.

Việc tiếp cận Mandalay được cho là rất khó khăn bởi tuyến cao tốc chính nối Yangon và thành phố này đã hư hại nặng.

Sân bay lớn tại một trong 2 thành phố chịu ảnh hưởng chính là Naypyidaw đã ngừng hoạt động từ ngày xảy ra thảm họa, sau khi động đất kéo sập tháp kiểm soát không lưu.

Mặc dù vậy, một trong các đội cứu hộ Trung Quốc cho biết họ đã đến được Naypyidaw vào tối 29-3.

Video: Những hình ảnh “chạm tới trái tim” trong thảm họa động đất ở Myanmar

Lực lượng cứu hộ, hàng viện trợ cũng như nhiều lời cam kết hỗ trợ tài chính từ các quốc gia khác tiếp tục hướng về Myanmar, bao gồm từ Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Nga, Việt Nam…

Cũng trong ngày 30-3, Mỹ đã cam kết số tiền cụ thể là 2 triệu USD hỗ trợ “thông qua các tổ chức hỗ trợ nhân đạo có trụ sở tại Myanmar”, cũng như cử một nhóm khẩn cấp từ USAID đến vùng thảm họa.

Trước đó, ngay sau thời điểm xảy ra động đất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định trong một cuộc họp báo là đã trò chuyện với phía Myanmar và sẽ hỗ trợ.

WHO cung cấp gần 3 tấn vật tư y tế

Rạng sáng 31-3, WHO cho biết họ đã cung cấp gần 3 tấn vật tư y tế cho các bệnh viện ở Naypyidaw và Mandalay.

Hàng hóa này bao gồm các bộ dụng cụ cứu thương và lều đa năng, đã được đưa đến một bệnh viện 1.000 giường ở Naypyidaw và sẽ sớm đến Bệnh viện đa khoa Mandalay, là 2 cơ sở y tế chính đang nỗ lực cứu giúp những người bị thương.

WHO đang chuẩn bị đợt hàng thứ hai với các “Bộ dụng cụ y tế khẩn cấp liên ngành”. Mỗi bộ dụng cụ loại này bao gồm đủ vật tư để điều trị cho 10.000 người trong 3 tháng.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật