Đồng đô la Mỹ tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt vào thứ Sáu, khi những tranh cãi về thuế nhập khẩu làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào độ an toàn của đồng bạc xanh, khiến tỷ giá chạm mức thấp nhất trong một thập kỷ so với franc Thụy Sĩ và thấp nhất trong ba năm so với euro.
Trung Quốc hôm thứ Sáu đã nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ từ 84% lên 125%, đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế lên tổng cộng 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, sau khi tạm hoãn áp thuế mới với nhiều quốc gia khác.
Đồng đô la chịu áp lực mạnh từ làn sóng bán tháo toàn cầu, lan sang thị trường chứng khoán và cả trái phiếu kho bạc Mỹ – vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đang trên đà ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2001.
Ông Brad Bechtel, trưởng bộ phận ngoại hối toàn cầu tại Jefferies cho rằng sự suy yếu của đồng đô la một phần do quan điểm rằng vị thế kinh tế đặc biệt của Mỹ đang suy giảm, với nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề, cùng sự chuyển dịch từ đồng đô la như một tài sản trú ẩn sang yen Nhật và franc Thụy Sĩ.

Chỉ số DXY giảm mạnh
“Đang có một sự chuyển dịch lớn, khi các nhà đầu tư nước ngoài đa dạng hóa danh mục khỏi Mỹ, hướng tới các khu vực như châu Âu. Với những nhà đầu tư vẫn tham gia vào thị trường Mỹ, họ nhận ra cần phải phòng ngừa rủi ro tỷ giá, dẫn đến một cuộc chạy đua làm gia tăng áp lực lên đồng đô la,” ông nói.
Dữ liệu công bố thứ Sáu cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ xấu đi đáng kể trong tháng 4, trong khi kỳ vọng lạm phát 12 tháng tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 1981, giữa bối cảnh bất an về căng thẳng thương mại.
Đồng đô la giảm 0,9% xuống 0,81650 so với franc Thụy Sĩ, nối dài đà giảm từ phiên trước khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2015, và đang hướng tới tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Tỷ giá đô la cũng giảm 0,51% xuống 144,05 yen, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2024, dự kiến ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2.
Trong khi đó, giá vàng vượt mốc 3.200 USD/ounce, đạt đỉnh mới nhờ một phần vào sự suy yếu của đồng đô la, với vàng giao ngay tăng 1,75% lên 3.229,46 USD/ounce.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hôm thứ Sáu tuyên bố ECB sẵn sàng triển khai các công cụ để duy trì ổn định tài chính, đồng thời nhấn mạnh thành tích vững chắc trong việc xây dựng các biện pháp đối phó với biến động khi cần thiết.
Đồng euro tăng mạnh 1,25% lên 1,134050 USD, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2022, và đang hướng tới tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng trước. Đồng tiền chung này cũng tăng 0,43% so với bảng Anh, cho thấy sự vượt trội. Đồng bảng Anh tăng 0,89% so với đô la, đạt 1,30825 USD.
Chỉ số đô la, đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ gồm yen và euro, giảm 0,56% xuống 99,78 – mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Trong diễn biến khác, đồng nhân dân tệ Trung Quốc lao dốc so với euro, khi đồng tiền chung châu Âu chạm mức cao nhất trong 11 năm so với nhân dân tệ. Trong tuần này, đồng tiền Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ trên cả thị trường nội địa và hải ngoại, dù sau đó đã phục hồi phần nào. Đồng đô la Mỹ hiện giảm 0,45% so với nhân dân tệ hải ngoại, giao dịch ở mức 7,2807.
Ông Win Thin, trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu tại Brown Brothers Harriman ở New York, nhận định: “Một phần nguyên nhân khiến đồng đô la suy yếu trong vài tuần qua liên quan đến lo ngại về suy thoái kinh tế hoặc việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất, nhưng vấn đề đã vượt xa những yếu tố đó. Thực chất, đó là sự mất niềm tin và uy tín vào đồng đô la cũng như vào các chính sách của Mỹ. Thông thường, trong những giai đoạn thị trường bất ổn, đồng đô la sẽ tăng giá như một tài sản trú ẩn an toàn, nhưng lần này, yen Nhật và franc Thụy Sĩ mới là những đồng tiền được hưởng lợi, trong khi đô la lại chịu áp lực lớn.”
Theo Reuters