Trong tháng 2/2025, lực lượng chức năng Thái Lan đã tiến hành hai chiến dịch truy quét quy mô lớn, nhắm vào các cơ sở sản xuất và phân phối thực phẩm, hàng tiêu dùng giả mạo tại các tỉnh Nonthaburi và Pathum Thani.
Trọng tâm của các vụ việc là đường dây làm giả bột ngọt thương hiệu Ajinomoto cùng với các sản phẩm như bột nêm, nước rửa bát và xà phòng tắm. Hai vụ việc đều có điểm chung là mức độ tổ chức chuyên nghiệp và phạm vi phân phối rộng lớn, khiến giới chức đặc biệt lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tại quận Bang Bua Thong, tỉnh Nonthaburi, cảnh sát thuộc Đơn vị phòng chống tội phạm kinh tế phối hợp cùng Cục Điều tra Trung ương đã đột kích một cơ sở ngụy trang trong khu dân cư Lam Pho Soi 21. Đây là nơi được sử dụng để sản xuất bột ngọt Ajinomoto và bột nêm RosDee giả.
Cuộc điều tra mở rộng đã dẫn đến việc khám xét 7 địa điểm khác tại các tỉnh lân cận như Samut Sakhon và Pathum Thani. Cơ quan chức năng đã bắt giữ tổng cộng 9 đối tượng, trong đó có tám công dân Campuchia và một người Thái Lan, được cho là những mắt xích quan trọng trong đường dây sản xuất và phân phối sản phẩm giả này.

Nhiều sản phẩm, bao gồm nước rửa bát Sunlight, đã bị thu giữ trong cuộc đột kích.
Trong quá trình khám xét, cảnh sát đã thu giữ hơn 271.000 gói sản phẩm gồm bột ngọt, bột nêm và cà phê hòa tan được đóng gói giả nhãn hiệu Nescafé. Các bao bì, tem nhãn và thiết bị đóng gói đều được chuẩn bị tinh vi, mô phỏng gần như giống hệt sản phẩm chính hãng, khiến việc nhận biết bằng mắt thường trở nên rất khó khăn.
Số lượng hàng hóa lớn cùng mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước cho thấy đây là một đường dây có tổ chức chặt chẽ, hoạt động lâu dài và có dấu hiệu xuyên biên giới.
Không lâu sau đó, trong cùng tháng, một vụ việc nghiêm trọng khác tiếp tục được phanh phui tại quận Lam Luk Ka, tỉnh Pathum Thani. Lực lượng cảnh sát Bảo vệ Người tiêu dùng cùng đại diện Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã tiến hành đột kích một nhà máy nằm trong khu công nghiệp Orrada Factory Land, sau khi nhận được đơn tố cáo về việc cơ sở này sản xuất hàng tiêu dùng giả.
Theo đó, nhà chức trách đã phát hiện khoảng 5.000 gói mỳ chính Ajinomoto giả đã được đóng gói sẵn, cùng với hơn 22 tấn bột ngọt dạng thô, 1,4 tấn muối, những nguyên liệu chính được dùng để pha trộn thành bột nêm giả.

Các đối tượng sử dụng thủ đoạn pha trộn bột ngọt với muối để tạo thành bột nêm.
Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ 110.000 bao bì trống mang nhãn hiệu Ajinomoto, 20 bao nước rửa chén giả mạo thương hiệu Sunlight, hơn 25.000 bao bì in sẵn, cùng 2.088 bánh xà phòng Bennett giả. Một số bao phân bón lớn chứa xà phòng thô cũng được tìm thấy, cho thấy hàng nghìn sản phẩm đang trong quá trình chờ đóng gói và phân phối ra thị trường.
Phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc đột kích, Thiếu tướng Wiwat Chaisangkha, Phó Cục trưởng Cục Điều tra Trung ương Thái Lan, cho biết nhà máy này đã hoạt động trong suốt hơn 1 năm qua. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn pha trộn bột ngọt với muối để tạo thành bột nêm, sau đó đóng gói trong bao bì giả mạo thương hiệu Ajinomoto nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Theo đánh giá sơ bộ, các sản phẩm giả nếu lưu hành rộng rãi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, do không được kiểm soát chất lượng và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hai vụ án lớn xảy ra liên tiếp trong cùng tháng đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng hàng tiêu dùng giả mạo đang lan rộng tại Thái Lan. Giới chức nước này khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng điều tra, truy vết các đối tượng chủ mưu, mạng lưới phân phối và những liên kết có thể tồn tại với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Tham khảo Bangkok Post, ASEAN Now