Lợi nhuận ngân hàng tăng chậm lại trong năm 2025
Tại báo cáo ngành ngân hàng năm 2025, Công ty TNHH Chứng khoán Á Châu (ACBS) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng 16,2% trong năm nay, sang năm 2025 tốc độ tăng trưởng chậm lại đôi chút ở mức 14,9%.
ACBS cho rằng kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn duy trì bền vững, cho thấy khả năng chống chịu của ngành hiện tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính trước đó vào năm 2012 – 2013.
Tuy nhiên, lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ có lợi nhuận tăng trưởng 12% trong năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động sẽ có lợi nhuận tăng trưởng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn sẽ chứng kiến lợi nhuận đi lên chỉ 8%.
Báo cáo của SSI Research cũng đưa ra ước tính lợi nhuận của một số ngân hàng trong quý IV năm nay. Theo SSI Research, trong quý này, ước tính nhóm ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng 14,5%, có những ngân hàng lợi nhuận tăng hàng trăm phần trăm như MSB, OCB, TPB… Riêng VPB cũng tăng trưởng hơn 91%.
Trong khi đó, các chuyên gia của Maybank Investment Bank dự báo tốc độ phục hồi và khả năng sinh lợi trong năm 2025 sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng, phụ thuộc vào sức mạnh của cơ sở khách hàng, chất lượng tài sản và cam kết với lợi nhuận của cổ đông.
Theo đó, tổng lợi nhuận cho các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng khoảng 16% năm 2024 và 19% năm 2025. Các ngân hàng có hiệu suất tốt nhất về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 sẽ là VPB, TCB, HDB, MBB và STB. Nhưng các ngân hàng có khả năng đạt được mục tiêu tốt hơn là TCB, VCB và CTG.
Nợ xấu sẽ giảm
Cũng trong báo cáo của Chứng khoán ACBS cho rằng, dù vẫn tăng nhẹ trong 2 quý liên tiếp nhưng có dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.
Theo ACBS, thời điểm khó khăn nhất đã qua và tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích dự báo giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Nhưng việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023-2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao.
Bộ đệm dự phòng không còn dày nhưng có sự phân hoá rõ nét giữa các ngân hàng. Các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ nhìn chung có bộ đệm dự phòng thấp hơn nhóm các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi trong trường hợp Thông tư 02 không được gia hạn sau 31/12/2024, và rủi ro nợ kéo theo trên CIC đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng có lượng trái phiếu sắp đến hạn lớn. Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập tăng cao trong quý IV/2024 – 2025.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – cho biết, ngành ngân hàng còn đối diện nhiều thách thức, trong đó nổi lên là vấn đề nợ xấu. Theo đó, các tổ chức tín dụng đang phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực (cuối năm 2023), công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Hùng, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… Điều này ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.