Thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, các ý kiến trong cơ quan thẩm tra đều nhất trí với việc ban hành nghị quyết, song đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn cả mặt tích cực và thách thức, mức độ rủi ro, khả năng quản lý rủi ro.
Về chính sách thuế tại Trung tâm tài chính quốc tế, có ý kiến đề nghị rà soát lại tổng thể các ưu đãi về thuế để một mặt bảo đảm tính hấp dẫn nhưng không chênh lệch quá cao, không vi phạm cam kết quốc tế; thủ tục hưởng ưu đãi cần đơn giản, minh bạch; có cơ chế kiểm soát, hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng lợi dụng gây thất thoát ngân sách.
Dành sự quan tâm cho mô hình Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, các ý kiến đề nghị làm rõ cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, mối liên quan với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; hiệu lực phán quyết, việc tổ chức thi hành; những ưu thế riêng và điểm khác biệt so với cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là nội dung rất mới.
“Đổi mới mô hình tăng trưởng cần có Trung tâm tài chính quốc tế để thu hút các nguồn lực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới”, ông Thanh nhận định.
Lưu ý hồ sơ gửi Quốc hội hiện tại có những chính sách khác với phiên bản trước đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị các cơ quan liên quan giải trình rõ; đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất những cơ chế đặc thù, đặc biệt giúp tăng sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất, Quốc hội chỉ có chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế với các nguyên tắc khung chung, giao Chính phủ quy định cụ thể các cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, đến nay, các dự thảo văn bản hướng dẫn vẫn chưa hoàn thiện. Vì vậy, cần xem xét thời điểm chính thức có hiệu lực để nghị quyết sớm được thực hiện đồng bộ trong thực tế.
“Trung tâm tài chính quốc tế sẽ có tác động rất nhanh, mạnh đến nền tài chính nước ta, vì vậy, cần xác định sớm, dự liệu trước các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính cũng như an ninh và quốc phòng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.