spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhĐức lần đầu tiên đóng quân thường trực tại một quốc gia...

Đức lần đầu tiên đóng quân thường trực tại một quốc gia khác kể từ Thế chiến II

Tờ Business Insider (Mỹ) ngày 2/4 đưa tin, quân đội Đức (Bundeswehr) thông báo rằng họ đã thành lập một lữ đoàn mới có tên gọi là Lữ đoàn Thiết giáp số 45, để đóng quân tại Litva.

Theo truyền thông Mỹ, đây sẽ là đợt triển khai quân dài hạn đầu tiên đến một quốc gia khác của Đức kể từ Thế chiến II.

Chuẩn tướng Christoph Huber – chỉ huy Lữ đoàn Thiết giáp số 45 – cho biết, với việc thành lập đơn vị này, “chúng tôi không chỉ hướng tới sự sẵn sàng chiến đấu mà còn nói tới việc chịu trách nhiệm”.

“Vì liên minh, vì Litva, vì an ninh của châu Âu”, ông nói. “Như một dấu hiệu cho thấy quyết tâm bảo vệ hòa bình và tự do của chúng tôi với các đối tác.”

Đức lần đầu tiên đóng quân thường trực tại một quốc gia khác kể từ Thế chiến II- Ảnh 1.

Binh lính Đức và Litva cầm cờ Đức tại buổi lễ thành lập Lữ đoàn Thiết giáp số 45. Ảnh: Getty

“Đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo ở sườn phía đông của NATO”

Theo Business Insider, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã làm bùng nổ các thỏa thuận và chi tiêu quốc phòng giữa các quốc gia châu Âu.

Khi các kế hoạch đầu tiên về Lữ đoàn Thiết giáp số 45 được lập ra vào năm 2023, Đức mô tả đây là một phần trong nỗ lực ngày càng tăng của các thành viên NATO nhằm tăng cường an ninh của chính họ và an ninh của biên giới phía đông NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius từng nói rằng: “Với lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu này, chúng tôi đang đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo ở sườn phía đông của NATO”.

Trong tuần này, Bundeswehr thông báo rằng lữ đoàn Lữ đoàn Thiết giáp số 45 mới sẽ bao gồm một số tiểu đoàn, và có khoảng 5.000 binh lính và nhân viên dân sự.

Bundeswehr cũng cho biết thêm rằng sở chỉ huy của lữ đoàn đã đi vào hoạt động bình thường và mục tiêu là đưa cơ sở này vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn vào năm 2027.

Theo Business Insider, Litva – giáp với vùng đất Kaliningrad của Nga và đồng minh thân cận của Nga là Belarus – là một trong những quốc gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo lớn nhất rằng Nga có thể vượt qua Ukraine để tấn công những nơi khác ở châu Âu.

Litva cũng là một trong những quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn nhất của NATO theo tỷ lệ GDP và là một trong những đồng minh lớn nhất của Ukraine, mô tả quân đội Ukraine là những người đang bảo vệ toàn bộ châu Âu.

Đã có quân đội NATO ở Litva, theo chế độ luân phiên, với một nhóm tác chiến đa quốc gia do Đức chỉ huy. Các quốc gia NATO cũng đã triển khai những khí tài như máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tại đó.

Quân đội Mỹ nằm trong số những lực lượng đồn trú tại Litva, mặc dù tương lai lâu dài của họ vẫn chưa rõ ràng, khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích các đồng minh NATO của Mỹ cũng như trong việc hỗ trợ Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovile Sakaliene từng nói với Business Insider hồi tháng 2 rằng đất nước của bà muốn quân đội Mỹ ở lại và bà hy vọng Washington có thể “đồng quan điểm” với các quốc gia chi trả cho quốc phòng.

“Chúng tôi làm phần việc của mình”, bà nói và cho biết thêm rằng bà hy vọng Mỹ cũng sẽ làm phần việc của mình.

Đức lần đầu tiên đóng quân thường trực tại một quốc gia khác kể từ Thế chiến II- Ảnh 2.

Theo truyền thông Mỹ, đây sẽ là đợt triển khai quân dài hạn đầu tiên đến một quốc gia khác của Đức kể từ Thế chiến II. Ảnh: Getty

Chi tiêu quốc phòng của Đức vẫn tăng ít hơn một số đồng minh

Business Insider đưa tin, lữ đoàn mới của Đức là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp mà nước này đưa ra kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.

Theo NATO, nước này chi 1,51% GDP cho quốc phòng vào năm 2022, và đã tăng lên khoảng 2,12% vào năm 2024.

Việc gia tăng mua sắm quốc phòng của Đức và châu Âu nói chung đem lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng của lục địa này.

Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall (Đức) cho biết hồi tháng 3 rằng họ kỳ vọng doanh số bán hàng trong năm nay sẽ tăng từ 25% đến 30%.

Nhưng chi tiêu quốc phòng của Đức vẫn tăng ít hơn một số đồng minh của mình. Theo ước tính của NATO, Đức đứng thứ 15 trong số 31 thành viên NATO về chi tiêu quốc phòng tính theo tỷ lệ GDP vào năm 2024.

Tuy nhiên, theo Business Insider, sau khi vật lộn với di sản Thế chiến I và Thế chiến II, dẫn đến việc tránh chủ nghĩa quân phiệt nặng nề, Đức đã cam kết thực hiện các động thái quân sự lớn.

Trong tháng 3, các nhà lập pháp Đức đã bỏ phiếu để sửa đổi hiến pháp nước này theo cách sẽ giải phóng hàng tỷ đô la cho chi tiêu quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Litva Sakaliene nói với Business Insider hồi tháng 2 rằng châu Âu “cần phải tăng chi tiêu quốc phòng của chúng ta rất nhanh và rất đáng kể”.

Bà cho biết châu Âu cần có khả năng sánh ngang với Mỹ và Nga – quốc gia đang tăng cường sản xuất quốc phòng. “Chúng ta cần phải bắt kịp tốc độ của Nga.”

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật