Một nghiên cứu mới đã hé lộ tiềm năng của bụi kim cương trong việc giảm nhiệt độ toàn cầu, có khả năng “mua thêm thời gian” cho loài người để đối phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cho rằng việc bắn 5,5 triệu tấn bụi kim cương vào tầng bình lưu mỗi năm có thể giảm nhiệt độ Trái Đất xuống 1 độ C, gần như bù đắp toàn bộ lượng nhiệt tăng kể từ cách mạng công nghiệp.
Ý tưởng gây tranh cãi
Sandro Vattioni, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà vật lý khí quyển tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich), thừa nhận rằng đây là một chủ đề “rất gây tranh cãi”. Một số nhà khoa học thậm chí kêu gọi ngừng nghiên cứu về địa kỹ thuật khí hậu (geoengineering) vì lo ngại các hậu quả không lường trước.
Việc phun các hạt phản chiếu ánh sáng vào tầng bình lưu đã được nghiên cứu như một cách để giảm lượng năng lượng Mặt Trời đến Trái Đất. Ý tưởng này lấy cảm hứng từ những đợt phun trào núi lửa lớn, khi sulfur dioxide trong khí quyển chuyển hóa thành các hạt sulfate, giúp phản chiếu ánh sáng Mặt Trời và làm mát hành tinh. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đi kèm với nhiều rủi ro, bao gồm làm nóng tầng bình lưu và gây xáo trộn mô hình mưa toàn cầu.
Theo Vattioni, bụi kim cương có thể giải quyết các vấn đề trên. Các hạt kim cương cực kỳ phản chiếu và không hấp thụ nhiệt, đồng thời không kết dính thành cụm như các vật liệu khác. Điều này giúp kim cương không gây ra sự nóng lên tầng bình lưu hay làm rối loạn các hệ thống khí hậu khác.
Trong nghiên cứu công bố trên Environmental Research: Climate, nhóm đã so sánh hiệu suất làm mát của bụi kim cương với các vật liệu như nhôm và calcite. Kết quả cho thấy chỉ cần một phần ba lượng bụi kim cương so với các vật liệu khác để đạt cùng mức giảm nhiệt độ.
Thách thức về chi phí và năng lượng
Dù mang lại hiệu quả cao, chi phí để triển khai bụi kim cương là một rào cản lớn. Một nghiên cứu năm 2020 ước tính việc sử dụng sulfur dioxide từ năm 2035 đến 2100 sẽ tiêu tốn 18 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, chi phí cho kim cương có thể lên tới 175 nghìn tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.
Vattioni thừa nhận calcite, thành phần chính trong đá vôi, có thể là lựa chọn khả thi hơn do nguồn cung dồi dào và giá rẻ hơn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng không nghiên cứu công nghệ này cũng đồng nghĩa với việc bỏ qua một tiềm năng có thể giúp trì hoãn các điểm tới hạn không thể đảo ngược của khí hậu.
Vattioni nhấn mạnh rằng các phương pháp địa kỹ thuật như SAI (phun hạt vào tầng bình lưu) không phải là lời giải cho biến đổi khí hậu, mà chỉ là “biện pháp tạm thời”. Ông cảnh báo rằng nếu không hành động, loài người có thể vượt qua các điểm tới hạn về khí hậu và sinh thái, gây ra hậu quả không thể đảo ngược.
“SAI không phải để thay thế việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, mà là để tránh các thảm họa khí hậu trong thời gian chờ đợi chúng ta đạt được mục tiêu đó,” Vattioni kết luận.