Đến chiều 7/5, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, SJC và DOJI đã đồng loạt điều chỉnh giảm 1 triệu đồng mỗi lượng so với phiên sáng. Hiện giá giao dịch phổ biến ở mức 119,7 – 121,7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tại các doanh nghiệp này chưa ghi nhận sự điều chỉnh so với sáng nay.
—————-
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, các doanh nghiệp vàng như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, SJC, DOJI và Mi Hồng đồng loạt điều chỉnh tăng giá vàng miếng thêm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Giá hiện được niêm yết phổ biến ở mức 120,7 – 122,7 triệu đồng/lượng.
Về giá vàng nhẫn vàng nhẫn, Công ty SJC tăng thêm 500.000 đồng/lượng, hiện giao dịch ở mức 116 – 118,5 triệu đồng/lượng. PNJ cũng điều chỉnh tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, lên mức 115,5 – 118 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu và DOJI không thay đổi so với chiều qua, lần lượt được niêm yết ở mức 117,5 – 120,5 triệu đồng/lượng và 114,3 – 117,1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng ở thời điểm hiện tại giao ngay ở ngưỡng 3.384 USD/ounce, giảm tới 44 USD so với giá đóng cửa phiên giao dịch trước. Trong phiên giao dịch ngày 6/5, giá vàng đã tăng 99 USD lên 3.432 USD/ounce. Đây là phiên thứ hai liên tiếp kim loại quý tăng gần 100 USD.
Theo Kitco News, giới chuyên gia chỉ ra hai nguyên nhân chính đang dẫn dắt đà tăng chóng mặt của giá vàng. Thứ nhất, đồng USD suy yếu trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn, áp thuế nhập khẩu lên hầu hết các nền kinh tế lớn. Những căng thẳng thương mại leo thang đã làm giảm niềm tin vào đồng bạc xanh và khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một “vịnh tránh bão” an toàn.
Thứ hai, tâm lý thị trường khiến nhu cầu đầu tư vào vàng tăng mạnh. Các báo cáo kinh tế gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại ở cả Mỹ, Trung Quốc, EU và nhiều nền kinh tế khác, kéo theo lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao do ảnh hưởng từ các rào cản thương mại.
Trong bối cảnh đó, giá trị nội tại của vàng, loại tài sản không bị lạm phát làm xói mòn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, đặc biệt khi nhiều quốc gia đang triển khai các chính sách tiền tệ làm suy yếu đồng nội tệ. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông và mối đối đầu kéo dài giữa Nga và Ukraine cũng là những yếu tố tiếp sức cho giá vàng.
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới hiện đang tích cực mua vào vàng ở mức kỷ lục nhằm đa dạng hóa bảng cân đối kế toán, tránh phụ thuộc vào các đồng tiền pháp định truyền thống, bao gồm cả đồng USD. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong năm 2024, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua hơn 1.000 tấn vàng. Đây là năm thứ ba liên tiếp đạt mức mua cao như vậy và được kỳ vọng sẽ tiếp tục là nhóm mua chủ chốt trong suốt năm 2025.
Với đà tăng như hiện tại, giới đầu tư chắc chắn sẽ cân nhắc đưa vàng vào như một thành phần thiết yếu trong danh mục đầu tư tài chính, đóng vai trò là tấm khiên phòng vệ trước các rủi ro kinh tế và địa chính trị ngày càng leo thang. Nhu cầu đang tăng mạnh có thể đẩy giá vàng tiếp tục tăng cao, thậm chí vượt mốc 4.000 USD/ounce vào cuối năm 2025 hoặc đầu quý I/2026.