spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài Chính‘Gồng mình’ trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, ông...

‘Gồng mình’ trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, ông lớn sản xuất tấm pin mặt trời châu Âu buộc cắt giảm 20% nhân sự, 2 giám đốc cấp cao từ chức

Nhà sản xuất tấm pin mặt trời Meyer Burger của Thụy Sĩ đang phải 'gồng gánh' trước cơn lũ hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
‘Gồng mình’ trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, ông lớn sản xuất tấm pin mặt trời châu Âu buộc cắt giảm 20% nhân sự, 2 giám đốc cấp cao từ chức- Ảnh 1.

Ngày 18/9, hãng sản xuất tấm pin mặt trời Meyer Burger (Thụy Sĩ), cho biết sẽ cắt giảm gần 20% lực lượng lao động do cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc.

Theo đó, công ty sẽ cắt giảm lao động từ khoảng 1.050 người xuống còn 850 vào cuối năm 2025, tức giảm khoảng 20%. Nhân sự tại nhà máy ở Đức – nơi có 700 lao động – dự kiến sẽ chịu phần lớn tác động từ đợt cắt giảm này.

Tháng trước, Meyer Burger đã dừng kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Colorado và tạm hoãn công bố kết quả tài chính nửa đầu năm 2024 đến cuối tháng 9.

Ngoài ra, CEO Gunter Erfurt cũng từ nhiệm ngay lập tức và sẽ được thay thế bởi Chủ tịch công ty Franz Richter. Giám đốc tài chính Markus Nikles cũng sẽ từ chức vào cuối tháng 9, công ty cho biết.

Sự thay đổi này cho thấy những khó khăn bủa vây các nhà sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường.

Trung Quốc chiếm 80% công suất sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời trên toàn cầu nhờ trợ cấp trong nhiều năm. Điều này dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, kéo giá sản phẩm xuống thấp.

Khoảng 90% hệ thống năng lượng mặt trời bán ở châu Âu được sản xuất tại Trung Quốc, trong khi chỉ chưa tới 1% được sản xuất tại châu Âu. Cho đến gần đây, nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất còn lại ở châu Âu là Meyer Burger.

Chủ tịch Richter cho biết Meyer Burger đã phải hành động để ngăn chặn khoản lỗ vốn đã lên tới 292 triệu franc Thụy Sĩ (346 triệu USD) vào năm 2023.

Việc cắt giảm nhân sự nhằm đưa Meyer Burger có lãi trở lại. Công ty đặt mục tiêu từ năm 2026 trở đi, doanh thu hàng năm dự kiến từ 350-400 triệu franc Thụy Sĩ và lợi nhuận ròng đạt hàng chục triệu franc.

Meyer Burger cũng đang tìm cách thanh lý các thiết bị sản xuất không cần thiết sau khi kế hoạch xây dựng nhà máy ở Colorado bị hủy bỏ và nhà máy ở Freiberg (Đức) đóng cửa vào đầu năm nay.

Nhà phân tích Bernd Laux của Zuercher Kantonalbank cho biết: “Khả năng tồn tại lâu dài của Meyer Burger vẫn còn là câu hỏi”, đồng thời nhận định cổ phiếu này “vẫn chưa thể đầu tư được”.

Theo Reuters, Telegraph 

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật