spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhHai vạn lệnh trừng phạt dội vào nền kinh tế, Nga lung...

Hai vạn lệnh trừng phạt dội vào nền kinh tế, Nga lung lay nhưng không bấp bênh: Bài toán ngày một cấp bách với ông Trump

Các chuyên gia tin rằng các lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự sẽ là những quân bài để mặc cả trong các cuộc đàm phán. Vậy những quân bài trừng phạt mà ông Trump nắm giữ có giá trị như thế nào?
Hai vạn lệnh trừng phạt dội vào nền kinh tế, Nga lung lay nhưng không bấp bênh: Bài toán ngày một cấp bách với ông Trump- Ảnh 1.

Hàng nghìn lệnh trừng phạt sâu rộng đã được hàng chục quốc gia áp dụng đối với các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân Nga kể từ khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Pankin, các nước phương Tây đã áp đặt khoảng 20.000 lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.

Giờ đây, hơn 1.000 ngày sau, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức, những câu hỏi về hiệu quả các lệnh trừng phạt cũng như tương lai sẽ được đưa ra xem xét lại.

Ông Trump đã tuyên bố: “Tôi muốn sử dụng càng ít lệnh trừng phạt càng tốt”. Ông đã nói rõ sẽ có sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Ukraine, hứa rằng sẽ chấm dứt xung đột chỉ trong một ngày.

Các chuyên gia tin rằng các lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự sẽ là những quân bài để mặc cả trong các cuộc đàm phán. Vậy những quân bài trừng phạt mà ông Trump nắm giữ có giá trị như thế nào? Câu trả lời vẫn đang được bàn luận sôi nổi.

Lệnh trừng phạt ghìm chân Nga

Ban đầu, những hạn chế về kinh tế được kỳ vọng sẽ làm suy yếu nước Nga hoặc khiến đồng rúp mất giá. Nhưng mục tiêu này đã không thành hiện thực. Nhà kinh tế người Nga Sergei Guriev tại Trường Kinh doanh London cho biết ý tưởng dùng lệnh trừng phạt kinh tế để nhanh chóng chấm dứt xung đột thường là sản phẩm của hy vọng hơn là đánh giá thực tế.

Ông Guriev cho biết, thước đo tốt hơn là tự hỏi liệu các lệnh trừng phạt có cản được Moscow tiếp tục cuộc chiến hay không. Và theo ông cũng như một số nhà phân tích khác, câu trả lời là có.

Sau năm 2022, Mỹ, châu Âu và các đồng minh đã phản ứng với tốc độ và quy mô đáng kinh ngạc. Họ hạn chế Nga tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu và đồng USD, cản trở khả năng bán dầu của Nga – mặt hàng xuất khẩu có giá nhất của nước này.

Các ngân hàng phương Tây đã đóng băng hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga. Các chính phủ cấm mua bán nhiều loại dịch vụ và hàng hóa, bao gồm một số vũ khí tiên tiến.

Châu Âu trước đây từng nhập khẩu 40% khí đốt của Nga nay đang cố gắng “cai nghiện”. Nga thậm chí có thể sẽ bán được ít năng lượng cho châu Âu hơn sau khi Ukraine từ chối gia hạn thoả thuận trung chuyển khí đốt Nga trong đường ống chạy qua lãnh thổ của mình. Thoả thuận này đã hết hạn vào ngày 1/1/2025.

Ông Guriev nói: “Hãy tưởng tượng một thế giới mà các lệnh trừng phạt không được áp dụng. Một thế giới mà thương mại quốc tế của Nga không bị hạn chế nghiêm trọng và nước này có thể tiếp cận toàn bộ dự trữ ngoại hối bị đóng băng của mình”.

Nhà kinh tế học chỉ ra rằng rõ ràng các lệnh trừng phạt đã làm ảnh hưởng đến ông Putin. Thậm chí, có thể nói nếu không có các lệnh trừng phạt, Nga có thể đã chiến thắng trong cuộc xung đột này.

Hai vạn lệnh trừng phạt dội vào nền kinh tế, Nga lung lay nhưng không bấp bênh: Bài toán ngày một cấp bách với ông Trump- Ảnh 2.

Cảng Vladivostok, Nga. Ảnh: Reuters

Nền kinh tế Nga đã cảm nhận được những áp lực. Lạm phát tăng vọt đã thúc đẩy ngân hàng trung ương của nước này tăng lãi suất chuẩn lên 21%. Mặc dù chính phủ đã chi rất nhiều tiền để tài trợ cho quân sự, nhưng tăng trưởng kinh tế nói chung đang chậm lại.

“Khi ông Trump ngồi xuống đàm phán với ông Putin, các lệnh trừng phạt sẽ là một con bài cực kỳ có giá trị”, Elina Ribakova, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách đối ngoại tại Trường Kinh tế Kyiv và là học giả không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết.

Các chuyên gia kinh tế đều đồng tình rằng các lệnh trừng phạt hiệu quả nhất là những lệnh liên quan đến hệ thống tài chính toàn cầu, một đấu trường mà Mỹ có thể phát huy sức mạnh độc nhất.

Đồng USD là một ví dụ. Đồng tiền này giữ vị thế thống trị trong thương mại và dự trữ toàn cầu. Và chỉ có các ngân hàng Mỹ mới có thể xử lý các giao dịch bằng USD. Kết quả là nhiều tài sản tài chính của thế giới đều nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ.

Washington không chỉ cắt đứt hầu hết quyền truy cập của Nga vào hệ thống này mà còn đe doạ cấm bất kỳ ngân hàng nào trên thế giới vi phạm các quy tắc của mình. Đó là một rủi ro mà ngay cả nhiều tổ chức ở Trung Quốc cũng không muốn vi phạm.

Việc Nga bị chặn khỏi hệ thống nhắn tin thanh toán quốc tế SWIFT cũng làm gia tăng chi phí và độ phức tạp của các giao dịch quốc tế, dù là để mua dược phẩm, máy móc hay bán dầu và phân bón.

Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia khác, lệnh trừng phạt lại không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Hai vạn lệnh trừng phạt dội vào nền kinh tế, Nga lung lay nhưng không bấp bênh: Bài toán ngày một cấp bách với ông Trump- Ảnh 3.

Đối sách của Moscow

Theo thời gian, Nga có được sự giúp đỡ to lớn từ Trung Quốc. Moscow đã tìm ra một số cách để giảm tác động của lệnh trừng phạt bằng cách mở rộng thương mại với các quốc gia khác và khai thác các lỗ hổng.

Ví dụ, Trung Quốc và Ấn Độ đã lấp đầy ngân khố của Moscow bằng cách mua rất nhiều dầu của Nga. Trung Quốc cũng đã cung cấp cho Nga quyền tiếp cận các bộ phận vũ khí, chất bán dẫn và các vật liệu thiết yếu khác.

Rất nhiều hàng hóa của phương Tây đã đến Nga thông qua các quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt, như Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Một số nhà phê bình lập luận rằng các quốc gia phương Tây chưa đủ mạnh tay hoặc phản ứng chưa đủ nhanh để siết chặt áp lực đối với Nga.

Những lo ngại về việc cắt giảm nguồn cung năng lượng khi giá dầu tăng vọt và lạm phát cao đã khiến Mỹ và châu Âu nới lỏng các hạn chế đối với việc xuất khẩu nhiên liệu của Nga.

Quyết định của châu Âu thay thế các lệnh trừng phạt toàn diện hơn đối với giao dịch dầu của Nga bằng một mức giá trần có nghĩa là Nga có thể tiếp tục kiếm được doanh thu khổng lồ từ xuất khẩu năng lượng.

Theo thời gian, Nga đã phát triển thêm nhiều cách để lách lệnh trừng phạt, chẳng hạn như phát triển đội tàu ngầm của riêng mình để vận chuyển dầu. Và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang mua gần 50% khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Nga xuất khẩu.

Jeffrey Schott, một thành viên cấp cao tại Viện Peterson, cho biết các lệnh trừng phạt từng phần và việc thực thi thiếu hiệu quả cũng khiến thòng lọng kinh tế với Nga lỏng lẻo hơn.

Tuy nhiên, ngay cả những quân bài có giá trị nhất từ các lệnh trừng phạt cũng không đủ để thuyết phục ông Putin đồng ý với một giải pháp mà Ukraine và các đồng minh châu Âu cùng chấp nhận được.

Theo New York Times

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật