Trong nhiều thập kỷ, Na Uy là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho Vương quốc Anh, chiếm 1 nửa nhu cầu khí đốt và 1/4 nhu cầu dầu tại quốc gia G7.
Năm ngoái, Na Uy vượt Nga và Mỹ để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU), chiếm 31,3% thị phần.
Tuy nhiên, tình hình này có thể thay đổi sau khi Na Uy cảnh báo rằng các mỏ dầu khí của nước này đang suy giảm.
Mối đe dọa về sản lượng giảm sẽ báo hiệu khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng đối với Vương quốc Anh và châu Âu nói chung. Tệ hơn nữa, sản lượng của Na Uy giảm sẽ củng cố thế kiểm soát của Nga đối với thị trường khí đốt toàn cầu, gây ra cơn ác mộng địa chính trị cho các chính phủ châu Âu, tờ Telegraph (Anh) cho biết.
Theo báo cáo mới từ Cục Dầu khí ngoài khơi Na Uy (NOD), nguồn cung dầu khí của nước này đã đạt đỉnh vào năm ngoái và dự kiến sẽ giảm dần kể từ bây giờ.
Theo báo cáo, Na Uy sản xuất khoảng 230 triệu mét khối dầu và khí đốt tiêu chuẩn vào năm 2024. Đến năm 2030, con số này dự kiến giảm xuống mức thấp nhất là 110 triệu mét khối.
Các chuyên gia cho rằng việc tăng cường đầu tư có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm, dù thực tế là các mỏ dầu và khí đốt tốt nhất của Na Uy đang ngày càng cạn kiệt.
Báo cáo từ Cục Khai thác ngoài khơi Na Uy cho biết: “Chúng tôi dự kiến sản lượng chung sẽ giảm vào cuối những năm 2020”.
Mặc dù đây là mối lo ngại đối với các hộ gia đình Na Uy, nhưng cảnh báo mới nhất từ NOD cũng sẽ khiến Bộ Năng lượng Anh phải rùng mình.
Năm ngoái, Na Uy là nhà cung cấp khí đốt chính của Anh sau khi xuất khẩu 29 tỷ mét khối. Sản lượng khí đốt tại Biển Bắc của Anh giảm xuống còn 26 tỷ mét khối và dự kiến giảm thêm 70% trong thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là Anh sẽ ngày càng phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu đắt đỏ trong những năm tới.
Na Uy từ lâu đã được coi là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu. Tuy nhiên, Anh và phần còn lại của châu Âu hiện đang phải đối mặt với viễn cảnh bị buộc phải phụ thuộc vào các quốc gia như Nga nếu Na Uy bắt đầu giảm nguồn cung.
Andreas Schroeder, người đứng đầu bộ phận phân tích năng lượng tại Cơ quan Tình báo Hàng hóa Độc lập (ICIS), cho biết: “Hoàng hôn ở Na Uy là bình minh ở Nga”.
“Nga khó có thể thống trị thị trường năng lượng châu Âu như trước đây khi nước này chiếm gần 40% thị phần. Nhưng lời kêu gọi mở lại đường ống cho khí đốt giá rẻ của Nga sẽ ngày nhiều theo thời gian khi giá khí đốt tăng và sản lượng của Na Uy giảm dần”, Schroeder nhận định.
Kể từ khi bắt đầu khai thác vào năm 1971, dầu khí đã được khai thác từ tổng cộng 123 mỏ trên thềm lục địa Na Uy. Đến cuối năm 2023, 92 mỏ dầu đang hoạt động, bao gồm 67 mỏ ở Biển Bắc, 23 mỏ ở Biển Na Uy và 2 mỏ ở Biển Barents.
Tổng cộng, các mỏ dầu của Na Uy chứa 251 triệu thùng dầu có thể khai thác, gấp khoảng 10 lần lượng dầu được biết là còn lại ở vùng biển thuộc Anh. Con số này dự sẽ giảm vào năm 2050, mặc dù các chuyên gia dự đoán vẫn còn hơn 100 triệu thùng dầu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết điều đó chỉ xảy ra nếu Na Uy quyết định tăng mạnh đầu tư. Sự lựa chọn đó giờ đây không chỉ nằm ở các công ty dầu mỏ mà còn ở cử tri và các chính trị gia.
Đảng Xanh của Na Uy, đảng đã cam kết “ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch càng sớm càng tốt”, chỉ giành được 3 trong số 169 ghế trong quốc hội Na Uy trong cuộc bầu cử năm 2021. Nhưng sự thất bại của Đảng Xanh không phải vì cử tri phản đối ý kiến của họ.
Thay vào đó, các đảng liên minh chiến thắng trong cuộc bầu cử, bao gồm Đảng Lao động dân chủ xã hội (48 ghế) và Đảng Trung tâm nông nghiệp (28 ghế), đều tham gia vào phong trào phản đối nhiên liệu hóa thạch và cam kết thực hiện chuyển đổi xanh. Các đảng này nhận được sự ủng hộ của Đảng Xã hội cánh tả (13 ghế) – đảng cũng muốn dừng ngay lập tức mọi hoạt động khai thác dầu mỏ.
Điều này có nghĩa là Na Uy hiện đang được dẫn dắt bởi các đảng phái chính trị cam kết ngừng sản xuất dầu khí, mặc dù chưa thống nhất về thời gian để đạt được mục tiêu này.
Cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay. Các chính trị gia Anh và châu Âu sẽ theo dõi chặt chẽ.
Theo Telegraph