Tờ Business Insider (BI) cho hay trong những tháng đầu năm 2025, ngành bán lẻ toàn cầu đang chứng kiến một làn sóng sa thải nhân sự chưa từng có, khi các nhà bán lẻ truyền thống phải đối mặt với áp lực từ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Nghiên cứu của Challenger, Gray & Christmas, Inc. cho thấy từ đầu năm đến nay, ngành bán lẻ toàn cầu đã cắt giảm 64.319 vị trí việc làm, tăng 296% so với cùng kỳ năm trước và chỉ xếp sau công chức về quy mô sa thải nhân sự.
Trong tháng 4/2025, riêng ngành bán lẻ mất 7.235 việc làm, tăng 77% so với tháng 4/2024 và là con số cao nhất trong bất kỳ tháng nào kể từ đầu năm 2025. Xu hướng này cho thấy rằng áp lực lên các nhà bán lẻ không hề suy giảm mà thậm chí còn có thể gia tăng trong những tháng gần đây.

Hãng tin Reuters nhận định nếu mảng công chức bị ảnh hưởng từ việc Bộ hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) sa thải lao động thì nhân sự bán lẻ bị đuổi việc trong bối cảnh chi phí nhân công tăng, bất ổn chính sách thuế quan của Mỹ, cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ sang thương mại điện tử và tự động hóa, AI trong vận hành.
Mặc dù tổng số lượng cắt giảm việc làm của ngành bán lẻ tương đương với ngành công nghệ, mức tăng phần trăm so với năm trước trong ngành bán lẻ (296%) cao hơn đáng kể so với ngành công nghệ , cho thấy một cuộc khủng hoảng có thể cấp bách hơn và diễn ra nhanh chóng hơn trong lĩnh vực bán lẻ.
Điểm nóng
Nghiên cứu của Challenger, Gray & Christmas, Inc. cho thấy Mỹ là điểm nóng nhất với phần lớn các vụ sa thải lao động. Hàng loạt chuỗi bán lẻ lớn như Macy’s đã xác nhận đóng 66 cửa hàng không đủ điều kiện hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn nhân viên.
Một số nhà bán lẻ lớn đã công bố sa thải trong năm 2025 bao gồm The Container Store, nhà điều hành J.C. Penney là Catalyst Brands, Saks Global, Starbucks, Kohl’s, Forever 21, Joann Fabrics, Party City và Big Lots.
Trong khi Forever 21 đã công bố sa thải và đóng cửa trụ sở chính thì Kohl’s đã cắt giảm 10% lực lượng lao động tại trụ sở công ty và lên kế hoạch đóng cửa cửa hàng.
Hãng Saks Global đã đóng cửa một trung tâm hoàn thiện đơn hàng và cắt giảm việc làm còn chuỗi The Container Store đã sa thải 2% lực lượng lao động của mình.
Thương hiệu Estée Lauder cảnh báo về việc cắt giảm tới 7.000 việc làm trên toàn cầu trong khi Adidas cân nhắc việc sa thải nhân sự để đại tu mô hình hoạt động.
Tồi tệ hơn, làn sóng sa thải hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến lao động bán lẻ tại các chi nhánh mà còn lan đến tầng quản lý ở trụ sở khi ngay cả ông lớn ngành TMĐT như Amazon cũng thực hiện cắt giảm khoảng 14.000 vị trí quản lý trong mảng cửa hàng và logistics, tiếp nối xu hướng “tối ưu hóa” sau giai đoạn mở rộng mạnh mẽ thời kỳ đại dịch.
Tương tự, chuỗi bán lẻ lớn nhất Mỹ là Walmart đã loại bỏ hàng trăm vị trí và chuyển nhân viên đến trụ sở chính.
Tại Anh, thương hiệu thời trang trẻ Monki (thuộc H&M Group) đã công bố đóng toàn bộ 15 cửa hàng để dồn lực cho thương mại điện tử, dẫn đến việc sa thải hàng trăm nhân viên.

Ngoài ra, nhiều cửa hàng khác ở Anh như A.G. Meek, Aldi, Beaverbrooks, FarmFoods, MBAS Clothing, Refill và Sports Direct đã đóng cửa các chi nhánh vào tháng 4/2025 do chi phí ngày càng tăng và lưu lượng khách hàng giảm.
Tương tự, chuỗi Vero Moda tại Ireland cũng đóng cửa đột ngột một số điểm bán, khiến cả trăm lao động mất việc.
Số liệu của Trung tâm nghiên cứu ngành bán lẻ Anh (CRR) cho biết đã có 170.000 lao động trong ngành bị sa thải năm 2024 và dự đoán sẽ có hơn 200.000 việc làm nữa bị mất vào năm 2025.
“Tình hình sẽ còn tệ hơn trong năm 2025”, Giáo sư Joshua Bamfield, giám đốc của CRR cảnh báo.
Trong khi đó, một số công ty châu Âu trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng đã công bố cắt giảm việc làm vào đầu năm 2025 do suy thoái kinh tế và nhu cầu yếu.
Tại các nước sản xuất như Bangladesh, lệnh hủy hoặc giảm đơn hàng từ các nhà bán lẻ phương Tây đã khiến nhiều nhà máy may phải cắt giảm công nhân hàng loạt. Làn sóng giảm đơn hàng xuất khẩu sau khi áp thuế quan khiến lực lượng lao động phổ thông tại các vùng chuyên sản xuất hàng thời trang và gia công chịu thiệt hại nặng nề
Tỷ lệ thất nghiệp của Canada đã tăng lên 6,9% vào tháng 4/2025, với lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và thương mại chứng kiến số lượng việc làm bị cắt giảm đáng kể.
Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) cho thấy ngành bán lẻ Australia thì chứng kiến sự số doanh nghiệp bán lẻ phá sản tăng 14,2% trong 6 tháng cuối năm 2024, dẫn đến việc đóng cửa và mất việc làm cho lao động trong ngành.
Khủng hoảng vì TMĐT và AI
Tờ Forbes cho hay sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) đã thay đổi căn bản thói quen mua sắm, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng ưu tiên đặt hàng online thay vì đến cửa hàng truyền thống. Nhiều chuỗi cửa hàng buộc phải thu hẹp hoặc đóng cửa để tối ưu chi phí hoạt động.
Song song với đó, công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) và robot đang được ứng dụng trong quản lý kho, đóng gói, giao nhận và thậm chí là quầy thanh toán không nhân viên, giúp doanh nghiệp giảm đáng kể nhu cầu lao động phổ thông.

Một phân tích của McKinsey cho thấy công nghệ có thể đảm nhận khoảng một phần ba số lượng công việc bán lẻ vào năm 2030.
Sự kết hợp của việc chuyển đổi kênh bán hàng sang trực tuyến và tự động hóa quy trình đang tạo ra một sự thay đổi cơ bản trong nhu cầu lao động của ngành.
Theo một khảo sát của World Economic Forum, có tới 41% công ty toàn cầu dự kiến giảm nhân sự trong năm năm tới do ảnh hưởng của AI.
Đồng quan điểm, tờ The Sun nhận định tại nhiều thị trường phát triển như Mỹ, Anh và EU, chính sách tăng lương tối thiểu và đóng góp bảo hiểm xã hội đã khiến chi phí nhân công tăng mạnh, làm giảm biên lợi nhuận của nhà bán lẻ, thúc đẩy doanh nghiệp tự động hóa bán lẻ.
Đồng thời, các biện pháp thuế quan do chính quyền Mỹ áp dụng lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã đẩy chi phí logistics và giá vốn lên cao.
Mức thuế 145% trên một số mặt hàng nhập khẩu đã buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc chi phí, trong đó có việc cắt giảm nhân sự để duy trì lợi nhuận.
Ở một khía cạnh khác, sau đại dịch COVID-19, nhiều chuỗi bán lẻ rơi vào tình trạng tồn kho ứ đọng do dự báo sai nhu cầu. Để xử lý lượng hàng tồn, các doanh nghiệp phải giảm giá sâu, dẫn đến mất biên lợi nhuận và buộc phải cắt giảm chi phí, bao gồm nhân sự.
Dù có nhiều kỳ vọng vào làn sóng tuyển dụng phục hồi, báo cáo của Challenger, Gray & Christmas cho thấy nhiều công ty vẫn thận trọng và trì hoãn tuyển mới, ưu tiên tối ưu hóa chi phí hoạt động trước khi cân nhắc thuê thêm lao động.
Tờ BI nhận định những nhân viên cửa hàng, đặc biệt lao động thời vụ, bán thời gian, sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi các điểm bán bị thu hẹp hoặc đóng cửa. Nhiều người không có hợp đồng dài hạn hay bảo hiểm, đối mặt với nguy cơ thất nghiệp kéo dài.
Tương tự, những nhân viên kho vận, logistics cũng gặp khó khi robot và hệ thống tự động hóa dần thay thế lao động tay chân. Các kho hàng thông minh hoạt động 24/7 với ít nhân công hơn, khiến nhóm công việc phổ thông bị thu hẹp đáng kể.
Ngoài ra, do chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên mong manh hơn khi đơn hàng giảm khiến sản xuất tại các nhà máy ở châu Á suy giảm, dẫn đến vòng lặp luẩn quẩn là giảm sản xuất, sa thải lao động, suy giảm thu nhập dẫn đến chi tiêu cho ngành bán lẻ đi xuống.
Rõ ràng, làn sóng sa thải hàng chục nghìn việc làm không chỉ là con số thống kê, mà còn là tiếng chuông báo động về sự thay đổi căn bản trong mô hình kinh doanh.
*Nguồn: BI, Reuters