.t1 { text-align: justify; }
Kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến ở Syria, Iran đã đầu tư từ 30 đến 35 tỷ USD để xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng quân sự – hậu cần, cũng như thúc đẩy hệ tư tưởng của người Shiite.
Những khoản đầu tư này tập trung vào việc xây dựng các căn cứ quân sự, củng cố địa điểm tôn giáo và phát triển nhiều tuyến đường giao thông, số tiền đã bỏ ra hiện đang bị đe dọa do những thay đổi chính trị ở Syria và sự sụp đổ của chính quyền tổng thống Bashar al-Assad.
Iran đã tích cực phát triển các lợi ích chiến lược của mình ở Syria kể từ năm 2011, sử dụng nguồn lực đáng kể để xây dựng nhiều cơ sở quân sự. Ví dụ, căn cứ Deir ez-Zor, được xây dựng vào năm 2013 với chi phí 250 triệu USD, đóng vai trò là kho lưu trữ tên lửa và là nơi đóng quân của 1.500 binh sĩ Iran.
Năm 2015, một trung tâm hậu cần trị giá 180 triệu USD đã được thành lập tại thành phố cảng Latakia, bao gồm nhà kho và đường hầm ngầm để cất giữ vũ khí. Căn cứ không quân T-4, được phát triển vào năm 2017, trở thành nơi đặt các hệ thống phòng không và máy bay không người lái, khiến Tehran tiêu tốn 400 triệu USD.
Tuy nhiên kể từ khi chính quyền tổng thống al-Assad ở Syria sụp đổ, phần lớn cơ sở hạ tầng này đã bị bỏ hoang hoặc nằm dưới sự kiểm soát của các chính quyền mới có quan điểm mang tính chất Sunni – thù địch với Iran. Tổn thất này khiến Iran rơi vào tình thế rất khó khăn, đặc biệt là khi nước này không thể đáp ứng nhiều nhu cầu trong nước.
Ngoài các cơ sở quân sự, Iran còn đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào việc khôi phục những đền thờ của người Shiite như đền Seyda Zainab và Seyda Ruqiyah, cũng như phát triển du lịch tôn giáo.
Khách sạn Zainab Palace ở Damascus, khai trương vào năm 2016, đã trở thành biểu tượng cho những nỗ lực này, khiến Cộng hòa Hồi giáo tiêu tốn 35 triệu USD. Tại Aleppo, Quỹ Nhà ở Cách mạng Hồi giáo đã đầu tư tới 1,5 tỷ USD để xây dựng lại các khu dân cư, bên cạnh đó cảng Tartus đã được nâng cấp với chi phí 1,2 tỷ USD.
Iran còn đầu tư 500 triệu USD vào việc tái thiết những tuyến đường chiến lược như đường cao tốc Homs – Damascus. Ngoài ra hành lang khí đốt Iran – Iraq – Syria, triển khai vào năm 2013 với chi phí ước tính khoảng 8 tỷ USD, được cho là sẽ đưa nguồn năng lượng của Iran đến Địa Trung Hải. Tuy nhiên dự án đã bị ngừng vào năm 2022.
Sự sụp đổ của chính quyền Syria vào tháng 12 năm 2024 đã giáng một đòn nặng nề vào những sáng kiến này. Mất quyền kiểm soát cảng Latakia – nơi được sử dụng để lách các lệnh trừng phạt quốc tế, sẽ tạo thêm khó khăn cho nền kinh tế Iran.
Nếu việc quản lý cảng được các công ty Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Saudi Arabia tiếp quản, Tehran sẽ phải đối mặt với những hạn chế thương mại lớn hơn, gia tăng sự phụ thuộc vào các đối tác như Trung Quốc.