Sau khi tổng sản phẩm quốc nội bất ngờ đình trệ trong quý 3, cơ quan thống kê quốc gia Italy ISTAT tháng này cho biết, họ dự kiến sẽ không có sự phục hồi nào trong ngắn hạn và dự báo mức tăng trưởng năm 2024 chỉ là 0,5%, bằng một nửa mục tiêu chính thức của chính phủ là 1%.
Ước tính của ISTAT sẽ đưa Italy trở lại vị trí thường thấy trong số những quốc gia có thành tích yếu nhất của khu vực đồng euro và trái ngược với bức tranh lạc quan mà Thủ tướng Giorgia Meloni cũng như một số nhà kinh tế đưa ra chỉ vài tháng trước.
Dữ liệu gần đây rất ảm đạm. Niềm tin kinh doanh ở mức thấp nhất kể từ năm 2021, cuộc khủng hoảng sản xuất kéo dài đang ngày càng trầm trọng hơn và lĩnh vực dịch vụ vốn đã hỗ trợ nền kinh tế trong phần lớn thời gian của năm nay hiện cũng đang suy giảm.
“Mô hình kinh doanh bao gồm các công ty nhỏ của Italy không còn có lợi cho tăng trưởng nữa, nước này không có đủ đầu tư công và đang chống lại quá trình chuyển đổi xanh thay vì nắm bắt nó như một cơ hội tăng trưởng” – ông Francesco Saraceno, Giáo sư kinh tế tại Science Po tại Paris và trường đại học LUISS tại Rome cho biết.
Theo các nhà phân tích, tình hình thậm chí còn đáng lo ngại hơn khi xét đến việc Italy đang liên tục nhận được dòng tiền hàng chục tỷ euro từ Brussels như một phần của Quỹ phục hồi hậu Covid-19 của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Tây Ban Nha – quốc gia khác cũng nhận được hỗ trợ từ quỹ này – đang tăng trưởng nhanh gấp ít nhất 4 lần.
Giáo sư Saraceno cho biết, Italy là nền kinh tế chậm chạp nhất trong khu vực đồng euro kể từ khi đồng tiền chung ra đời cách đây 25 năm và sự suy thoái mới nhất của nước này có thể làm chệch hướng tài chính công vốn đã bị ảnh hưởng bởi siêu tiền thưởng. Nợ công được chính phủ dự báo sẽ tăng lên khoảng 138% GDP vào năm 2026 từ mức 135% của năm ngoái. Nếu tăng trưởng vào năm 2025 thấp hơn so với mục tiêu 1,2% của Rome thì tỷ lệ nợ này có thể sẽ tăng nhanh hơn.