spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhJeff Bezos tỉnh giấc mộng 10 năm: Tuyển 10.000 người nhưng cuối...

Jeff Bezos tỉnh giấc mộng 10 năm: Tuyển 10.000 người nhưng cuối cùng chỉ tạo ra 1 công cụ hẹn giờ thông minh, nuôi ‘hố đen’ nuốt 10 tỷ của Amazon

Tầm nhìn vĩ đại của nhà sáng lập Amazon về một nền tảng điện toán mới không còn.

Đã hơn một thập kỷ kể từ khi Jeff Bezos hào hứng phác thảo tầm nhìn của mình cho Alexa trên tấm bảng trắng tại trụ sở chính Amazon. Trợ lý giọng nói này được kỳ vọng sẽ có thể hỗ trợ thực hiện tất cả các nhiệm vụ, từ mua sắm trực tuyến, điều khiển thiết bị, hay thậm chí là đọc truyện cho con trước khi ngủ.

“Giấc mơ từ thuở đầu của khoa học viễn tưởng là có được một máy tính có thể trò chuyện tự nhiên và thực hiện các nhiệm vụ mà ta yêu cầu. Và điều đó đang trở thành hiện thực”, Jeff Bezos nói.

Tuy nhiên, tầm nhìn vĩ đại của nhà sáng lập Amazon về một nền tảng điện toán mới không còn. Việc AI được kỳ vọng trở thành “điều lớn lao tiếp theo” thời gian gần đây khiến các sản phẩm vốn được Amazon, Google, Apple hay Microsoft hết mức gợi ca đi vào…dĩ vãng.

Quay lại khoảng thời gian trước đây, khi Alexa nhanh chóng làm hài lòng những khách hàng đầu tiên ngay sau khi ra mắt thông qua các chức năng phát nhạc, xem thời tiết và hẹn giờ. Tất cả chỉ cần sử dụng giọng nói.

Được tích hợp trong loa Echo, Alexa tiếp cận 5 triệu ngôi nhà chỉ sau 2 năm. Đến nay, Alexa đã có mặt trong hơn 40 triệu loa Echo tại Mỹ, xử lý hàng tỷ lệnh mỗi tuần trên toàn cầu.

Đa dạng và phổ biến là vậy, song Amazon vẫn chưa thể biến Alexa thành “trợ lý siêu việt luôn bên bạn” như đã hứa. Nó vẫn chủ yếu thực hiện các tác vụ đơn giản như chơi nhạc, báo thời tiết và đặt hẹn giờ.

“Chúng tôi lo lắng vì đã tuyển 10.000 người và cuối cùng lại tạo ra một công cụ hẹn giờ thông minh”, một cựu nhân viên Amazon chia sẻ với The Verge.

Theo The Verge, Alexa về cơ bản vẫn là một thiết bị điều khiển từ xa bằng giọng nói. Khả năng hoạt động như một chiếc máy tính thông minh trong nhà và quản lý mọi thứ, vẫn là giấc mơ xa vời.

Alexa ra đời vào năm 2014, trong bối cảnh các trợ lý ảo còn bị giới hạn. Thay vì bị mắc kẹt trong chiếc điện thoại như Siri của Apple hay nằm trong máy tính như Cortana của Microsoft, Alexa bước vào Echo, chiếc loa kích hoạt bằng giọng nói đầu tiên trên thế giới. Người dùng có thể hét lên từ mọi góc trong phòng và vòng sáng màu xanh của Alexa sẽ bật lên, sẵn sàng nhận lệnh.

Khả năng của Alexa sau đó được mở rộng, từ kể chuyện cười, hẹn giờ nấu ăn đến điều khiển nhà thông minh. Cảm giác yêu cầu Alexa tắt đèn hay tăng nhiệt độ điều hòa mà không cần rời khỏi giường khiến nhiều người dùng không khỏi thích thú.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này lại khiến hệ sinh thái xung quanh Alexa trở nên quá tải. Hàng nghìn tính năng được tạo ra bởi các nhà phát triển bên thứ 3 mà Amazon không thể kiểm soát hết. Nhiều tính năng còn bị phàn nàn là kém chất lượng.

Thay vì phát triển cốt lõi công nghệ, Amazon lại tập trung vào việc đưa Alexa vào nhiều thiết bị hơn. Điều này khiến người dùng phải tự học cách nói với Alexa thay vì để Alexa tự hiểu cách giao tiếp với người dùng. Một số thiết bị như Echo Loop, Echo Buds hay Echo Auto thì dần đi vào quên lãng vì chúng không đem lại nhiều lợi ích.

Bốn năm sau khi ra mắt, Alexa không ít lần gây tranh cãi về việc gửi ghi âm giọng nói cho nhầm người hay nhân viên Amazon nghe lén các cuộc trò chuyện riêng tư. Những vết nứt đầu tiên trong mô hình kinh doanh sản phẩm bắt đầu lộ diện.

Đến năm 2018, Alexa trở thành một “hố đen” nuốt chửng tiền của Amazon. Tờ New York Times cho biết công ty đã lỗ khoảng 5 tỷ USD và thậm chí sắp cán mốc 10 tỷ USD mảng thiết bị sau khi phát triển Alexa và các thiết bị khác.

Cuối năm 2019, Amazon đóng băng việc tuyển dụng đối với bộ phận Alexa. Tinh thần làm việc của nhân viên trong nhóm cũng bắt đầu sa sút khi dự án từng rất tiềm năng đang mất dần động lực.

Adam Cheyer, đồng tác giả của Siri, trợ lý giọng nói được Apple mua lại vào năm 2010, cho biết khả năng của ChatGPT khiến các trợ lý giọng nói hiện nay trông tương đối “ngu ngốc”. “Những thứ trước đây quá khó xử lý. Không ai biết mình có thể làm gì hoặc không thể làm gì. Nỗ lực giúp Alexa chỉ càng khiến người dùng thêm thất vọng”.

Dẫu vậy, xét trên nhiều phương diện, có thể coi Alexa là một thành công phi thường của Amazon. Theo Insider Intelligence, đây hiện là công cụ dẫn đầu ở Mỹ với khoảng 66% thị phần hỗ trợ giọng nói.

“Thực tế là Alexa tiếp tục phát triển. Mức độ tương tác đã tăng hơn 30% trên toàn cầu vào năm 2022. Hơn 50% khách hàng của Alexa hiện đang sử dụng nó để mua sắm,” Amazon cho biết.

Theo Amazon, các nhà sản xuất bên thứ ba đã tạo ra hơn 140.000 sản phẩm tương thích với Alexa. Hệ điều hành của nó cũng kiểm soát hơn 300 triệu thiết bị thông minh, chẳng hạn như bóng đèn hoặc máy ảnh. Nhóm nghiên cứu IDC ước tính hơn một nửa số người dùng Alexa tương tác với thiết bị ít nhất 1 lần/ngày, tỷ lệ thành công cao hơn cả Apple Siri và Google Assistant.

“Mục tiêu của chúng tôi không phải giúp Alexa có lãi. Chúng tôi chỉ muốn bán thiết bị và đúng là đã bán được rất nhiều”, cựu Giám đốc tiếp thị của Amazon cho biết.

Theo: The Verge, WSJ

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật