Đồng USD lâu nay được xem là biểu tượng của an toàn, nhưng nay lại trở thành tâm điểm lo ngại. Kể từ đỉnh giữa tháng 1, USD đã giảm hơn 9% so với rổ tiền tệ chính. Trong đó, gần 40% mức giảm diễn ra từ ngày 1/4, dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 0,2 điểm phần trăm.
Việc lợi suất tăng và USD giảm là dấu hiệu đáng báo động. Thị trường đồn đoán rằng các tổ chức quản lý tài sản nước ngoài đang âm thầm bán tháo đồng bạc xanh vì quan ngại rằng rủi ro tại Mỹ đang gia tăng.

USD Index từ đầu năm đến nay.
USD là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu, từ giao dịch thương mại, định giá hàng hóa, đến lưu trữ tài sản an toàn. Sự tín nhiệm dành cho USD được xây dựng trên nền tảng vững chắc của thể chế Mỹ, vai trò của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và thị trường trái phiếu chính phủ trị giá 27.000 tỷ USD. Nhưng chỉ trong vài tuần, sự ổn định đó đang bị lung lay bởi chính sách khó đoán từ Nhà Trắng.
Cuộc chiến thương mại dưới thời ông Trump đã khuấy đảo niềm tin vào môi trường kinh tế Mỹ. Chuỗi cung ứng đứt gãy, lạm phát tăng cao và tiêu dùng suy yếu đang kéo nền kinh tế vào nguy cơ suy thoái. Trong khi đó, tình hình tài khóa cũng ngày một đáng ngại. Nợ ròng đã gần bằng 100% GDP và thâm hụt ngân sách năm qua ở mức 7% – mức cao bất thường với một nền kinh tế lớn.
Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng cắt giảm thuế bằng cách vay thêm. Kế hoạch ngân sách mới thông qua ngày 10/4 có thể làm tăng thêm 5.800 tỷ USD thâm hụt trong 10 năm tới, tương đương gấp đôi mức cộng gộp của ba gói chi tiêu lớn trước đây.
Nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ năng lực điều hành của ông Trump, từ cách ông liên tục thay đổi chính sách thuế quan đến việc gây sức ép lên các tổ chức độc lập. Một số cố vấn của ông còn xem vai trò đồng tiền dự trữ như gánh nặng, chứ không phải lợi thế chiến lược. Đồng thời, ông Trump cũng đang thúc ép Fed cắt giảm lãi suất và có thể thay thế Chủ tịch Powell khi nhiệm kỳ kết thúc năm 2026.
Tâm lý thị trường trở nên bất ổn khi xuất hiện lo ngại rằng quyền lợi của chủ nợ nước ngoài có thể không được đảm bảo. Các quyết sách cứng rắn về nhập cư hay can thiệp vào lĩnh vực pháp lý càng làm dấy lên nghi ngờ.
Với 8.500 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ đang nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài – phần lớn là nhà đầu tư tư nhân – không thể xem nhẹ nguy cơ xảy ra làn sóng rút vốn. Mỹ sẽ phải tái cấp vốn cho 9.000 tỷ USD nợ trong một năm tới. Nếu nhu cầu với trái phiếu giảm, ngân sách sẽ chịu áp lực lớn.
Trong các cuộc khủng hoảng trước, Quốc hội từng mạnh tay chi tiêu để giải cứu thị trường. Nhưng lần này, họ có thể buộc phải làm điều ngược lại: cắt giảm phúc lợi và tăng thuế thật nhanh. Nếu hành động quá chậm, cú sốc từ trái phiếu có thể lan sang toàn bộ hệ thống tài chính, gây ra vỡ nợ và sụp đổ quỹ đầu cơ.
Fed sẽ đứng giữa lựa chọn khó khăn: hỗ trợ ngân sách hay duy trì vai trò ổn định thị trường toàn cầu. Nếu từ chối giải cứu chính quyền Trump, liệu Fed có được phép tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng trung ương nước ngoài bằng USD như trước?

Một đồng tiền chỉ có giá trị khi duy trì được niềm tin vào chính phủ hậu thuẫn. Khi niềm tin đó lung lay, vai trò thống trị của USD cũng bị đe dọa. Dù đồng tiền yếu có thể có lợi cho các nhà xuất khẩu, nhưng vai trò thống trị của USD đang giúp giảm chi phí vay từ người mua nhà cho tới tập đoàn lớn.
Cả thế giới cũng sẽ tổn thương nếu USD suy yếu, bởi chưa có đồng tiền nào có thể thay thế. Euro có một nền kinh tế lớn hậu thuẫn, nhưng khu vực đồng tiền chung lại không cung ứng đủ tài sản an toàn. Thụy Sĩ an toàn nhưng quá nhỏ. Nhật Bản lớn, nhưng lại gánh khối nợ công khổng lồ. Vàng và tiền số thì thiếu sự hậu thuẫn của nhà nước.
Hệ thống xoay quanh USD tuy không hoàn hảo, nhưng đó vẫn là nền tảng của kinh tế toàn cầu. Khi niềm tin vào tín nhiệm Mỹ giảm sút, nền móng ấy sẽ bắt đầu lung lay.
Theo The Economist