Sở hữu lò phản ứng VVER-1200, Nga tự tin là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân trên thế giới. Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) đã đưa ra đề nghị xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân VVER-1200 tại Việt Nam như một phần của thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân giữa hai quốc gia.
Tính đến nay, lò phản ứng tân tiến này mới hoạt động ở 4 quốc gia bao gồm Nga, Trung Quốc, Bangladesh và Belarus. Tuy nhiên, đây chưa phải mục tiêu cuối cùng mà “cường quốc hàng đầu về năng lượng” hướng tới.
Tháng 9/2024, Hệ thống năng lượng thống nhất của Nga (UES) đã công bố “Đề án chung bố trí các công trình điện đến năm 2042”. Bản dự thảo có thông tin về các lò phản ứng hạt nhân quy mô lớn và nhỏ. Các đơn vị này có thể thay thế một số lò phản ứng hiện có; một số khác sẽ được đặt tại các địa điểm mới. Một số lò phản ứng được đưa vào bản dự thảo kế hoạch hiện đang được xây dựng.
Kế hoạch này đặt mục tiêu tăng gần 5% thị phần điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện của Nga, từ mức 18,9% của năm 2024 lên 23,5% vào năm 2042.
Mở rộng quy mô trong nước
Theo dữ liệu từ hệ thống thông tin lò phản ứng điện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Nga đang xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào. Tại diễn đàn “Tuần lễ Năng lượng Nga” năm 2023, ông Putin đã phát biểu: “Ngành công nghiệp hạt nhân của Nga không có đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài”.
Strana Rosatom, một kênh phân phối tin tức của Nga, cho biết các lò phản ứng mới có thể được xây dựng tại 11 địa điểm. Kế hoạch bao gồm các trạm thay thế tại nhà máy điện hạt nhân Kursk, Kola và Smolensk. Họ còn đề cập tới “một tổ hợp năng lượng thế hệ thứ tư với lò phản ứng BREST-OD-300. Lò phản ứng này dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2028.
Đề án cũng vẽ ra kế hoạch xây dựng hai lò phản ứng VVER-optimum với tổng công suất 2,4 GW tại một nhà máy điện ở Novocherkassk cùng với nhiều nhà máy điện với lò phản ứng RBN. Hai đơn vị với tổng công suất 2,5 GW sẽ được xây dựng tại cơ sở Yuzhnouralsk ở vùng Chelyabinsk. Bốn đơn vị với tổng công suất chỉ hơn 5 GW được lên kế hoạch vận hành tại nhà máy Krasnoyarsk, ở vùng Krasnoyarsk Krai.
Một lò phản ứng RBN tối ưu dự kiến sẽ được xây dựng tại nhà máy điện hạt nhân Reftinskaya ở vùng Sverdlovsk. Trước đó, vào năm 2023, Rosatom đã công bố kế hoạch xây dựng 29 lò phản ứng hạt nhân mới vào năm 2045 tại Nga.
Tăng thị phần điện hạt nhân
Theo World Nuclear Association, năm 2024, Nga có 36 lò phản ứng đang hoạt động.
Alexei Likhachev, Tổng giám đốc Rosatom, nhấn mạnh đây là một phần trong việc thực hiện lệnh của Tổng thống Liên bang Nga nhằm đạt được tỷ trọng năng lượng hạt nhân 25% vào năm 2045 trong cơ cấu năng lượng của đất nước. Đây là chương trình quy mô lớn về xây dựng các tổ máy điện hạt nhân đã được triển khai từ năm 2007. Kế hoạch mới này đề ra mục tiêu xây dựng 28 GW điện hạt nhân mới vào năm 2042. Mục đích của việc làm này là cung cấp năng lượng sạch trong nhiều thập kỷ tới và tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế ổn định.
Năng lượng nguyên tử là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược đổi mới hệ thống năng lượng của Nga. Các nhà máy mới cũng sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng mức sống tại khu vực, thu hút đầu tư và thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, tăng năng lực cạnh tranh của Nga trên thị trường năng lượng thế giới.
Đưa các lò phản ứng hạt nhân ra thế giới
Trong một buổi gặp mặt, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Hợp tác quốc tế trong Phát triển bền vững, Boris Titov cho biết, Nga đang dần trở thành nước dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nhu cầu năng lượng hạt nhân của thế giới được thúc đẩy bởi nhu cầu của các nước đang phát triển và sự phát triển của Trí tuệ Nhân tạo (AI). Theo ông Titov, hiện có hơn 10 tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Điều này đưa Nga trở thành một bên chủ chốt trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, có khả năng biến đổi bối cảnh năng lượng toàn cầu.
Các dự án đang được tiến hành tại các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng như Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, phản ánh cam kết của Moscow trong việc củng cố mối quan hệ với các bên chủ chốt trên toàn cầu.
Ông Boris Titov đã nhấn mạnh tham vọng của Nga trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times. “Chúng tôi đang xây dựng hơn 10 tổ máy khác nhau trên khắp thế giới. Chúng ta cần rất nhiều năng lượng. Chúng ta sẽ không thể cung cấp năng lượng này nếu không sử dụng… hạt nhân. Chúng tôi biết rằng nó an toàn… nó không phát thải khí nhà kính, vì vậy nó rất sạch”, ông tuyên bố.
Theo Power, World Nuclear Association, Oil Price, Enerdata