Tại một hội thảo chuyên đề về tài chính xanh tổ chức ở TP.HCM hơn một năm trước, một chuyên gia từng sốt ruột: Nếu Việt Nam chuyển động chậm thì 3-5 năm tới trái phiếu xanh cũng chỉ “nói cho vui”. Nhưng, thực tiễn thành công đã dần đến để thực sự mở ra một cánh cửa mới.
Sức hút mạnh mẽ với giới đầu tư
Ngày 25/10/2023, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo đã trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh tại thị trường trong nước.
“Đây là lần đầu tiên thị trường vốn Việt Nam chứng kiến một đợt phát hành trái phiếu trong nước có khung trái phiếu xanh được xếp hạng bởi Moody’s – tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu”, thông cáo của BIDV nhấn mạnh.
Lần đầu tiên, bởi trái phiếu xanh còn mới mẻ tại Việt Nam. Bản thân ý kiến chuyên gia tại hội thảo nói trên cũng gián tiếp đề cập đến các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế mà các nhà phát hành phải vượt qua để gọi vốn bằng công cụ này.
Vượt qua và thành công. Một năm sau, tháng 9/2024, BIDV tiếp tục phát hành đợt 2 với 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh; nhà đầu tư đặt mua 100% giá trị chào bán.
Ngay sau đó, tháng 11/2024, đến lượt Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh; tỷ lệ phát hành cũng đạt 100% khối lượng chào bán.
Cùng thời điểm với Vietcombank, HDBank triển khai kế hoạch nhập cuộc. Và cuối năm 2024, HDBank trở thành một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam tiên phong và phát hành thành công trái phiếu xanh.
Trái phiếu xanh do HDBank phát hành cũng đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp lớn trên thị trường, với khối lượng đặt mua thành công đạt 100% chỉ trong thời gian ngắn.
Những kết quả trên ở những bước đi đầu tiên, đặc biệt với tỷ lệ chào bán thành công 100%, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường và cũng cho thấy sức hút ấn tượng của các sản phẩm tài chính xanh từ những NHTM hàng đầu Việt Nam.
Bước kiến tạo sau cả một thập kỷ
Để phát hành thành công, các ngân hàng đã phải có bước chuẩn bị toàn diện và phối hợp chặt chẽ với các định chế tài chính hàng đầu trên thế giới.
Như với HDBank, trái phiếu xanh được phát hành trên nguyên tắc tuân thủ tự nguyện các nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và Hiệp hội Thị trường tín dụng (LMA). Nguồn vốn huy động được cho vay các dự án đáp ứng được các tiêu chuẩn trong “Khung tài chính bền vững” của HDBank, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Như vậy, trước đó HDBank đã phải có một quá trình xây dựng được “Khung tài chính bền vững” phù hợp với các tiêu chuẩn của ICMA và LMA. Khung tài chính này được HDBank phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – một thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhận được đánh giá “rất tốt” từ tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s.
Tương tự, như ở bước đi đầu tiên của BIDV, khung trái phiếu xanh cũng phải được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới “đóng dấu chứng nhận”; hay với Vietcombank là tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global đánh giá.
Ngoài ra, phân tích tại một hội thảo về chủ đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, từng nhấn mạnh rằng, để trái phiếu xanh có thể phổ biến tại Việt Nam, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề gồm sử dụng vốn thế nào, cho công trình dự án gì; dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng thật minh bạch.
Như vậy, dù còn khá mới mẻ song các ngân hàng lớn của Việt Nam đã tiên phong và thành công. Đó là những bước đi đầu tiên sau cả một thập kỷ, kể từ khi “trái phiếu xanh” được Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế đưa ra định nghĩa vào năm 2015, cũng là giai đoạn các ngân hàng Việt Nam bắt đầu xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho định hướng phát triển tín dụng xanh.
Theo Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh, thành công với trái phiếu xanh, một cánh cửa lớn được mở ra để Việt Nam hòa cùng xu thế tại các thị trường phát triển, để cùng kiến tạo nguồn vốn cho kỷ nguyên xanh và phát triển bền vững.