Vào thứ sáu tuần qua, Tổng thống Trump đã nhắm vào Apple với những yêu cầu mới: Buộc công ty phải sản xuất iPhone tại Mỹ, nếu không sẽ đối mặt với mức thuế quan 25%. “Thức dậy và hành động đi Tim Cook”, Laura Loomer – người phát ngôn Nhà Trắng đăng trên nền tảng X, nhắc nhở CEO của Apple rằng ông đang là tâm điểm trong cuộc chiến thương mại của tổng thống.
Đó chỉ là một trong số nhiều mối đe dọa mà Cook đang phải đối mặt trong một năm có thể xem là “tồi tệ chưa từng thấy” đối với Apple. Ngoài ông Trump, Cook còn đang phải đương đầu với hai thẩm phán liên bang Mỹ, các cơ quan quản lý ở châu Âu và toàn cầu, các nhà lập pháp cấp bang và liên bang, thậm chí cả một trong những người sáng tạo ra iPhone – chưa kể đến hàng loạt đối thủ đang vượt mặt Apple trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo.
Tất cả những điều này đều là mối đe dọa đến biên lợi nhuận khổng lồ – từ lâu đã là đặc điểm nhận diện và lý do khiến nhà đầu tư từng đưa định giá của Apple vượt mốc 3.000 tỷ USD, trước bất kỳ công ty nào khác. Thế nhưng, cổ đông vẫn là nhóm mà Cook cần quan tâm nhất. Việc cổ phiếu Apple giảm 25% so với đỉnh cho thấy họ đang lo ngại liệu ông – hay bất kỳ ai – có thể lèo lái công ty qua làn sóng bất ổn của năm 2025 hay không.
Điều có thể nói về Apple là công ty này rất kiên nhẫn – và trong quá khứ, sự kiên nhẫn đó thường mang lại thành công.
Tuần qua, một trong những “kiến trúc sư” chính đứng sau iPhone – Jony Ive – đã chính thức hợp tác với OpenAI để phát triển một thiết bị thế hệ mới nhằm giúp người dùng “cai” màn hình. Sau khi công bố thỏa thuận bán startup của mình – io – cho OpenAI với giá 6,5 tỷ USD, tờ Wall Street Journal cho biết mục tiêu chính của thương vụ này là tạo ra một thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo có khả năng thay đổi hoàn toàn mô hình điện toán hiện tại, nơi con người dành phần lớn thời gian dán mắt vào những chiếc màn hình đen.
Sau đó, OpenAI đã thông báo với nhân viên rằng họ đang hướng tới mục tiêu sản xuất 100 triệu thiết bị AI “đồng hành” với người dùng.
Khó có thể đo lường được tiềm năng thực sự của một thiết bị điện toán hoàn toàn mới – đặc biệt là từ một công ty chưa từng sản xuất phần cứng. Tuy nhiên, việc sản phẩm này đến từ người từng đứng sau thiết kế iPhone cùng hàng loạt sản phẩm đình đám khác của Apple khiến đây là điều không thể bị xem nhẹ.
Apple dường như cũng đã cảm nhận được mối đe dọa này: “Rất có thể bạn sẽ không còn cần đến iPhone trong 10 năm nữa – nghe thì điên rồ, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra”, Eddy Cue – một giám đốc cấp cao của Apple – đã nói trong phiên tòa gần đây.
Dự kiến, Apple sẽ không công bố bất kỳ đột phá nào về AI tại hội nghị các nhà phát triển diễn ra trong vài tuần tới. Và trong buổi công bố kết quả kinh doanh gần đây, CEO Tim Cook cũng thừa nhận rằng trợ lý ảo Siri phiên bản cá nhân hóa vẫn chưa sẵn sàng vì công nghệ mà Apple đang thử nghiệm hiện chưa đạt đến “tiêu chuẩn chất lượng cao” mà công ty đề ra.
Công ty có thể không cần phải là người tiên phong trong lĩnh vực AI. Trước đây, Apple cũng không phải là hãng đầu tiên tạo ra máy nghe nhạc, điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Họ chọn cách chờ đợi – và rồi chiếm lĩnh từng thị trường bằng sản phẩm tốt nhất.
Câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu chiến lược từng giúp Apple thống trị thị trường thiết bị có còn hiệu quả trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo hay không?
Apple đang thu về hàng tỷ USD từ mảng dịch vụ, với biên lợi nhuận gộp vượt ngưỡng 70% — cao hơn nhiều so với mức dưới 40% của mảng phần cứng. Tuy nhiên, một thẩm phán gần đây đã ra phán quyết rằng Apple đã phớt lờ lệnh cấm của bà, theo đó yêu cầu công ty phải cho phép các nhà phát triển ứng dụng được quyền bỏ qua khoản phí khổng lồ khi bán hàng qua App Store. “Cook đã lựa chọn sai lầm khi nghe theo lời khuyên bỏ qua phán quyết của tôi”, bà viết.
Các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu hiện đang thúc ép Apple thực hiện những thay đổi tương tự tại thị trường quốc tế – và không loại trừ khả năng các nhà quản lý toàn cầu sẽ đồng loạt hành động.

Trong khi đó, các nhà lập pháp ở cả cấp bang và liên bang Mỹ đang đe dọa sẽ đưa ra luật mới nhằm yêu cầu Apple xác minh độ tuổi người dùng trên App Store. Dù chưa rõ tác động cụ thể tới doanh thu, động thái này có thể khiến chi tiêu của nhóm tuổi teen giảm sút – hoặc thậm chí giúp phụ huynh kiểm soát việc con em họ sử dụng điện thoại thông minh chặt chẽ hơn.
Đồng thời, thẩm phán phụ trách vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng có thể yêu cầu Google chấm dứt việc chi trả khoảng 20 tỷ USD mỗi năm cho Apple – khoản tiền để được làm công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari. Đây vốn là nguồn thu gần như “lợi nhuận thuần” đối với Apple.
Tất nhiên, tất cả những vấn đề kể trên vẫn chưa là gì so với mối đe dọa lớn nhất đối với “kiệt tác” của Tim Cook – chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc.
Bất chấp những yêu cầu từ phía ông Trump, Apple gần như không có nhiều lựa chọn trong việc di dời hoạt động sản xuất iPhone – vốn vẫn tập trung chủ yếu tại Trung Quốc. Dù công ty đang nỗ lực chuyển một phần công đoạn lắp ráp cuối cùng sang Ấn Độ, nhưng phần lớn linh kiện bên trong thiết bị vẫn đến từ Trung Quốc.
Chiến lược hiện tại mang lại cho Apple một mức độ linh hoạt nhất định trong việc “lướt sóng” thuế quan giữa các thiết bị lắp ráp tại hai quốc gia khi xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Trump muốn có một chiếc iPhone “sản xuất tại Mỹ”. Tuy nhiên, một thiết bị như vậy có thể đội giá lên hơn 3.000 USD – điều gần như không khả thi.
Tim Cook có thể sẽ tìm cách xoa dịu ông Trump bằng cách chuyển một phần sản xuất khác sang Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dường như cũng đã mở ra một “lối thoát” cho Cook khi tuyên bố vào thứ sáu rằng chính quyền muốn Apple sản xuất nhiều chip hơn tại Mỹ.
Trên thực tế, Apple đã công bố kế hoạch hỗ trợ sản xuất máy chủ AI tại bang Texas. Tuy nhiên, ông Trump rõ ràng còn kỳ vọng nhiều hơn thế. Với những cuộc gọi thường xuyên tới Nhà Trắng và một cuộc gặp diễn ra ngay trong tuần qua, có vẻ như Tim Cook đang chuẩn bị cho “lễ vật hòa bình” tiếp theo.
Theo: WSJ