Tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 30/4 đưa tin, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã sụt giảm 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2025, đánh dấu sự suy thoái kinh tế đầu tiên tại nước này trong 3 năm qua. Việc Mỹ công bố dữ liệu GDP yếu kém trùng với một diễn biến đáng chú ý ở nước ngoài: nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,4%, nhanh hơn dự kiến.

Các chuyến hàng của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng hơn 12% vào tháng 3/2025, giúp thúc đẩy tăng trưởng theo quý của Bắc Kinh. Ảnh: Getty
Kinh tế Mỹ suy thoái lần đầu sau 3 năm
Theo Newsweek, báo cáo về GDP được công bố khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách làm nổi bật các khoản đầu tư doanh nghiệp mới vào Mỹ nhân dịp kỷ niệm ngày thứ 100 tại nhiệm của ông. Tuy nhiên, vào ngày 30/4, chính phủ Mỹ thông báo rằng nền kinh tế nước này đã suy thoái.
Ông Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ phần lớn dựa trên thông điệp kinh tế của mình. Khi số phiếu thăm dò về nền kinh tế của ông tiếp tục giảm, Tổng thống Trump có thể phải đối mặt với những trở ngại khi bất ổn kinh tế gia tăng và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026 đang đến gần.
Newsweek đưa tin, nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái kinh tế của Mỹ là sự gia tăng nhập khẩu, khi các công ty cố gắng tranh thủ trước thời điểm thuế quan toàn diện đối với ô tô, thép, nhôm và hàng hóa nhập khẩu từ hầu hết mọi quốc gia vào Mỹ có hiệu lực.
Tổng thống Trump đã chỉ trích người tiền nhiệm Joe Biden khi thị trường chứng khoán sụt giảm vào sáng 30/4 để đáp lại báo cáo về GDP.
“Đây là thị trường chứng khoán của ông Biden, không phải của tôi. Tôi không tiếp quản cho đến ngày 20/1. Thuế quan sẽ sớm có hiệu lực và các công ty đang bắt đầu chuyển đến Mỹ với số lượng kỷ lục. Đất nước chúng ta [Mỹ] sẽ bùng nổ, nhưng chúng ta phải thoát khỏi “Bẫy” Biden. Điều này sẽ mất một thời gian, KHÔNG LIÊN QUAN GÌ ĐẾN THUẾ QUAN, chỉ là ông ấy để lại cho chúng ta những con số tồi tệ, nhưng khi sự bùng nổ bắt đầu, nó sẽ không giống bất kỳ điều gì khác. HÃY KIÊN NHẪN!!!”, ông Trump viết trên Truth Social.

Tổng thống Donald Trump giơ bảng thuế quan khi phát biểu tại sự kiện công bố thuế quan đối ứng “Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” tại Nhà Trắng vào ngày 2/4/2025. Ảnh: Getty
Ai đang phải chịu thiệt nhiều hơn?
Trong khi đó, số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 16/4 cho thấy, GDP của nước này đã tăng 5,4% trong quý I năm nay, cao hơn kỳ vọng chung của thị trường, bất chấp căng thẳng thương mại ngày càng leo thang với Mỹ. Tốc độ này vượt dự báo 5,1% trong khảo sát trước đó của hãng tin Reuters (Anh), và cũng cao hơn mục tiêu tăng trưởng năm nay của nước này là khoảng 5%.
Các chuyên gia nhận định, hai báo cáo được công bố gần như cùng lúc đã làm suy yếu thông điệp về chiến tranh thương mại của chính quyền Mỹ. Thuế quan của Tổng thống Trump vốn được thiết lập để gây sức ép lên Trung Quốc và kích thích sản xuất trong nước Mỹ, nhưng tính đến nay lại tạo ra hiệu ứng ngược: làm suy yếu tăng trưởng của Mỹ trong khi nền kinh tế Trung Quốc, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, đang tăng tốc.
“Tổng thống Trump muốn thể hiện sức mạnh trong tuần này. Thay vào đó, các con số lại cho thấy sự yếu kém”, giáo sư Joseph Foudy tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York cho biết. “Nền kinh tế Mỹ đang phản ứng với sự gián đoạn. Còn hiện tại, kinh tế Trung Quốc đang được thúc đẩy.”
Sự thúc đẩy đó một phần đến từ đợt tăng đột biến cuối cùng trong xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ trước khi mức thuế quan mới có hiệu lực. Theo kênh CNBC (Mỹ), các chuyến hàng của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng hơn 12% vào tháng 3, giúp thúc đẩy tăng trưởng theo quý của Bắc Kinh.
Tổng thống Trump từng lập luận rằng thuế quan sẽ buộc Trung Quốc phải đàm phán và cuối cùng mang lại kết quả, nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Ngược lại, Bắc Kinh vẫn không lay chuyển trước các chiến thuật gây sức ép của Washington. Dữ liệu kinh tế mới được công bố từ hai quốc gia chỉ ra một vấn đề khác, có thể làm dấy lên nghi ngờ về việc ai đang phải chịu thiệt nhiều hơn tính đến nay.
“Đây là sự suy giảm do mình tự gây ra”, Foudy nói. “Các quyết định kinh doanh lớn đang bị trì hoãn. Không ai muốn mở rộng hoặc tuyển dụng trong tình hình khó lường như thế này.”
Todd Belt – giám đốc Trường Quản lý Chính trị Sau đại học thuộc Đại học George Washington – nói với Newsweek rằng cuộc chiến thuế quan đã mở ra cơ hội cho Trung Quốc thực hiện chính xác những gì Tổng thống Trump từng kỳ vọng sẽ ngăn chặn: phát triển, xuất khẩu và định vị lại trên toàn cầu.
“Về cơ bản, Trung Quốc đã xác định được lời đe dọa của ông Trump”, Belt nói. “Họ đang xoay trục nhanh hơn dự đoán của ông ấy. Họ không phản ứng bằng kiểu đau đớn về kinh tế mà ông ấy từng mong đợi”.

Mỹ công bố dữ liệu GDP yếu kém trùng với một diễn biến đáng chú ý ở nước ngoài: nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,4%, nhanh hơn dự kiến. Ảnh: Getty
Cả hai chuyên gia Belt và Foudy đều cho biết Bắc Kinh đang tích cực xây dựng các mối quan hệ thương mại mới để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Các quan chức Trung Quốc đã dành vài tháng qua để củng cố mối quan hệ với châu Âu và thảo luận về các tuyến đường mới qua Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latin. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ như Mexico và Canada đang nâng cấp cơ sở hạ tầng và mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc và EU.
“Nếu chúng ta gây sức ép quá mức với các đồng minh trong khi gây áp lực với Trung Quốc, chúng ta [Mỹ] có nguy cơ tự cô lập mình”, Foudy nói.
Tuy nhiên, mặc dù đồng ý rằng Bắc Kinh dường như đang giành được lợi thế trong ngắn hạn, giáo sư Foudy nhấn mạnh rằng Trung Quốc cũng sẽ không thoát khỏi nguy cơ. “Tôi tin rằng cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc, giống như nó đang gây tổn hại cho Mỹ”, ông nói. “Tuy nhiên, không rõ Mỹ sẵn sàng chịu đựng bao nhiêu tổn thương kinh tế.”
“Chúng ta cần nghĩ rằng bất kỳ thiệt hại nào đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ diễn ra dần dần trong năm tới. Nó sẽ không xuất hiện ngay lập tức”, ông nói thêm.
Tổng thống Trump có thể “đổ tại ông Biden” trong bao lâu?
Theo Newsweeek, các tân tổng thống Mỹ thường không phải chịu trách nhiệm trong giai đoạn đầu, vì cử tri thường đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo tiền nhiệm về những vấn đề kinh tế. Cựu Tổng thống Barack Obama không bị đổ lỗi cho vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 2009; và cựu Tổng thống George W. Bush cũng không phải chịu trách nhiệm cho bong bóng dot-com nổ tung trước khi ông nhậm chức.
Nhưng lạm phát và giá cao là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump và đó cũng vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Nếu người tiêu dùng Mỹ bắt đầu cảm nhận được toàn bộ tác động của thuế quan, Tổng thống Trump có thể sẽ khó thoái thác trách nhiệm hơn.
“Thời kỳ trăng mật thường kéo dài từ ba đến bốn tháng”, Foudy cho biết. “Chúng ta sẽ bắt đầu thấy tác động vào tháng 6, thông qua giá tiêu dùng tăng và tình trạng thiếu hụt sản phẩm. Sau đó, đến tháng 7, nó sẽ bắt đầu xuất hiện trong GDP và các chỉ số kinh tế khác.”
Theo các chuyên gia, kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, thị trường chứng khoán đã biến động, phản ứng với một loạt các thay đổi thuế quan, sa thải liên bang và đóng băng chi tiêu. Chỉ số bất ổn chính sách kinh tế – theo dõi sự bất ổn trong quá trình ra quyết định của chính phủ Mỹ – đã tăng vọt trong hai tháng qua, đạt đến mức chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.
“Đây hoàn toàn là trách nhiệm của chính quyền Trump”, chuyên gia Belt nhận định. “Họ thừa hưởng một nền kinh tế mạnh mẽ – tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát giảm và sự lạc quan của thị trường xung quanh các chính sách bãi bỏ quy định và thúc đẩy tăng trưởng.”
(Theo Newsweek)