Video trình diễn công bố cùng ngày cho thấy robot Walker S2 do công ty UBTech Robotics phát triển đã tự di chuyển đến trạm sạc, tháo pin đã hết ra khỏi khoang ngực, đặt vào đế sạc, sau đó lắp pin mới và tiếp tục hoạt động.
Theo UBTech, về lý thuyết, tính năng này giúp robot có thể vận hành liên tục 24/24 mà không cần con người can thiệp.
Ngành robot hình người của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Chính phủ xác định robot và trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành công nghiệp chiến lược trọng yếu và đã dành nhiều chính sách hỗ trợ.
Theo báo cáo của Moody’s ngày 17/7, Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc robot nhờ khả năng kết hợp AI tiên tiến với chi phí sản xuất thấp.
Báo cáo của Morgan Stanley công bố hồi tháng 2 cho biết hơn một nửa số công ty niêm yết toàn cầu phát triển robot hình người là của Trung Quốc. Các startup trong lĩnh vực này cũng thu hút một phần lớn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu.
UBTech là nhà sản xuất robot hình người đầu tiên lên sàn chứng khoán Hồng Kông vào năm 2023. Công ty này nằm trong nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đang chạy đua đưa robot ra thị trường đại chúng.
Hiện có 6 công ty Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất hơn 1.000 robot hình người trong năm nay. Tiến độ này tương đương với Tesla – công ty dẫn đầu thị trường Mỹ đang hướng đến việc sản xuất hàng nghìn robot Optimus mỗi năm.
UBTech chưa đưa ra mục tiêu sản xuất cụ thể, song các robot Walker của hãng đã được thử nghiệm trong dây chuyền sản xuất tại các nhà máy ô tô điện của BYD, Nio và Zeekr, theo trang CNEVPost.
Theo nhật báo Nanfang, Walker S2 được thiết kế để nâng cao năng suất với hệ thống hai pin và khả năng tự thay pin, cho phép robot vận hành độc lập với sự giám sát tối thiểu từ con người.
Robot có thể tự theo dõi mức năng lượng và chuyển đổi giữa hai pin khi cần thiết. Khi một pin sắp cạn, hệ thống sẽ chuyển sang pin còn lại để đảm bảo không bị gián đoạn.
Quá trình thay pin được thực hiện trong vòng 3 phút, với thiết kế pin dạng cắm như USB giúp thao tác tháo lắp dễ dàng.
Thành phố Thâm Quyến đã đặt mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu về robot. Chính quyền địa phương đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ này trong nhiều ngành công nghiệp. Thành phố công nghệ phía nam hiện có hơn 1.600 công ty hoạt động trong lĩnh vực robot.
Đầu tuần này, Thâm Quyến ghi nhận thêm một cột mốc toàn cầu khi một startup địa phương triển khai đội robot giao hàng bổ sung cho các cửa hàng 7-Eleven nằm trong ga tàu điện ngầm. Đây được cho là dự án đầu tiên trên thế giới sử dụng robot di chuyển bằng tàu điện ngầm để vận chuyển hàng hóa.
Theo SCMP