Truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin cách đây ít giờ, giới khảo cổ học Trung Quốc vừa có những phát hiện mới cực kỳ quan trọng bên trong Quần thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây của nước này.
Vào ngày 16/12/2024, tại địa điểm khai quật và bảo vệ khảo cổ mang tên Đường hầm Binh Mã Dũng số 2, các nhà khảo cổ đã phát hiện 2 cỗ chiến xa tứ mã và bước đầu đã dọn sạch ba chiến mã và ba bức tượng nhỏ bằng gốm.
Chuyên gia Zhu Sihong, người phụ trách dự án khảo cổ Đường hầm Binh Mã Dũng số 2 (đôi khi gọi tắt là Hầm số 2), cho biết giai đoạn khai quật khảo cổ lần thứ 2 tại Hầm số 2 hiện đang tập trung vào lỗ thông đạo số 5 của các cỗ chiến xa và binh lính trong Lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Những phát hiện đột phá bên trong Hầm số 2
Chuyên gia Trung Quốc đánh giá, Đường hầm Binh Mã Dũng số 2 là “tinh hoa trong tinh hoa” của Binh Mã Dũng (Đội quân đất nung và ngựa) trong Lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Bởi nếu như Đường hầm Binh Mã Dũng số 1 (phát hiện năm 1974) gồm hàng nghìn tượng lính, tượng ngựa kỵ binh và tượng chiến xa tứ mã bằng đất nung với – thì năm 1976 người ta tìm được Đường hầm Binh Mã Dũng số 2 chứa hàng loạt trận thế kỵ binh phức tạp cùng cung thủ mang tính nghệ thuật điêu luyện và phong phú.
Hầm số 2 trong Đội quân đất nung nhà Tần nằm cách Hầm số 1 khoảng 20 mét về phía Đông Bắc và cách Hầm số 3 (phát hiện năm 1976) 120 mét về phía Đông. Mặc dù không lớn bằng Hầm số 1 nhưng Hầm số 2 là hầm hoàn chỉnh nhất vì nơi đây lưu giữ tất cả các loại chiến binh đất nung được tìm thấy cho đến nay, bao gồm bộ binh, kỵ binh, chiến xa và cung thủ.
Để khám phá đầy đủ “tinh hoa trong tinh hoa”, Trung Quốc thực hiện 2 giai đoạn khai quật quy mô lớn vào năm 1994 – 1998 và 2015 – Nay. Gần 1 thập kỷ trở lại đây, các chuyên gia khảo cổ kỳ cựu của Trung Quốc đã làm việc không ngừng nghỉ để vượt qua vô vàn khó khăn của Hố số 2 rộng 6.000 mét vuông này.
Không những phải bảo vệ các bức tượng khỏi sự tàn phá của không khí, họ còn phải vượt qua lớp thủy ngân có nồng độ cao gấp hàng trăm lần mức bình thường, cũng như phải xúc đi một khối lượng đất khổng lồ và hút đi lượng nước ngầm lớn bên dưới mới có thể tiếp cận các bức tượng đất nung nghìn năm tuổi này.
Kết quả, kỳ tích mới nhất đã đến vào ngày 16/12/2024.
Sau khi khai quật và làm sạch bước đầu, người ta có thể nhìn thấy dấu tích của hai cỗ xe ngựa và 3 con ngựa gốm tại khu vực này. Ngoài ra, còn có ba bức tượng binh nhỏ bằng gốm, trong đó có hai bức tượng “Hữu Xa” (chiến binh ngồi bên phải chiến xa) và “Ngự Thủ” (người điều khiển xe), và một bức tượng khác được cho là “Tả Xa” (chiến binh ngồi bên trái chiến xa).
Theo các chuyên gia, dựa trên những khám phá mới này, cỗ chiến xa này là chiến xa tứ mã. Trên xe có 3 người gồm Hữu Xa – Ngự Thủ – Tả Xa.
Hiện, đội ngũ chuyên gia của Trung Quốc đang tiếp tục làm việc tại Hầm số 2 để tiếp tục làm sạch các bức tượng khác trong bộ 2 cỗ chiến xa vừa mới phát hiện.
Trước đó vào tháng 11/2024, các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng có phát hiện quan trọng: Tìm thấy bức tượng của vị chỉ huy quân sự cấp cao hiếm hoi tại Hầm số 2.
Ông Zhu Sihong cho biết, bức tượng vị chỉ huy quân sự cấp cao là bức tượng quan chức quân sự cấp cao đầu tiên được khai quật kể từ khi Trung Quốc mở cuộc khai quật quy mô lớn tại Hầm số 2. Dựa vào vị trí nơi nó được khai quật, chúng tôi suy ra rằng đó có thể là người đứng đầu đội kỵ binh tại đây. Hiện, các nhân viên đang tiến hành công việc làm sạch sâu bức tượng này.
Vị chuyên gia này cho biết, tượng các quan chức quân sự cấp cao còn được gọi là “bức tượng tướng quân”. Họ thường đội vương miện và áo giáp, hai tay chắp trước bụng. Xung quanh áo giáp có hoa văn tinh xảo. Hiện tại, chỉ có 10 quan chức quân sự cấp cao được phát hiện bên trong Binh Mã Dũng nhà Tần.
Vì là nơi chứa hàng loạt trận thế kỵ binh và cung thủ nên tại Hầm số 2 người ta cũng phát hiện các đội hình phalanx bộ binh, phalanx kỵ binh, phalanx nỏ, phalanx xe ngựa và phalanx hỗn hợp.
*Phalanx đọc là falăng hay phương trận, là đội hình quân sự tập trung sát nhau theo hình chữ nhật và được trang bị vũ khí.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc khai quật này có ý nghĩa rất lớn đối với việc nghiên cứu về tổ chức, hệ thống quân sự của nhà Tần nói riêng và nghiên cứu lịch sử quân sự thời cổ đại của Trung Quốc nói chung.
Hầm số 2 có hình chữ L, dài khoảng 96 mét từ đông sang tây, dài 84 mét từ bắc xuống nam và sâu 5 mét. Cho đến nay, chỉ có một phần sáu hầm được khai quật hoàn toàn trong khi phần còn lại được khai quật một phần. Theo tính toán sơ bộ, có hơn 80 cỗ xe chiến đấu, khoảng 1.300 chiến binh và ngựa đất nung, và hàng ngàn vũ khí bằng đồng bên trong Hầm số 2. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ còn rất bận rộn với quần thể kỳ quan bên dưới lòng đất này.
Đặc biệt hơn nữa, 2024 là năm Trung Quốc đánh dấu kỷ niệm 50 năm lần đầu tiên phát hiện quần thể kỳ quan khảo cổ dưới lòng đất này. Trong nửa thế kỷ qua, các nhà khảo cổ đã liên tiếp phát hiện các Hầm 1, 2 và 3 của tượng binh mã đất nung thời Tần, với tổng diện tích hơn 20.000 mét vuông.
Tổng cộng, hơn 7.000 tượng chiến binh và chiến mã bằng đất nung cũng như các di tích văn hóa quan trọng như xe và ngựa bằng đồng, áo giáp bằng đá đã được tìm tại 3 hầm này. Tất cả góp phần làm sáng tỏ những di tích chính của Quần thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo vệ toàn diện và trưng bày có hệ thống lăng mộ của hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.
Quần thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được mệnh danh là kỳ quan thế giới ẩn dưới lòng đất. Năm 1987, UNESCO đã công nhận quần thể này (bao gồm hàng nghìn tượng Binh Mã Dũng) là Di sản Thế giới.
Tham khảo: QQ, Sohu, Travelchinaguide, Museu