spot_img
9 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhLàm thế nào để gửi tiết kiệm an toàn tại quầy và...

Làm thế nào để gửi tiết kiệm an toàn tại quầy và online?

Rủi ro mất tiền khi gửi tiết kiệm không phải là không có. Để đảm bảo an toàn khi gửi tiết kiệm, người gửi cần chú ý một số khuyến cáo dưới đây.

Kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm

Thực tế đã xuất hiện một số trường hợp nhân viên ngân hàng nhập nhầm số tiền gửi hoặc cố tình chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng trong trường hợp sổ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi bị lỗi, không đầy đủ thông tin. Khách hàng không kiểm tra sổ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi sẽ không phát hiện ra cho đến khi mất tiền trong sổ tiết kiệm.

Bởi vậy, khi làm thủ tục gửi tiết kiệm, khách hàng cần kiểm tra kỹ các thông tin trên sổ như: Họ tên và địa chỉ của người gửi và đồng sở hữu, loại tiền, số tiền gửi, ngày gửi tiền, kỳ hạn gửi, ngày đến hạn, lãi suất, phương thức trả lãi… Nếu phát hiện thông tin nhầm lẫn, khách hàng cần phản ánh ngay với nhân viên giao dịch để được giải quyết.

Không ký sẵn chứng từ trống

Khi giao dịch gửi hay rút tiền tại quầy, khách hàng cần ký vào giấy tờ ghi rõ nội dung giao dịch, tránh việc ký sẵn vào các chứng từ trống. Nhân viên ngân hàng khi giao dịch phải tuân thủ đúng quy trình và đưa giấy cho khách hàng ký. Khách hàng cũng cần đọc kỹ nội dung rồi mới ký vào giấy tờ giao dịch để đảm bảo an toàn. Đây sẽ là căn cứ để giải quyết các vấn đề khiếu nại liên quan đến giao dịch.

Cố gắng duy trì một chữ ký cố định

Khi giao dịch với ngân hàng trong quá trình gửi tiết kiệm, từng nét bút, chữ ký của khách hàng đều có giá trị. Việc thay đổi chữ ký liên tục có thể khiến khách hàng không nhớ chữ ký trong từng loại giấy tờ của mình là gì. Điều này gây ra sự mất thống nhất trong toàn bộ giấy tờ. Tất yếu, việc mà có các chữ ký thống nhất cũng đảm bảo sự an toàn cho khách hàng khi gửi tiết kiệm và là căn cứ để giải quyết khiếu nại khi khách hàng bị kẻ xấu giả mạo chữ ký, rút tiền trong tài khoản.

Kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ

Khi gửi tiết kiệm, khách hàng cần kiểm tra tài khoản hàng tuần, hàng tháng qua dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking. Bởi nếu chẳng may bị mất tiền gửi, khách hàng có thể báo ngay với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết nhanh chóng.

Nếu khách hàng không để ý và kiểm tra thường xuyên, mà tiền gửi tiết kiệm chẳng may bị mất, đến khi phát hiện ra thì đã lâu, ngân hàng và cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian để điều tra, truy tố, xét xử.

Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận

Sổ tiết kiệm là chứng từ quan trọng. Bạn cần bảo quản sổ cẩn thận và thông báo ngay cho ngân hàng nếu bị mất. Nếu có thể, hãy tránh cho người khác mượn sổ tiết kiệm, vì họ có thể lợi dụng để rút tiền. Ngoài ra, khi hoàn tất thủ tục gửi tiết kiệm, hãy lấy lại sổ ngay lập tức.

Trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm thông báo qua điện thoại, khách hàng phải đến ngay quầy giao dịch của ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm.

Không cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm của mình, bởi vì người mượn sổ có thể giả giấy tờ tùy thân, chữ ký của khách hàng và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền gửi từ sổ tiết kiệm.

Người gửi tiền cũng không cho nhân viên ngân hàng “nợ” sổ tiết kiệm khi đã gửi tiền. Nếu nhân viên ngân hàng “nợ” sổ vì một lý do nào đó như hết sổ, không thể chờ lâu… thì họ có thể lợi dụng điều đó để gửi tiền vào tài khoản khác và rút tiền ra để trục lợi. Vì thế, ngay khi hoàn tất thủ tục gửi tiền, khách hàng cần nhận lại ngay sổ tiết kiệm của mình.

Cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến

Các trang web lạ, có tính bảo mật kém có thể cài vi rút và “ăn cắp” thông tin của khách hàng. Vì thế, bạn nên chú ý khi truy cập vào các trang web lạ. Khách hàng cũng nên cài đặt phần mềm diệt vi rút của các thương hiệu uy tín và cập nhật phiên bản mới để tránh trường hợp hacker xâm nhập, “đánh cắp” thông tin, rút tiền từ tài khoản tiết kiệm trực tuyến.

Đồng thời, khách hàng nên cập nhật các thông báo mới của ngân hàng mở tài khoản, các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến từ ngân hàng để tránh bị kẻ gian lừa đảo.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật