spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhLần đầu tiên trong lịch sử, thu ngân sách ngành thuế vượt...

Lần đầu tiên trong lịch sử, thu ngân sách ngành thuế vượt mốc 1,7 triệu tỷ đồng/năm

Luỹ kế giai đoạn 2021 – 2024, tổng thu Ngân sách Nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt khoảng 6,1 triệu tỷ đồng.
Lần đầu tiên trong lịch sử, thu ngân sách ngành thuế vượt mốc 1,7 triệu tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững”.

Ngày 18/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Báo Lao Động đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững”.

Tại hội thảo, ông Mai Sơn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) – cho biết, tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước vượt 16,5% dự toán.

Với mức tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023, đây là năm đầu tiên số thu ngành thuế quản lý vượt mốc trên 1,7 triệu tỷ đồng.

Như vậy, tính từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu NSNN ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, đạt 86,5% so mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 8,3 triệu tỷ đồng, trong đó tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý luỹ kế giai đoạn 2021 – 2024 ước đạt khoảng 6,1 triệu tỷ đồng, bằng 119% so với dự toán, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn khoảng 8,6%/năm.

Lần đầu tiên trong lịch sử, thu ngân sách ngành thuế vượt mốc 1,7 triệu tỷ đồng/năm- Ảnh 2.

Ông Mai Sơn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) – phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Lao Động

Để đạt được kết quả này, ông Mai Sơn đánh giá, trước hết là sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc xây dựng hệ thống chính sách thuế và tổ chức thực hiện thu thuế hiệu quả.

Trong giai đoạn 2021-2024 ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí.

Đồng thời, ngành Thuế cũng đã triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp ngân sách.

Đến nay, có 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, 99% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia hoàn thuế điện tử; 100% doanh nghiệp, tổ chức tham gia hóa đơn điện tử.

Năm 2022, ứng dụng eTax Mobile được triển khai ra mắt, hỗ trợ người nộp thuế cá nhân qua điện thoại đến nay đạt gần 2,2 triệu lượt cài đặt với trên 3,5 triệu giao dịch ngân hàng với tổng số tiền đã nộp thành công 7.761 tỉ đồng.

Năm 2021, hệ thống hóa đơn điện tử được triển khai, chuyển đổi 100% hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đến nay đã tiếp nhận, xử lý trên 11 tỉ hóa đơn.

Năm 2023, ngành Thuế ứng dụng Big Data và AI để quản lý hóa đơn, phát hiện nhanh và ngăn ngừa các hành vi gian lận hóa đơn và xây dựng bản đồ số hóa kinh doanh, tài nguyên, đất đai.

Về thương mại điện tử, số liệu quản lý thuế trong lũy kế trong 3 năm từ năm 2022 tới 10 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với số thuế đã nộp là 274,6 nghìn tỉ đồng.

Xây dựng cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), đến nay đã có 116 NCCNN thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử NCCNN đến từ nhiều quốc gia, với tổng số thuế khai nộp ngân sách nhà nước qua cổng đạt hơn 20 nghìn tỉ đồng.

Ngành Thuế cũng thực hiện quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu trên các lĩnh vực còn nhiều dư địa lớn như lĩnh vực khoáng sản, xăng dầu, dịch vụ ăn uống, lưu trú… góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, giai đoạn từ năm 2021 đến nay khoảng hơn 41 nghìn tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Thuế đã xử lý nghiêm, thu hồi vào ngân sách nhà nước khoảng 176,4 nghìn tỉ đồng tiền nợ các khoản thuế phí, lệ phí và các khoản thu từ đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

“2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn 2021-2025, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các giải pháp điều hành chính sách tài khóa mở rộng chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác”, ông Mai Sơn cho hay.

Song song với đó, theo ông Mai Sơn, ngành Thuế tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm, bám sát tình hình kinh doanh nhằm nắm rõ hiện trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ.

Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI – cho biết, trong năm 2024, ước tính số lượng các doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tính đến hết tháng 11/2024 đạt 218.500 doanh nghiệp, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2023. Đóng góp cho ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp tiếp tục tăng cao, góp phần quan trọng vào kết quả thu ngân sách nhà nước 11 tháng đầu năm 2024 đã đạt mức kỷ lục trên 1,8 triệu tỉ đồng, vượt dự toán 6,3% và tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, năm 2024 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa phải phản ứng với những biến động khó lường của thị trường thế giới; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ… Tính chung 11 tháng năm 2024, cả nước đã có tới 173,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lần đầu tiên trong lịch sử, thu ngân sách ngành thuế vượt mốc 1,7 triệu tỷ đồng/năm- Ảnh 3.

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế. Ảnh: Báo Lao Động

Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, mặc dù trong thời gian qua, ngành thuế đã có những kết quả cải cách quan trọng, nhưng từ thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế.

Ghi nhận mới nhất từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

“Mặc dù đã có nhiều cải thiện quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế nhưng vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó dự đoán cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số ở mức chưa đồng đều. Mặc dù ngành thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng không phải doanh nghiệp nào, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng có đủ nguồn lực và năng lực để thích nghi” – ông Hoàng Quang Phòng kiến nghị.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật