Theo Science Alert, hành tinh “bốc mùi” vừa được tìm thấy mang tên HD-189733b, một “Sao Mộc nóng” có nhiệt độ lên tới hàng ngàn độ C.
Nó là một trong những ngoại hành tinh cực đoan nhất trong thiên hà Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta.
Nhà vật lý thiên văn Guangwei Fu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đồng tác giả, cho biết HD-189733b được xác định lần đầu vào năm 2005, nhưng lúc đó các nhà khoa học chưa hiểu rõ bản chất của nó.
Giờ đây, bầu khí quyển của hành tinh khổng lồ được soi rõ bởi “mắt thần” của kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb.
Từ đó, “tử thần” lộ diện.
Công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy, các tác giả cho biết James Webb đã tìm thấy dấu hiệu của khí hydro sunfua (H2S) dồi dào trong bầu khí quyển hành tinh này.
Ngoài hydro sunfua, họ còn tìm thấy nước, carbon dioxide (CO2) và carbon monoxide (CO).
Ngoài nước ra, ba loại khí nói trên chắc chắn không thân thiện với sự sống – điều mà các tác giả cũng không mong đợi tìm thấy trên thế giới nóng bỏng này.
Tuy vậy, sự hiện diện của H2S khiến hành tinh trở nên đặc biệt.
Trong hệ Mặt Trời, một hành tinh lớn là Sao Thiên Vương cũng đầy loại khí này. Và thật may là nó ở đủ xa để không ai nghĩ đến chuyện đặt chân đến.
Bởi lẽ, H2S không chỉ “nồng nặc” mùi trứng thối đặc trưng, mà còn là một loại khí độc, ngay cả nồng độ thấp cũng đủ làm mắt khó chịu, đau đầu, buồn nôn…
Với nồng độ từ cao đến rất cao, người hít phải khí H2S có thể bị tê liệt thần kinh, ngừng tim và tử vong trong vòng vài phút hoặc thậm chí ngay lập tức.
Mặc dù vậy, với một hành tinh ở rất xa, phát hiện này rất thú vị, cho thấy thế giới các hành tinh có thể đa dạng và kỳ quái tới mức nào.
Họ cũng nghiên cứu tính kim loại của khí quyển, nồng độ các nguyên tố nặng hơn hydro và heli. Họ phát hiện ra rằng tính kim loại của thế giới này cao hơn 3-5 lần so với ngôi sao mẹ của nó, một khám phá tiết lộ điều gì đó về cách ngoại hành tinh hình thành.
Với khoảng cách chỉ 64,5 năm ánh sáng so với Trái Đất, đó là một thế giới thú vị để tiếp tục nghiên cứu.
“Những phát hiện này hỗ trợ cho sự hiểu biết của chúng ta về cách các hành tinh hình thành thông qua việc tạo ra nhiều vật liệu rắn hơn sau khi hình thành lõi ban đầu và sau đó được tăng cường tự nhiên bằng kim loại nặng” – các tác giả cho biết.