spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhLo sợ cơn lốc hàng giá rẻ, một quốc gia ở ĐNÁ...

Lo sợ cơn lốc hàng giá rẻ, một quốc gia ở ĐNÁ yêu cầu Google, Apple chặn đứng ứng dụng Temu

Các quốc gia đều có những biện pháp nhất định để bảo vệ doanh nghiệp nội địa trước sự xuất hiện của Temu.

Trước cơn lốc hàng giá rẻ của Temu, các nước đã có những biện pháp nhất định để bảo vệ doanh nghiệp nội địa, chẳng hạn như Thái Lan tăng thuế. Châu Âu, Mỹ định siết các quy định hoạt động và nhập khẩu, trong khi Indonesia yêu cầu Alphabet và Apple chặn ứng dụng Temu.

Nêu lý do, Bộ trưởng Truyền thông Budi Arie Setiadi cho rằng mô hình kinh doanh giảm giá đến cùng cực của Temu là “cạnh tranh không lành mạnh”.

“Chúng tôi không ở đây để bảo vệ thương mại điện tử, mà là để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có hàng triệu doanh nghiệp chúng tôi cần phải bảo vệ”, ông nói và cho biết Jakarta tuyên bố sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào của Temu vào thương mại điện tử nước này.

Theo CNN, Temu là một trong những nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất tại Trung Quốc, nổi tiếng nhờ mô hình mua chung, cho phép người tiêu dùng tiết kiệm chi phí thông qua việc nhờ bạn bè cùng mua một sản phẩm với số lượng lớn. Trên trang web của mình, Temu tuyên bố sẽ sử dụng “mạng lưới sâu rộng … được xây dựng qua nhiều năm của công ty mẹ để cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng”.

Vào tháng 9/2022, Temu ra mắt lần đầu tại Mỹ và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo hãng dịch vụ tư vấn và đầu tư startup Momentum Works (Singapore). Nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt năm 2023 với 18 tỷ USD.

“Cơn lốc” Temu có được nhờ áp dụng kinh nghiệm từ phiên bản nội địa Trung Quốc là Pinduoduo. Các lượt giới thiệu tặng chiết khấu cao trên mạng xã hội (còn gọi là tiếp thị liên kết), trò chơi quay trúng phiếu giảm giá và các ưu đãi thời gian ngắn đã được ứng dụng để làm nên thành công của mô hình.

Phát triển mạnh khi chỉ mới 2 tuổi, Temu khiến nhiều thị trường dè chừng. Ngay tại Đông Nam Á, một tháng sau khi đặt chân vào Thái Lan, Temu đối diện chính sách mới.

Theo đó, từ tháng 7, nước này áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với tất cả gói hàng nhập khẩu có giá dưới 1.500 baht (42 USD), hiệu lực đến cuối tháng 12. Năm tới, luật mới sẽ cho phép cơ quan thuế tiếp tục thu thuế VAT đối với các sản phẩm từng được miễn thuế.

Không dừng lại đó, tờ The Nation Thailand cho hay nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp còn kêu gọi cấm Temu vì lo ngại rằng sản phẩm giá rẻ có thể tàn phá chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của đất nước. Chính phủ hồi tháng 9 đã yêu cầu các cơ quan liên quan đảm bảo rằng Temu tuân thủ luật pháp địa phương và nộp thuế đầy đủ.

Phương Tây cũng tìm cách siết hoạt động của Temu trước nỗi lo hàng giá rẻ và kém chất lượng. Tại Đức vào tháng 9, Hiệp hội bán lẻ (HDE) đã vận động chính phủ “đảm bảo cạnh tranh công bằng cho tất cả thành phần trên thị trường”. Các hoạt động kiểm soát hải quan được kêu gọi thực hiện mạnh mẽ.

“Nhiều công ty bán buôn và bán lẻ đang rất lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc, điều này bóp méo cạnh tranh trong thương mại và đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế địa phương”, Nhóm nghị sĩ SPD nêu.

Được biết, chính phủ Đức cho hay đang soạn thảo các quy định mới nhằm đảm bảo các nhà bán lẻ giá rẻ từ Trung Quốc như Temu và Shein tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm, bảo vệ môi trường, quyền lợi người tiêu dùng, cũng như luật hải quan và thuế. Tạp chí Capital cho biết trong những tháng gần đây, thảo luận đã được đặt ra với các bang liên bang của Đức, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu.

Ở cấp độ châu Âu, vào tháng 5, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố rằng Temu sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn về nội dung trực tuyến của EU sau khi nền tảng đạt số lượng người dùng thường xuyên hơn 45 triệu.

Tại Mỹ, Temu cũng đối mặt với khả năng thay đổi quy định về de minimis, vốn đang cho phép miễn thuế và kiểm tra với các kiện hàng nhập khẩu giá trị dưới 800 USD. Theo Nhà Trắng, quy định đã tạo ra lỗ hổng, làm thiệt hại cho công nhân, nhà bán lẻ và nhà sản xuất Mỹ.

Liên minh Sản xuất Mỹ (AAM) – tổ chức vận động chính sách cho các nhà sản xuất – nói de minimis là bất công bởi các nhà nhập khẩu khác vẫn phải trả thuế. “Nó còn có nghĩa Mỹ đang ngầm hỗ trợ thành công của Shein, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và công nhân trong nước”, báo cáo của AAM nêu.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật