Mới đây, mạng xã hội chia sẻ thông tin một nhà văn đi “đòi” tiền tiết kiệm gửi ở một chi nhánh ngân hàng của người con gái đã mất. Độc giả đã gửi đến Báo Người Lao Động thắc mắc liên quan thông tin trên.
Thông tin cho thấy nhà văn đã nhờ con gái, chưa có gia đình đứng tên sổ tiết kiệm tại một chi nhánh ngân hàng, song nay người con gái đột ngột qua đời. Nhà văn muốn lấy lại tiền nhưng bị yêu cầu phải có giấy chứng nhận độc thân của cô con gái.
Liên quan tình huống trên, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, nhìn nhận trong trường hợp tiền trong tài khoản tiết kiệm của con gái nhà văn cho dù đó là tiền ông đưa cho con gái gửi tiết kiệm, thì khi con gái ông mất, ông muốn lấy lại tiền phải có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại phòng Công chứng.
Theo đó, quyền thừa kế sẽ được xác định theo quy định pháp luật.
Nếu con gái của nhà văn mất mà không để lại di chúc, di sản mà ông được hưởng sẽ thuộc quyền thừa kế của hàng thừa kế thứ nhất, gồm: cha mẹ, con ruột, chồng nếu có. Trong trường hợp trên nhà văn là hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật. Vợ mất trước con và con độc thân mất không có di chúc nên chỉ một mình ông ký trong văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Hiện quy định về tiến trình thủ tục thừa kế sổ tiết kiệm của người đã mất gồm nhiều bước.
Để được hưởng thừa kế sổ tiết kiệm của người đã mất, người thừa kế phải thực hiện các bước khai nhận di sản (nếu là thừa kế theo di chúc) hoặc phân chia di sản thừa kế (nếu là thừa kế theo pháp luật) tại Văn phòng công chứng hoặc UBND cấp xã theo quy định của pháp luật.
Khi thực hiện thủ tục này, người yêu cầu cần chuẩn bị các giấy tờ như văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản (nếu có); sổ tiết kiệm (nếu có) và Giấy chứng tử của người để lại di sản; giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (giấy khai sinh…); giấy tờ tuỳ thân của những người thừa kế (Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu…).
Sau khi nộp hồ sơ, trình bày nội dung sự việc, công chứng viên sẽ giải thích quyền, nghĩa vụ của những người thừa kế và niêm yết thông báo khai nhận/thỏa thuận phân chia thừa kế tại UBND cấp xã trong thời gian 15 ngày. Sau thời gian trên nếu không có ý kiến khiếu nại, tố cáo gì thì Văn phòng công chứng hoặc UBND cấp sẽ tiến hành công chứng văn bản về thừa kế theo quy định của pháp luật.
Về thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất thì căn cứ tại điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, việc rút sổ tiết kiệm của người đã mất tại địa điểm giao dịch được thực hiện như sau:
Sau khi thực hiện xong thủ tục công chứng hoặc chứng thực Văn bản khai nhận/thoả thuận phân chia di sản thừa kế thì những người thừa kế có thể trực tiếp (hoặc ủy quyền cho người khác) mang theo văn bản khai nhận/thoả thuận phân chia di sản thừa kế, Sổ tiết kiệm và Giấy chứng tử của người để lại di sản, giấy tờ tùy thân đến ngân hàng nơi người chết gửi tiền tiết kiệm.
Ngân hàng sẽ hướng dẫn thủ tục chi trả cụ thể, đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người rút tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.
Ngân hàng đối chiếu thông tin lưu tại ngân hàng với thông tin của người gửi tiền, thông tin của người thừa kế, thông tin trên thẻ tiết kiệm…
Sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, ngân hàng sẽ thực hiện việc chi trả đầy đủ gốc, lãi tiền gửi tiết kiệm cho người gửi tiền.
Như vậy, trong trường hợp của nhà văn thì để rút tiền từ sổ tiết kiệm đứng tên con gái đã mất, ông cần hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Phòng Công chứng, bao gồm niêm yết công khai tại UBND phường nơi cư trú cuối cùng của con gái ông.
“Chỉ khi nhà văn cung cấp đầy đủ các văn bản pháp lý hợp lệ thì ngân hàng mới có quyền chi trả số tiền tiết kiệm của con gái ông theo quy định pháp luật. Điều này đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà văn với tư cách là người thừa kế duy nhất, đồng thời bảo vệ trách nhiệm pháp lý của ngân hàng trong việc xử lý di sản thừa kế của người mất để lại” – luật sư Đào Thị Bích Liên nói.