Chính phủ blockchain?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bổ nhiệm Elon Musk lãnh đạo Bộ hiệu quả chính phủ (DOGE) để tiết kiệm ngân sách 6,5 nghìn tỷ USD đang bị thâm hụt của nước này, và giải pháp mà ông chủ Tesla đang đưa ra là công nghệ blockchain trong tiền số.
“Các quan chức Bộ Tài chính đang vi phạm pháp luật mỗi giờ, mỗi ngày bằng cách phê duyệt các khoản thanh toán gian lận hoặc không phù hợp với luật tài trợ do Nghị viện Mỹ thông qua. Điều này cần phải chấm dứt ngay bây giờ!”, Elon Musk đăng trên Twitter-X khi trích dẫn một phần của bộ luật Mỹ nêu rõ cách phê duyệt một số khoản thanh toán của chính phủ.
Đồng thời khi trả lời câu hỏi “Liệu Bộ tài chính Mỹ có nên đưa công nghệ blockchain vào sử dụng để tránh điều trên diễn ra hay không?”, ông chủ Tesla đã trả lời “Có!”.
Trước đó, tờ New York Times (NYT) đưa tin Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã trao cho các viên chức của DOGE quyền truy cập vào hệ thống thanh toán, vốn quản lý dòng tiền công lên tới 5 nghìn tỷ USD mỗi năm của chính phủ liên bang.
Tuần trước, Elon Musk đã thảo luận về việc dùng công nghệ blockchain để tiết kiệm ngân sách cho chính phủ.
Khái niệm blockchain lần đầu tiên được tiền số Bitcoin giới thiệu như một cách để ghi lại và xác minh các giao dịch kỹ thuật số mà không cần một cơ quan quản lý như ngân hàng trung ương.
Kể từ đó, nhiều dự án tiền điện tử khác đã tạo ra blockchain của riêng họ cho các mục đích tương tự, với hầu hết trong số chúng cung cấp sổ cái công khai mà bất kỳ ai cũng có thể xem xét.
Chính vì lợi thế này mà Elon Musk đã thảo luận với nhiều quan chức, kể cả với Tổng thống Donald Trump về việc sử dụng blockchain để theo dõi chi tiêu của liên bang, bảo mật dữ liệu, thực hiện thanh toán và quản lý các cơ quan chính phủ nhằm thắt chặt chi tiêu ngân sách.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Elon Musk có dự định sử dụng các blockchain hiện có thông qua các tiền số như Bitcoin, Ethereum hay Dogecoin hay không, hoặc liệu có xây dựng một tiền số mới của chính phủ hay không.
Trước đó sau khi mua lại Twitter, ông chủ Elon Musk cũng đã từng dự định xây dựng một công nghệ blockchain riêng, nghĩa là một tiền số mới cho nền tảng này trước khi từ bỏ ý tưởng đó.
Bản thân cái tên Bộ DOGE của Elon Musk cũng liên quan đến tiền số ưa thích Dogecoin của ông chủ Tesla. Xin được nhắc rằng hãng xe điện Tesla từng chấp nhận đồng Dogecoin như một phương thức thanh toán.
Giá dogecoin đã tăng vọt cùng Bitcoin và thị trường tiền số sau cuộc bầu cử năm 2024 vì các nhà giao dịch đặt cược rằng sức ảnh hưởng của Elon Musk với Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy thị trường này.
Trong tuần đầu tiên trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là đưa việc đại tu chính sách tiền số trở thành một trong những ưu tiên của mình.
Đích thân Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh thành lập một nhóm chuyên biệt nghiên cứu chính sách về tiền số, có nhiệm vụ đề xuất các quy định mới và khám phá việc tạo ra một kho dự trữ tiền số quốc gia.
Nhiều chuyên gia nhận định Tổng thống Donald Trump đang thực hiện lời cam kết biến Mỹ thành “thủ đô tiền số” của thế giới mà ông từng cam kết.
Tranh cãi
Nguồn tin của tờ Forbes cho hay Bộ DOGE đã gặp gỡ nhiều đại diện của các blockchain và tiền số khác nhau nhằm đánh giá về công nghệ của họ.
Trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức, tỷ phú Elon Musk đã tuyển dụng khoảng 100 tình nguyện viên để viết mã cho các dự án của mình.
Công nghệ blockchain được đánh giá sẽ là một trong số nhiều công cụ công nghệ mà Musk và nhóm của ông có thể thử sử dụng để cắt giảm chi phí và loại bỏ chi tiêu lãng phí, gian lận và lạm dụng ngân sách công, vốn là vấn đề chính mà Tổng thống Donald Trump cực lực lên án trong vận động tranh cử năm 2024.
Thậm chí một đồng tiền số memecoin của Tổng thống Donald Trump cũng đã được phát hành, qua đó cho thấy sự nghiêm túc của chính phủ Mỹ về vấn đề này.
Trên thực tế, ý tưởng sử dụng blockchain cho các dự án quy mô lớn không phải là mới, mặc dù việc áp dụng blockchain cho một tổ chức lớn như chính phủ Mỹ vẫn là một khái niệm chưa được kiểm chứng.
Nhiều năm trước, một loạt các công ty lớn như nhà bán lẻ Walmart đã khởi động các nỗ lực phát triển blockchain. Tuy nhiên hầu hết các dự án này đều sử dụng blockchain riêng tư không cho phép công khai các giao dịch.
Do bị điều hành bởi các tập đoàn nên hầu hết những dự án blockchain riêng tư này đều khó quản lý và bị đình trệ.
Chuyên gia kinh tế trưởng Sam Hammond tại Quỹ Đổi mới Mỹ (FAI) cho biết “một blockchain nội bộ theo dõi dòng tiền công của chính phủ Mỹ có thể được sử dụng để truy tra chi tiêu ngân sách, tài liệu và hợp đồng theo cách hoàn toàn an toàn và minh bạch”.
Tuy nhiên ông Hammond cũng cho rằng “câu hỏi đặt ra là liệu bạn có thực sự cần một blockchain để làm điều đó hay không, vì các cơ sở dữ liệu thông thường có thể được sử dụng theo cách tương tự và ít nhược điểm hơn” mà không cần tốn công sức xây dựng blockchain.
Thông thường những blockchain công khai của các loại tiền số như Bitcoin đều đi kèm với những vấn đề riêng khi các sổ cái được quản lý bởi các mạng máy tính phi tập trung.
“Nhược điểm lớn nhất khi chính phủ dùng blockchain công khai là họ sẽ không kiểm soát được các mục nhập. Việc mất kiểm soát này sẽ là rào cản lớn cho chính phủ Mỹ”, giáo sư Campbell Harvey tại Đại học Duke cho biết.
Bất chấp điều đó, một số tổ chức đã sử dụng công nghệ blockchain công khai cho việc kinh doanh những năm gần đây. Ví dụ BlackRock đã phát hành một quỹ thị trường tiền tệ trên sổ cái của một số loại tiền số khác nhau. Trong khi đó Cơ quan quản lý xe hơi bang California (CDMV) đã số hóa hàng triệu quyền sở hữu ô tô trên hệ thống blockchain Avalanche.
Nếu Bộ DOGE theo đuổi công nghệ này, nhiều chuyên gia đánh giá tham vọng trên sẽ làm lu mờ bất kỳ dự án chính phủ nào từng thấy ở Mỹ từ trước đến nay.
*Nguồn: CNN, Fortune, Forbes