spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhMối đe dọa toàn cầu từ những chủng virus lạ

Mối đe dọa toàn cầu từ những chủng virus lạ

Các dịch bệnh mới nổi và tái nổi không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng mà còn tác động mạnh mẽ đến các hệ thống y tế, kinh tế và xã hội.

Gia tăng số lượng virus gây bệnh ở người

Virus đã ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử loài người, từ “Cái chết đen” (dịch hạch) đến đại dịch COVID-19 là một minh chứng. Mặc dù có một số virus đã bị xóa sổ nhờ tiêm chủng, nhưng nhiều loại vẫn tiếp tục đột biến và đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Hiện nay, hơn 600 loại virus đã được xác định ở con người, cùng với nhiều chủng mới vẫn không ngừng xuất hiện. Các chuyên gia cảnh báo, biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa cùng với sự lây truyền từ động vật sang người đang thúc đẩy nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhanh hơn bao giờ hết. Trong đó, nhiều virus có khả năng đột biến và mở rộng vật chủ, làm tăng nguy cơ lây lan như: arbovirus (lây truyền qua động vật chân đốt), arbovirus như chikungunya (CHIKV) và Tây sông Nile (WNV) lây qua muỗi, ebola (EBOV) và Lassa (LASV) bắt nguồn từ động vật… Sự tiến hóa của chúng diễn ra qua tái tổ hợp di truyền, đột biến và chọn lọc tự nhiên. Ví dụ, virus cúm A biến đổi kháng nguyên liên tục, SARS-CoV-2 cũng phát triển các biến thể dễ lây lan, cản trở nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Mối đe dọa toàn cầu từ những chủng virus lạ- Ảnh 1.

Dịch cúm gia cầm H5N1 diễn biến phức tạp tại nhiều châu lục từ đầu năm 2025 – (Ảnh: AP)

Từ cuối năm 2024, thế giới đang tiếp tục phải đối mặt với sự gia tăng nhiều ca bệnh liên quan đến virus gây viêm phổi ở người HMPV, virus cúm gia cầm H5N1, đậu mùa khỉ (mpox), norovirus… Đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm H5N1 vẫn tiếp tục lan rộng và tăng mức nguy hiểm trong cộng đồng tại nhiều quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Tại Trung Quốc, các trường hợp nhiễm virus HMPV bất ngờ gia tăng hồi tháng 1, còn Ấn Độ ghi nhận 3 trường hợp đầu tiên có kết quả dương tính với HMPV. Trong khi đó, theo dữ liệu mới nhất của CDC Mỹ, norovirus – một loại virus không lây qua đường hô hấp, ghi nhận có số lượng cao nhất hồi cuối năm 2024 kể từ khi được ghi nhận trong hơn một thập kỷ qua.

Đáng lưu ý hơn cả là dịch cúm mùa đã diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và Mỹ, với số ca nhiễm cùng ca tử vong gia tăng nhanh chóng hồi đầu năm nay. Riêng Mỹ đã trải qua mùa cúm được các chuyên gia đánh giá là bất thường, tỷ lệ nhập viện vượt thời đại dịch COVID-19, khiến nhiều cơ sở y tế quá tải do phải điều trị nhiều bệnh nhân nặng. Theo CDC Hoa Kỳ, kể từ ngày 23/1 đến ngày 1/2/2025, cứ 100.000 người Mỹ có 14,4 người nhập viện do cúm, cao hơn tỷ lệ nhập viện do COVID-19 trong đỉnh điểm làn sóng virus Delta vào tháng 9/2021.

Sự gia tăng xuất hiện của norovirus là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh nhiễm trùng từ thực phẩm ở Mỹ, chiếm gần 58% các ca bệnh hàng năm. CDC Mỹ đã báo cáo có 91 đợt bùng phát trong tuần đầu tháng 12/2024, tăng so với mức trung bình là 65 đợt trong cùng kỳ từ năm 2012-2020. Căn bệnh này gây ra trung bình khoảng 900 ca tử vong mỗi năm, chủ yếu là ở người lớn tuổi, cùng với đó là 109.000 ca nhập viện và 19-21 triệu ca mắc bệnh mỗi năm ở Mỹ. Các triệu chứng mắc bệnh thường ghi nhận trong thời gian ngắn nhưng rất dữ dội. Người nhiễm bệnh thường cảm thấy khó chịu trong vòng 24 đến 48 giờ, bắt đầu bằng triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, sau đó là tiêu chảy… Hầu hết người bệnh đều hồi phục trong vòng từ 1-3 ngày, ngoại trừ những người già, người suy giảm hệ miễn dịch và một số trẻ em. Trong đó, mất nước là vấn đề đáng quan tâm khi mắc bệnh tại các nhóm bệnh nhân có sức đề kháng yếu.

Mối đe dọa toàn cầu từ những chủng virus lạ- Ảnh 2.

Virus HMPV bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 1/2025 – (Ảnh: AFP)

Các loại virus trên đang gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm, mặc dù hầu hết các ca nhiễm được đánh giá là không quá nghiêm trọng, nhưng đã làm tăng thêm sự bất ổn về sức khỏe cộng đồng. Bác sĩ Jatin Vyas là Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Đại học Columbia (Hoa Kỳ) cho biết: “Việc gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp vào những tháng mùa Đông không phải là bất thường. Năm nay cũng không ngoại lệ”. Ông cũng trấn an mọi người không cần quá lo lắng với những loại virus gây bệnh trên, trừ những người có tiền sử về bệnh hô hấp – có nguy cơ biến chứng cao hơn. Về norovirus, Bác sĩ Jatin Vyas cho biết, tuy không phải là virus đường hô hấp, nhưng số ca nhiễm liên quan thường được ghi nhận nhiều nhất vào giai đoạn mùa Đông và đầu mùa Xuân.

Với các báo cáo hồi đầu năm về virus HMPV tại Trung Quốc và một số nước, nhiều người bày tỏ sự lo ngại đối với chủng virus này vì hiện tại vẫn chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị khả thi. Các triệu chứng của HMPV bao gồm ho, sốt và sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi hoặc viêm phế quản ở những trường hợp dễ bị mắc bệnh như trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc cho biết: “Đúng như dự đoán, vào thời điểm này trong năm (mùa Đông ở Bắc bán cầu), các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, bao gồm cúm theo mùa, RSV và virus gây viêm phổi ở người (HMPV) sẽ gia tăng theo từng tháng”.

Chủ động phòng dịch và ứng phó khẩn cấp

Sự biến thế của các loại virus gây bệnh thường gây ra nhiều khó khăn trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị, bởi vẫn còn thiếu thông tin và phương pháp điều trị hiệu quả. Trong khi dịch bệnh tái nổi là những căn bệnh đã từng xuất hiện nhưng đã được kiểm soát hoặc giảm sút, sau đó lại tái phát mạnh mẽ, gây ra nhiều ca bệnh và tử vong. Nguyên nhân của sự tái phát có thể liên quan đến các yếu tố như sự thay đổi trong điều kiện sống, sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn hoặc virus mới, hay sự kháng thuốc của vi sinh vật.

Đặc điểm của dịch bệnh mới nổi là sự bất ngờ. Hệ thống y tế toàn cầu thường không kịp thời chuẩn bị và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, dẫn đến thiếu hụt về cơ sở vật chất, thuốc men, nhân lực và nguồn lực. Điều này khiến cho công tác kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Với sự di chuyển dễ dàng của con người và hàng hóa, dịch bệnh có thể lây lan từ khu vực này sang khu vực khác trong thời gian ngắn. Điều này tạo ra những thách thức lớn trong công tác kiểm soát dịch.

Mối đe dọa toàn cầu từ những chủng virus lạ- Ảnh 3.

Theo các chuyên gia, tiêm phòng vẫn là phương pháp phòng ngừa hiệu quả đối với một số bệnh – (Ảnh: Flickr)

Đáng lưu ý, các chủng virus và vi khuẩn mới nổi hoặc tái phát có thể phát triển khả năng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị truyền thống. Điều này đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Dịch bệnh không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế – xã hội. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại làm giảm sản lượng kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp và kéo theo khủng hoảng tinh thần cho người dân. Ngoài ra, các hệ thống chăm sóc sức khỏe phải đối mặt với áp lực lớn trong việc điều trị và ứng phó với số lượng bệnh nhân gia tăng. Một số dịch bệnh có thể để lại di chứng lâu dài cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ví dụ, sau khi phục hồi từ COVID-19, nhiều bệnh nhân vẫn gặp phải các vấn đề về sức khỏe như khó thở, mệt mỏi kéo dài và các bệnh lý liên quan đến thần kinh.

Trong khi một số người lo ngại về việc xảy ra một đại dịch khác sau cuộc khủng hoảng COVID-19 thì các bác sĩ cho rằng khả năng như vậy là không cao, tuy nhiên, vẫn cần phải tăng cường nâng cao cảnh giác để kịp thời phát hiện các điều kiện thay đổi có rủi ro lên quan.

Các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu việc nhiễm bệnh và lây lan virus gây bệnh trong cộng đồng bao gồm tiêm vaccine, rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước, khử trùng bên ngoài cơ thể và có thể ở nhà nếu cảm thấy không được khỏe.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật