Trong tương lai rất gần, Liên minh châu Âu (EU) phải khẩn trương giải quyết tình trạng thiếu nước và tìm ra những cách mới để tài trợ cho việc sửa chữa các đường ống bị rò rỉ.
Nếu không nhanh chóng thực hiện những bước đi cần thiết, cuộc khủng hoảng nước sẽ trở thành mối đe dọa đối với lục địa này. Ủy viên Môi trường của khối – bà Jessica Roswall đã nói về điều này trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times (FT).
Quan chức này cho biết, sự tập trung không ngừng của EU vào an ninh năng lượng đã làm tổn hại đến những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nước, được cho là sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp và người dân trong khối.
“Chúng ta đã nói quá ít về nước mà chỉ tập trung vào hiệu quả sử dụng năng lượng. Tất nhiên điều này rất quan trọng, nhưng nước cũng là điều thiết yếu, trong khi chúng tôi không có đủ nước ở châu Âu”.
Bây giờ nhiều doanh nghiệp đã nhận ra sự nguy hiểm, nhất là khi có hạn hán, khi đó các nhà máy điện hạt nhân thực sự phải ngừng hoạt động, phương tiện vận tải trên sông lớn không thể đi nổi, thậm chí cả sà lan. Bà Roswall nói thêm rằng đây là một vấn đề khẩn cấp.
Ủy viên Châu Âu chắc chắn rằng tình trạng thiếu nước có thể nguy hiểm và tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng năng lượng. Hầu như không có thời gian để phản ứng, đặc biệt là khi Brussels vẫn tập trung vào nhiên liệu.
Theo nghiên cứu lớn nhất cho đến nay về tình trạng tài nguyên nước ở EU do Cơ quan Môi trường châu Âu công bố, tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến 20% lãnh thổ EU và gần 1/3 dân số của khối mỗi năm.
Tổ chức Khí tượng Thế giới và EU cũng chứng kiến sự “gia tăng đáng kể” về số lượng và mức độ nghiêm trọng của hạn hán, với diện tích và số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước tăng gần 20% từ năm 1976 đến năm 2006.
Đặc biệt, nông dân đã chứng kiến sản lượng của họ giảm mạnh, nhưng tình trạng thiếu nước cũng sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như dệt may và sản xuất hydro – vốn cần nước cho quá trình điện phân.
Bất chấp những lo ngại về áp lực ngày càng tăng đối với ngành công nghiệp và nông nghiệp, vẫn chưa có nhiều biện pháp được thực hiện để cải thiện các đường ống bị rò rỉ.
Theo Ủy ban Châu Âu, gần 25% lượng nước đã qua xử lý bị thất thoát trong quá trình phân phối. Tài nguyên không được tái tạo và các dòng sông ngày càng cạn kiệt, thậm chí là những con sông sâu nhất đang gây ra mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng.