Từ thời cổ đại, người Etruscan và La Mã đã biết tận dụng nhiệt từ lòng đất để tắm và để sưởi ấm. Ngày nay, địa nhiệt là một nguồn năng lượng sạch và bền vững, đóng vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới trung hoà carbon.
Tại Iceland, nguồn địa nhiệt nằm ngay dưới bề mặt đất, dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, ở một số khu vực khác như tại Vienna của Áo, trữ lượng này nằm sâu hàng nghìn mét dưới lòng đất, đòi hỏi công nghệ khai thác phức tạp hơn.
Tại lưu vực Vienna, các mạch nước nóng nằm trong tầng địa chất Aderklaa Conglomerate. Đây là một lớp đá hình thành cách đây 20 triệu năm. Hồ chứa nước nóng nằm ở độ sâu hơn 3.000 mét, gấp 100 lần vị trí ga tàu điện ngầm sâu nhất Vienna.
Giám đốc dự án địa nhiệt Bernhard Novotny tại Tập đoàn năng lượng OMV cho biết: “Bể nhiệt khổng lồ này trải rộng đến hàng trăm km vuông và có nhiệt độ trên 100°C ở một số khu vực. Nó có tiềm năng cung cấp nhiệt trung hòa carbon cho nhiều khu vực lớn của Vienna”.

Giám đốc dự án địa nhiệt Bernhard Novotny tại Tập đoàn năng lượng OMV.
Ông cho biết thêm: “Với trữ lượng khổng lồ và nhiệt độ ổn định, bể nhiệt này có thể được khai thác trong nhiều thập kỷ mà không bị cạn kiệt nguồn năng lượng tự nhiên. Đây là một giải pháp bền vững, không chỉ giúp Vienna giảm lượng khí thải CO2 mà còn đảm bảo nguồn cung năng lượng độc lập và ít biến động hơn so với các nhiên liệu hóa thạch”.
“Kho báu” địa nhiệt khổng lồ này được phát hiện thông qua dự án nghiên cứu ‘GeoTief Wien’, do Wien Energie đứng đầu với sự hỗ trợ của OMV. Trong giai đoạn từ 2016 đến 2022, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu toàn diện về tiềm năng địa nhiệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc khai thác năng lượng từ độ sâu này đòi hỏi cơ sở hạ tầng và chuyên môn kỹ thuật cao.
Wien Energie hiện vận hành một trong những mạng lưới sưởi ấm đô thị lớn nhất châu Âu, cung cấp nhiệt cho khoảng 440.000 hộ gia đình và 7.800 khách hàng thương mại.
“Chúng tôi đặt mục tiêu trung hòa CO2 vào năm 2040, và năng lượng địa nhiệt sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này”, Giám đốc dự án địa nhiệt sâu Peter Keglovic tại Wien Energie cho biết.
Việc khoan sâu xuống lòng đất đặt ra nhiều thách thức về công nghệ, tuy nhiên quá trình khai thác năng lượng địa nhiệt về cơ bản khá đơn giản. Các giếng khoan được đào sâu xuống lòng đất để tiếp cận nguồn nước nóng. Nước nóng sau đó được bơm lên nhà máy địa nhiệt trên bề mặt.
Từ nhà máy, nhiệt lượng được truyền trực tiếp vào mạng lưới sưởi ấm đô thị. Sau khi nguội, nước được bơm trở lại lòng đất để tiếp tục được nung nóng tự nhiên bởi năng lượng địa nhiệt của Trái đất.

Mô phỏng quá trình khai thác năng lượng địa nhiệt.
Một trong những dự án đầu tiên của Wien Energie sẽ là nhà máy địa nhiệt Hydros Seestadt. Nhà máy dự kiến được xây dựng tại Aspern, phía đông bắc Vienna. Nhà máy này sẽ tạo ra tới 20 megawatt nhiệt mỗi năm từ năm 2027. Công suất này đủ để cung cấp nhiệt cho khoảng 20.000 hộ gia đình.
Chiến lược dài hạn hơn sẽ là xây dựng thêm nhiều nhà máy, với tổng công suất lên tới 200 megawatt, đủ để cung cấp năng lượng sạch cho 200.000 hộ gia đình.
Năng lượng địa nhiệt có nhiều lợi thế. Đây là nguồn năng lượng tái tạo, trung hòa carbon và vận hành theo chu trình khép kín, cung cấp nguồn nhiệt ổn định và giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là không thể vận chuyển xa.
Dù vậy, theo ông Novotny, lợi ích của năng lượng địa nhiệt vượt xa những hạn chế. Ông nói: “Đây là một nguồn tài nguyên cực kỳ quý giá, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon và nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng”.
Tham khảo OMV