
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố bảng thuế đối ứng tại Nhà Trắng ngày 2/4 (Ảnh: AFP)
Ngày 02/04, Tổng thống Trump công bố Sắc lệnh áp thuế 10% với toàn bộ hàng hoá từ tất cả các quốc gia, có hiệu lực từ ngày 05/04/2025. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng, hiệu lực từ ngày 09/04, đối với hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, loại trừ một số mặt hàng có tầm quan trọng với kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia bị đánh thuế cao nhất, ở mức 46%.
Theo chứng khoán Vietcombank (VCBS), mức thuế mới (bao gồm thuế 10% cho tất cả quốc gia, và thuế đối ứng với từng nước) cao hơn so với kỳ vọng và dự báo của đa số các thành viên thị trường. và khi sắc lệnh được công bố, thị trường đã phản ứng khá mạnh và tiêu cực trước thông tin này. Tuy nhiên, mức thuế này sẽ tiếp tục có sự thay đổi sau cuộc đàm phàn sắp tới. VCBS kỳ vọng Việt Nam với thế mạnh ngoại giao linh hoạt đã được chứng minh qua thời gian, diễn biến đàm phán được kỳ vọng có thể dần chuyển biến tích cực hơn.
Về ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ đối với lạm phát của Việt Nam, VCBS duy trì quan điểm lạm phát nằm trong mục tiêu và khả năng kiểm soát của Chính phủ, và là cơ sở và dự địa để Ngân hàng Nhà nước sử dụng hài hòa các công cụ điều hành.
Theo đó, nhóm phân tích cho rằng mặc dù cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang phục hồi tốt, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ đủ tạo sức ép lên lạm phát. Hơn nữa, Việt Nam luôn có khả năng tự chủ về lương thực, nguồn cung hàng hóa-dịch vụ thiết yếu luôn được đảm bảo. Đặc biệt, Chính phủ vẫn có trong tay một số công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá như đảm bảo lộ trình điều chỉnh giá của một số mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu. Áp lực lạm phát nếu có, có thể ghi nhận vào cuối năm và đầu năm, do mức nền thấp của năm trước đó.
Với tỷ giá, VCBS nhận định, trong bối cảnh các yếu tố bất định và chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan, tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn. Các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá, và cũng chưa có quyết định cuối cùng về mức thuế quan lên hàng hóa Việt Nam, lãi suất điều hành dự kiến sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, lãi suất huy động được đảm bảo ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa từng ngành nghề và doanh nghiệp, cũng như khẩu vị rủi ro giữa các NHTM. Hơn nữa, VCBS cũng kỳ vọng chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, hướng tới phát triển các yếu tố nội tại trong nước
Trong thời ngắn hạn, đặc biệt trong khoảng thời gian đợi các thông tin về quyết định thuế quan cuối cùng, VCBS đặc biệt lưu ý đến áp lực tăng lên tỷ giá có thể xuất hiện. Mặc dù vậy, nhóm phân tích vẫn kỳ vọng chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp, và hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, VCBS cũng lưu ý đến các yếu tố nội tại trong nước. Bên cạnh các động thái đang được đàm phàn và thương thảo, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung và củng có nội lực tăng trưởng trong nước, được kể đến như: đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ; tất cả hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững trong giai đoạn sắp tới.
Riêng với ngành ngân hàng, VCBS cho rằng các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập các doanh nghiệp liên quan giảm sút ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ cũng như nhu cầu tín dụng, tuy nhiên tác động không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ FDI chiếm khoảng 2%.
Theo đó, các ngân hàng có dư nợ xuất nhập khẩu, FDI lớn là nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV). Một số ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tiếp cận nhóm FDI như VPBank, Techcombank, MB cũng sẽ gặp những thách thức ngắn hạn trong việc mở rộng tín dụng mảng này.