Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây lại một lần nữa bày tỏ mong muốn mua Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới và là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch.
Ông Trump từng thúc đẩy ý tưởng này vào năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông. Tuy nhiên, cũng giống như 5 năm trước, câu trả lời từ phía Greenland vẫn là “không”.
Vẫn chưa rõ một thỏa thuận “mua bất động sản quy mô lớn” như vậy có khả thi hay không nhưng cách đây hơn 1 thế kỷ trở về trước những giao dịch như vậy không phải là điều bất thường.
Trước khi mua Alaska vào năm 1867, Mỹ đã mua lãnh thổ Louisiana từ Pháp với giá 15 triệu USD vào năm 1803. Thậm chí còn có một thương vụ liên quan đến Đan Mạch. Chính phủ ở Copenhagen đã bán vùng lãnh thổ ngày nay là Quần đảo Virgin của Mỹ vào năm 1917.
Việc ông Trump muốn mua Greenland khiến người ta nhớ lại câu chuyện nước Mỹ đã mua Alaska như thế nào từ Nga, thậm chí mua được một vùng lãnh thổ rộng lớn với “giá hời”.
“Thương vụ bất động sản giá hời”
Vào năm 1867, rất ít người Mỹ biết đến Alaska. Lý do đơn giản vì đó là một vùng đất xa xôi, không giáp bất cứ vùng lãnh thổ nào của Mỹ và nếu nhìn trên bản đồ, nó nằm cao hơn về phía Bắc so với phần lớn Canada.
Những người biết đến Alaska đều coi nơi này như một vùng lãnh nguyên cằn cỗi, một vùng đất hoang vu chẳng có gì.
Vì vậy, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là State Seward, thúc đẩy Tổng thống Andrew Johnson mua vùng đất băng giá này, ông đã bị nhiều người chỉ trích rằng tại sao lại phải lãng phí thời gian và tiền bạc vào đó, đặc biệt là trong thời điểm nước Mỹ đang gặp nhiều khó khăn?
Cuối những năm 1860, nước Mỹ bị chi phối bởi hậu quả của Nội chiến và việc mua Alaska không phải là một ưu tiên.
Các chính trị gia và nhà báo phản đối việc mua Alaska đã gọi đó là “Sự điên rồ của Seward” “Khu vườn gấu Bắc Cực của Johnson” hay “Vùng đất thần tiên của Nga” ngay từ khi các cuộc đàm phán đầu tiên bắt đầu.
Ngoại trưởng Seward bỏ ngoài tai mọi lời phản đối và tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận. Cuối cùng, ông đã đàm phán được mức giá 7,2 triệu USD (tương đương hơn 150 triệu USD ngày nay).
Chỉ với 7,2 triệu USD, Washington đã mua được một vùng đất rộng lớn, sau nay trở thành tiểu bang có diện tích lớn nhất nước Mỹ. Đó là cái giá quá rẻ khi xét đến số tiền mà Mỹ sẽ kiếm được từ vàng và dầu mỏ ở Alaska, chưa kể đến nguồn doanh thu từ du lịch ở tiểu bang “Biên giới cuối cùng”.
Ngoại trưởng William Seward về sau nay nhận được rất nhiều lời ca ngợi về vai trò của ông trong “thương vụ giá hời” mua lại Alaska. Dù vậy, ông không thể thúc đẩy thỏa thuận nếu không có sự ủng hộ của Tổng thống Johnson.
Thực tế, ông Seward cũng không phải là Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ thúc đẩy việc mua Alaska. Nhiều người tiền nhiệm của ông đã từng cân nhắc ý tưởng này. Một số thậm chí còn ngồi vào bàn đàm phán với những người đồng cấp Nga để thảo luận về các điều khoản cụ thể nhưng cuối cùng 2 bên không đạt được thỏa thuận nào.
Tại sao Nga muốn bán Alaska?
Có vẻ như Nga đã “hối tiếc” khi bán Alaska cho Mỹ. Vào năm 2024, người ta sẽ dễ dàng phán xét và chỉ trích quyết định bán một vùng đất rộng lớn với cái giá rẻ mạt đến thế. Tuy nhiên, lịch sử và chính trị lại không đơn giản như vậy. Thời điểm đó, Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc bán Alaska.
Mặc dù chỉ cách điểm cực Đông lãnh thổ Nga vài chục km qua eo biển Bering, nhưng Alaska lại cách Moscow hơn 6.440 km. Rất khó để quản lý nơi này.
Một lý do khác, rất lạ lùng, khiến Nga muốn bán Alaska, là rái cá.
Giữa thế kỷ 19 là thời kỳ “bùng nổ” của ngành buôn bán lông rái cá biển trên thị trường quốc tế. Cho đến thời điểm này, Nga đã khai thác rái cá ở Alaska hơn 1 thế kỷ (người Nga đến Alaska vào năm 1732 và chính thức tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ này vào năm 1821).
Đến những năm 1850, rái cá biển bị săn bắt quá nhiều đến mức gần tuyệt chủng. Nếu như không còn rái cá thì chẳng còn lý do gì để ở lại Alaska.
Alaska ngày càng trở nên không còn giá trị với Nga sau thất bại của họ trước Anh, Pháp và Ottoman trong Chiến tranh của Crimea. Cũng giống như bất kỳ bên nào thất bại trong chiến tranh, lúc này Nga cần tiền. Cách nhanh chóng nhất để có tiền là bán bớt tài sản.
Nga lúc này muốn bán vùng đất của mình cho một quốc gia tương đối non trẻ là Mỹ và chưa có bất kỳ vấn đề hay mối đe dọa lớn nào.
Nếu Nga chỉ đơn giản là bỏ hoang Alaska, rất có khả năng Anh – một đối thủ của Nga lúc bấy giờ – sẽ can thiệp và chiếm đóng vùng đất đó. Đó là kịch bản mà Nga không mong muốn và cũng chính là lý do thúc đẩy Mỹ đồng ý mua đất.
“Người Mỹ cũng lo ngại rằng Anh có thể tìm cách chiếm vùng lãnh thổ này, trong khi việc mua lại Alaska sẽ giúp Mỹ trở thành một cường quốc Thái Bình Dương”, ông William L. Iggiagruk Hensley bình luận trên Tạp chí Smithsonian năm 2017.
Sau một phiên đàm phán căng thẳng kéo dài suốt đêm, cuối cùng đại diện của cả hai nước đã đồng ý về một thỏa thuận. Họ bắt tay nhau và ký kết hợp đồng vào lúc 4h sáng ngày 30/3/1867.
Lễ chuyển giao chính thức diễn ra 6 tháng sau đó tại khu định cư Sitka của Alaska. Cờ Nga được hạ xuống và cờ Mỹ được kéo lên.
Trong suốt quá trình đàm phán, không có bất cứ người bản địa nào ở Alaska, cho dù là người Inuit, Yupik, Aleut, Athabaskan, Tlingit hay người Haida, được hỏi ý kiến.
Alaska bắt đầu mang lại lợi nhuận cho Mỹ trong Cơn sốt vàng Klondike từ năm 1896-1899. Cơn sốt đó đã đưa số lượng lớn cư dân tới Alaska, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, phải đến năm 1959, Alaska mới chính thức trở thành một tiểu bang của Mỹ, khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký thông qua Đạo luật Tiểu bang Alaska.