-
Việc loại bỏ quy tắc “de minimis” có thể đe dọa các nhà xuất khẩu Trung Quốc;
-
Chính quyền địa phương đã hỗ trợ mạnh mẽ các công ty này;
-
Một số doanh nghiệp đang xem xét phương thức kinh doanh mới.
Trong một khu công nghiệp đang được xây dựng với sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc giữa một cộng đồng nông nghiệp rộng lớn, chủ nhà máy Lei Congrui đang chỉnh lại chiếc chuông vàng nhỏ treo trên vòng cổ của một ma-nơ-canh mặc đồ lót màu trắng hồng.
Phòng trưng bày “đồ lót gợi cảm” như cách Lei gọi là một trong số ít phòng trưng bày đã khai trương tại Khu công nghiệp WeMet, có tên tiếng Trung được dịch là ” Victoria’s Secret Town”, mặc dù không có liên kết chính thức với thương hiệu đồ lót nổi tiếng của Mỹ.
Tăng trưởng và suy giảm đều do quy định “de minimis”
Hãng tin Reutes (Anh) gần đây đưa tin, sự phát triển của ngành công nghiệp đồ lót ở phía đông huyện Quán Vân, cách thành phố Nam Kinh 290 km, đã bùng nổ một phần do quy định miễn trừ “de minimis” của Mỹ. Nhưng quy định này có khả năng sẽ sớm bị cắt giảm hoặc hủy bỏ.
Quy định miễn trừ “de minimis” là một phần của Luật Thương mại Mỹ từ năm 1930, nhằm tạo điều kiện cho các du khách cá nhân. Ngưỡng miễn trừ thuế được nâng từ 200 USD lên 800 USD vào năm 2015 để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm những người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Quy định này đã thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Temu, cũng như các nhà sản xuất như Lei bán hàng thông qua các nền tảng đó; đồng thời cũng bị tội phạm khai thác, chẳng hạn như buôn bán fentanyl.
Hồi tháng 9, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố rằng họ đang thực hiện các bước để xóa bỏ quy định miễn trừ “de minimis” đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm hầu hết các sản phẩm quần áo.
Bên cạnh đó, tuyên bố mới đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc sẽ áp mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc ngay khi ông nhậm chức, cũng đe dọa lợi nhuận đầu tư và sinh kế ở huyện nông nghiệp Quán Vân – nơi sinh sống của khoảng 1 triệu người.
Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia khác đang xem xét các hạn chế tương tự.
Các biện pháp hạn chế tối thiểu và thuế quan cao hơn “sẽ có tác động tương đối lớn đến chúng tôi”, chủ nhà máy Lei cho biết. Nhà máy sản xuất đồ lót Midnight Charm Garment của anh phục vụ những khách hàng trên nền tảng Shein và phụ thuộc vào thị trường Mỹ để có 70% doanh thu.
Công ty tài chính toàn cầu Nomura ước tính Trung Quốc xuất khẩu 240 tỷ USD hàng hóa được hưởng lợi từ quy định miễn trừ “de minimis” trong năm 2024, chiếm 7% doanh số bán hàng ở nước ngoài và đóng góp 1,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Nomura cũng dự báo rằng việc Mỹ bãi bỏ quy định trên sẽ làm giảm 1,3% tăng trưởng xuất khẩu và 0,2% tăng trưởng GDP của Trung Quốc; và số liệu sẽ xấu đi đáng kể nếu Châu Âu và Đông Nam Á cũng bãi bỏ quy định miễn trừ.
Ting Lu – nhà kinh tế trưởng của Nomura tại Trung Quốc – dự đoán rằng “những người lao động phổ thông trong những nhà máy nhỏ sản xuất các sản phẩm không có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất”, đồng thời nói thêm rằng ngành may mặc cũng nằm trong số đó.
Bộ Thương mại Trung Quốc và chính quyền huyện Quán Vân, cũng như Shein và PDD Holdings (công ty mẹ của Temu), đã không trả lời đề nghị bình luận từ Reuters.
Bộ Thương mại Trung Quốc từng cho biết vào tháng 11 rằng việc áp thuế “tùy tiện” “sẽ không giải quyết được các vấn đề của riêng nước Mỹ” về ma túy và kinh tế.
Tìm kiếm cơ hội ở thị trường khác
Lei Congrui bắt đầu kinh doanh vào năm 2006 khi còn là học sinh trung học, với sự giúp đỡ của người thân trong một nhà xưởng tồi tàn ở huyện Quán Vân. Năm 2014, anh bắt đầu bán hàng ra nước ngoài để né tránh cuộc chiến giá cả trên thị trường Trung Quốc.
Một năm sau, Mỹ đã tăng gấp bốn lần ngưỡng “de minimis” từ 200 USD lên 800 USD. Hàng xuất khẩu của Lei đã tăng gần gấp đôi mỗi năm kể từ đó. Anh cho biết tổng doanh thu trong năm ngoái là hơn 1,3 triệu USD.
Lei nói rằng nhiều bạn bè, người thân và hàng xóm của anh đã mở các doanh nghiệp tương tự. Anh cho biết hiện có khoảng 1.400 công ty sản xuất đồ lót gợi cảm tại Quán Vân, sử dụng 100.000 lao động.
Reuters nhận định, thống kê của Lei tương đương với những con số mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
“Nếu bạn bước vào bất kỳ khu phố nào quanh đây và hô to: ‘Có ai làm đồ lót gợi cảm không?’, sẽ có ít nhất hai cái đầu thò ra ở hầu hết mọi tòa nhà”, Lei nói.
Chính quyền địa phương ở Quán Vân ban đầu thận trọng vì các hướng dẫn của nhà chức trách nhằm ngăn chặn những sản phẩm và nội dung “thô tục”. Nhưng cuối cùng ngành công nghiệp này đã được chấp nhận và được hỗ trợ bằng các nguồn lực của nhà nước.
“Chính quyền huyện ủng hộ ngành công nghiệp đồ lót gợi cảm của chúng tôi rất mạnh mẽ”, Lei nói. “Họ đã đầu tư vào đất công nghiệp, tổ chức đào tạo khởi nghiệp và một số công ty nhận được hỗ trợ tài chính.”
Tuy nhiên, Lei cho biết thuế quan và hạn chế thương mại điện tử sẽ buộc anh phải chấp nhận doanh số thấp hơn và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
Lei đang cân nhắc đầu tư vào các kho hàng tại Mỹ và chuyển sang mô hình vận chuyển hàng rời thay vì vận chuyển trực tiếp đến tay khách hàng bằng đường hàng không để giảm chi phí. Anh cũng đang tìm kiếm khách hàng mới ở Nam Mỹ, Trung Đông và Trung Á, nơi khách hàng cũng có thể tìm thấy sản phẩm của Lei trên các nền tảng thương mại điện tử.
Xu Yan – người sáng lập hãng sản xuất đồ lót Gummy Park – chỉ bán 1/3 sản lượng hàng của mình ở nước ngoài và tin tưởng rằng sự tăng trưởng ở các thị trường khác sẽ bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm nào về doanh số tại Mỹ.
“Mỹ chỉ là một quốc gia. Thế giới có hơn 8 tỷ người”, Xu nói.