spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNga soạn thảo luật mới để tịch thu tài sản của phương...

Nga soạn thảo luật mới để tịch thu tài sản của phương Tây

Chính quyền Nga đang soạn thảo một dự luật mới cho phép tịch thu tài sản thuộc về các quốc gia phương Tây, những nước đã tịch thu bất hợp pháp tài sản và tiền của Moscow.

Báo Izvestia đưa tin vào ngày 21/1, trích dẫn các tài liệu do Ủy ban lập pháp thuộc Chính phủ Nga chuẩn bị.

Dự thảo luật nêu rõ thủ tục pháp lý và nhấn mạnh rằng tài sản nước ngoài bị tịch thu sẽ được chuyển giao cho nhà nước Nga sau phán quyết của tòa trọng tài. Danh sách tài sản và tiền bị tịch thu sẽ do Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Nga biên soạn.

Vào tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh làm cơ sở cho việc tịch thu tài sản của các công ty và cá nhân Mỹ nhằm bồi thường cho bất kỳ tài sản nào của Nga bị Washington tịch thu.

Nếu được thông qua, dự luật với phạm vi rộng hơn sẽ nhắm vào các quốc gia phương Tây “không thân thiện” và các cá nhân liên quan, cho phép Moscow tịch thu tài sản để bồi thường thiệt hại tài chính mà Nga phải gánh chịu do việc tịch thu bất hợp pháp tiền và tài sản của nước này. Theo báo cáo, chính quyền Nga sẽ xem xét dự thảo luật sớm nhất là vào tuần tới.

Nga soạn thảo luật mới để tịch thu tài sản của phương Tây- Ảnh 1.

Duma Quốc gia Nga (Ảnh: duma.gov.ru / The Moscow Times)

Báo Vedomosti cho biết dự luật này do Bộ Tư pháp Nga soạn thảo và được đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban lập pháp thuộc Chính phủ Nga vào ngày 20/1. Còn báo Izvestia lưu ý rằng tài liệu này đã được các cơ quan có thẩm quyền liên quan chấp thuận – bao gồm Ngân hàng trung ương Nga, các Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế và Bộ Ngoại giao Nga.

Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của Nga – được nắm giữ tại Euroclear có trụ sở tại Brussels (Bỉ) – kể từ khi xung đột Nga – Ukraine leo thang vào năm 2022. Kiev liên tục thúc giục những nước ủng hộ phương Tây của mình tịch thu tài sản có chủ quyền của Nga và sử dụng chúng để trang trải chi phí quân sự và tái thiết của Ukraine.

Chính quyền Mỹ do Tổng thống vào thời điểm đó Joe Biden đứng đầu đã ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu đã bác bỏ ý tưởng trên do lo ngại ngày càng tăng về tính bất hợp pháp của động thái này, cho rằng nó có thể giáng một đòn mạnh vào hệ thống tài chính phương Tây và uy tín của đồng Euro.

Các đồng minh phương Tây hiện đang có kế hoạch áp thuế bất ngờ đối với lợi nhuận thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga và dùng số tiền thu được trực tiếp để mua vũ khí cho Ukraine hoặc thế chấp để vay vốn, sau đó sẽ sử dụng để củng cố quân đội của Kiev.

Điện Kremlin đã nhiều lần lên án việc đóng băng tài sản của Nga là “hành vi trộm cắp”, đồng thời lập luận rằng việc khai thác các khoản tiền này là bất hợp pháp và tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo rằng Moscow sẽ có hành động pháp lý chống lại những nước, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc tịch thu tài sản Nga.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật