Những đòn tấn công dồn dập của Nga trước và sau bầu cử Mỹ
Ngay trước ngày bầu cử Mỹ 5/11/2024, Nga đã đẩy mạnh tấn công Ukraine , được cho là nhằm thúc đẩy các cử tri theo chủ nghĩa biệt lập ủng hộ ứng cử viên Donald Trump. Khi ông Trump đã đắc cử, Nga lại áp dụng cách tiếp cận này ngay trước lễ nhậm chức của ông Trump (20/1/2025).
Cả Bộ Quốc phòng Anh và quân đội Ukraine đều ghi nhận số thương vong của Nga gia tăng mạnh vào tháng nhạy cảm 11/2024. Xu hướng thương vong này tăng dần qua tháng 9, tháng 10 rồi tăng đột biến vào tháng 11 của năm nay.
Tương ứng với giai đoạn trên, các cuộc tấn công trên bộ của Nga gia tăng mạnh và đều đặn. Thành quả lãnh thổ mà Nga giành được cũng tăng lên theo. Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở tại Washingtin) ước tính Nga chiếm thêm được trung bình 22km2 mỗi ngày trong tháng 10/2024 và thêm 27km2 mỗi ngày trong tháng 11/2024.
ISW tổng kết: “Các lực lượng Nga hứng chịu hàng trăm ngàn thương vong trong giai đoạn giao chiến ác liệt từ tháng 9-11/2024 để giành lấy 2.356km2 lãnh thổ ”.
Ngoài tấn công trên bộ, Nga cũng tăng cường tập kích đường không.
Victoria Vdovychenko – giám đốc chương trình tại Trung tâm Chiến lược quốc phòng Ukraine, đồng thời là nghiên cứu viên tại Trung tâm Địa chính trị của Đại học Cambridge (Anh), cho biết: ‘Từ tháng 9-11/2024, đối phương sử dụng trên 6.000 UAV và tên lửa để không kích Ukraine. Con số này gấp 3 lần mức của giai đoạn từ tháng 6-8/2024, và gấp 4 lần mức từ tháng 9-11/2023”.
Bên cạnh đó, bà Vdovychenko cũng cho biết, trước và sau bầu cử Mỹ 2024, phía Nga cũng đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền nhằm tác động vào dư luận Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Nga nhận thêm sự hỗ trợ từ các binh sĩ Triều Tiên có mặt trên đất Nga nói chung và tại tỉnh Kursk nói riêng.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Biden gỡ rào tên lửa tầm xa cho Ukraine, phía Nga liền đáp trả bằng một cú phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik vào lãnh thổ Ukraine (21/11). Phía Nga đang tạo ấn tượng rằng chính Washington khiêu khích Moscow, cố tình kéo dài xung đột Ukraine.
Gian nan chặng đường tới hòa bình giữa Ukraine và Nga
Cựu sĩ quan hải quân Mỹ Demetries Andrew Grimes nhận định: Thực tế ông Trump đắc cử cho thấy nhân dân Mỹ khát khao hòa bình và mong muốn chấm dứt việc Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Chuyên gia Vdovychenko cho rằng chủ đề đàm phán gia tăng sau bầu cử Mỹ nhưng Nga chưa bộc lộ dấu hiệu họ sẵn sàng đàm phán, họ vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ một thứ nào đó.
Hồi tháng 6/2024, Tổng thống Nga Putin vạch ra điều kiện hòa đàm: “Quân Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi các nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk cũng như các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia”.
Ông Putin nói: “Ngay khi Kiev tuyên bố họ sẵn sàng đưa ra quyết định này, đồng thời thông báo chính thức rằng họ từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, phía chúng tôi sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn và khởi động đàm phán”.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky đã vạch ra một “kế hoạch chiến thắng” bao gồm cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và cho phép nước này gia nhập NATO ngay lập tức để bảo đảm an ninh cho Ukraine.
Hồi tháng 11, khi trả lời phỏng vấn của Sky News, ông Zelensky dường như chấp nhận thỏa hiệp khi ông chỉ tìm kiếm tư cách thành viên NATO cho những khu vực mà Ukraine hiện đang kiểm soát trên thực địa và ông sẽ tìm cách xử lý vấn đề những lãnh thổ của Ukraine đang do nước ngoài chiếm đóng. Thế nhưng NATO có vẻ cũng hờ hững với ý tưởng này của ông Zelensky.
Trong khi đó, một cuộc điều tra dư luận do Trung tâm châu Âu mới (trụ sở ở Kiev) thực hiện vào tháng 12 này cho thấy, hầu hết người Ukraine lựa chọn tiếp tục chiến đấu với Nga.
Trung tâm nói trên cho biết, 64,1% người Ukraine tin rằng đàm phán với Nga là không đáng nếu Ukraine không nhận được những đảm bảo an ninh thực sự từ phương Tây.