spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNgân hàng chủ động “bơm vốn”

Ngân hàng chủ động “bơm vốn”

Nhằm đáp ứng tăng trưởng GDP 8% trong năm nay thì tăng trưởng tín dụng phải đạt khoảng 16% – mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sớm cấp hạn mức tín dụng (room) để các ngân hàng chủ động đẩy mạnh cho vay.

Nhộn nhịp cung ứng vốn

Theo NHNN, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09%, tín dụng tăng 15,08%, đạt quy mô 15,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% GDP. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần được cung ứng từ nhiều kênh nhưng trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu còn yếu nên trách nhiệm sẽ đặt nặng lên vai ngành ngân hàng trong năm nay. Do đó, NHNN có trách nhiệm đảm bảo nguồn vốn tín dụng hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.

Ngân hàng chủ động “bơm vốn”- Ảnh 1.

“Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khoảng 8%, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được đưa ra nền kinh tế (năm trước ở mức 2,1 triệu tỷ đồng). Việc điều hành chính sách tiền tệ có mục tiêu cao nhất là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng song song đó phải kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Nhờ được cấp hạn mức tín dụng từ sớm, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã xây dựng kế hoạch “bơm vốn” ngay từ đầu năm, thông qua các gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ cũng như giảm thiểu thủ tục, thậm chí chủ động triển khai các chương trình “may đo” riêng biệt cho doanh nghiệp.

Cụ thể, từ đầu năm, SeABank đưa ra gói vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng và 100 triệu USD cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với mức lãi suất ưu đãi từ 4%/năm cho khoản vay bằng USD và 5,2%/năm với khoản vay VND. VPBank cũng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay không cần tài sản bảo đảm, hạn mức đến 5 tỷ đồng, quy trình giản lược thông qua kênh online với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm… Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cũng thông tin, với room tín dụng được giao khoảng 13% trong năm nay, dự kiến Agribank có thể đưa thêm khoảng 200.000 tỷ đồng ra nền kinh tế.

Tại TPHCM, NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, đến nay đã có 18 NHTM trên địa bàn đăng ký gói tín dụng tham gia Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2025 với tổng số tiền gần 200.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi. Tăng trưởng tín dụng trong tháng 1-2025 đã ghi nhận mức tăng 0,04%, trong khi cùng kỳ các năm trước tăng trưởng tín dụng tháng 1 thường ở mức âm.

Ưu tiên cho sản xuất kinh doanh

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, các NHTM đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB, cho hay, MB sẽ dành ít nhất 50% hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phần còn lại tập trung vào doanh nghiệp lớn.

Ông Phạm Toàn Vượng cũng định hướng, ngoài chủ thể chính là nông nghiệp, nông thôn, nông dân chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ, Agribank sẽ đẩy mạnh tín dụng vào các dự án trọng điểm về sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt; các dự án năng lượng tái tạo. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank, bật mí, trong năm nay, TPBank sẽ tham gia nhiều dự án đường cao tốc, trong đó vừa ký hợp đồng tín dụng 2.400 tỷ đồng cho dự án BOT tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng và sẽ giải ngân trong thời gian sớm nhất.

Ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, nói: “Hiện các cơ quan, ban ngành đã tập trung tháo gỡ các khó khăn cho thị trường, bao gồm lĩnh vực bất động sản. Do đó, ngoài tập trung đẩy mạnh tín dụng xanh, cho vay hộ kinh doanh cá thể, lĩnh vực thủy sản, Nam A Bank cũng sẵn sàng cho vay bất động sản”.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tiếp nối đà phục hồi năm 2024, các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng… được làm mới, kết hợp hiệu quả với các động lực tăng trưởng mới như khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn…

Do đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 hoàn toàn có thể đạt 8%. Chung nhận định, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM phân tích, để giải ngân được 2,5 triệu tỷ đồng trong năm 2025, cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều khả năng lãi suất sẽ vẫn đi ngang chứ khó giảm thêm, nhất là trong bối cảnh tỷ giá trong nước tăng mạnh nên việc thực thi chính sách tiền tệ cần thận trọng.

– Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN:

Tăng trưởng tín dụng sẽ hơn 16% nếu kiểm soát được lạm phát

Trong điều hành hạn mức tín dụng, NHNN đặt chỉ tiêu định hướng tăng trưởng 16% nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong ngưỡng cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng. Nếu các NHTM cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh thì càng được chủ động triển khai thêm.

NHNN sẽ kiểm soát cũng như bảo đảm tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tín dụng, nhất là tín dụng tập trung sản xuất kinh doanh, tiêu dùng để khai thác cầu nội địa. NHNN cũng yêu cầu các NHTM rà soát tiết giảm chi phí để cố gắng giảm lãi suất. Trong điều hành, NHNN sẽ có các kênh đưa tiền ra để đảm bảo các ngân hàng không phải gặp khó khăn trong nguồn vốn.

TS Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM:

Nếu vốn không vào sản xuất thì dễ bị bong bóng tài sản

Tăng trưởng tín dụng và GDP có mối quan hệ tương hỗ. Tuy nhiên, khi tăng trưởng tín dụng tăng cao, với một lượng tiền rất lớn được bơm ra nếu không chảy vào khu vực sản xuất thực thì sẽ tái lập tình trạng lạm phát, bong bóng tài sản và nợ xấu tăng cao… Điều này sẽ tạo tác động tiêu cực trong tương lai, làm GDP trong dài hạn tăng trưởng chậm lại.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật