Trong những năm gần đây, khi đánh giá về ngân hàng, yếu tố lợi nhuận không còn là tâm điểm được chú ý nhiều nhất. Tính “toàn diện” của ngân hàng được quan tâm hơn cả, bao gồm khả năng tạo ra lợi nhuận, nền tảng hoạt động an toàn và nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Dữ liệu của chúng tôi cũng cho thấy, không phải ngân hàng nào có quy mô lớn cũng sẽ có hiệu quả hoạt động top đầu. Và cũng không phải ngân hàng nào có khả năng sinh lãi cao cũng đảm bảo được chất lượng tài sản tốt.
Xét trên những chỉ số quan trọng ở một ngân hàng như Tổng tài sản, Vốn chủ sở hữu, tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), chất lượng tài sản (tỷ lệ nợ xấu, bao phủ nợ xấu), lợi nhuận: Hiện chỉ có 2 ngân hàng tư nhân lọt vào Top 10 ở tất cả các chỉ số này là Techcombank, ACB.
Techcombank là ngân hàng nổi trội hơn hẳn với vị trí Top 1 ở 8/10 chỉ số, cách biệt so với những nhà băng tư nhân còn lại trong hệ thống. Cũng trong năm 2024, Techcombank là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tốt nhất.
Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế Techcombank đạt hơn 22.800 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Nhà băng nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch 27.100 tỷ đồng cả năm 2024.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước thay đổi cơ chế phân bổ “room” tín dụng trong năm 2024, Techcombank là một trong những nhà băng tận dụng được cơ hội tăng trưởng tốt với tín dụng tăng tới 17,4% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với bình quân toàn ngành (9,11%).
Cũng phải nhắc đến chỉ mới đây thôi, trong năm 2022-2023, Techcombank là một trong những ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn do 3 “cơn bão” trên thị trường tài chính Việt Nam: Trái phiếu, Bảo hiểm, Cho vay Bất động sản. Đây đều là những mảng kinh doanh quan trọng của Techcombank. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 4/2024, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cũng thừa nhận, trong 2 năm đó, Techcombank gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực mà họ vốn rất mạnh. Tuy nhiên, cũng từ đó mà Techcombank đã chứng minh năng lực quản trị rủi ro của mình. Chẳng hạn ở mảng trái phiếu, Techcombank không để bất kỳ trái phiếu nào bị quá hạn lãi, gốc, đảm bảo an toàn cho khách hàng. Thực tế năm 2022 hay 2023, Techcombank đều đạt kế hoạch kinh doanh.
Hiện tại, Techcombank không chỉ là ngân hàng đứng đầu tại Việt Nam về tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) mà còn sở hữu sức khỏe tài chính dẫn đầu. Cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của Techcombank chỉ ở mức 1,35%, nằm trong nhóm thấp nhất. Đồng thời, Techcombank là một trong số ít ngân hàng cải thiện tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR), đạt 103%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của cải thiện lên mức 15,1% tại 30/09/2024, cao hơn nhiều so với yêu cầu của trụ cột I, Basel II (8,0%).
Nhận xét về Techcombank, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, chất lượng tài sản ngân hàng duy trì tương đối ổn định và có khả năng nợ xấu đã đạt đỉnh, tức sẽ có diễn biến tốt hơn trong thời gian tới. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 của ngân hàng đã giảm xuống còn hơn 400 tỷ đồng, chiếm 0,1% trong tổng tín dụng nên dự kiến sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nợ xấu khi Thông tư hết hạn cuối năm nay.
Trên thực tế, Techcombank thường xuyên được các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đặt câu hỏi về rủi ro tập trung khi có danh mục cho vay bất động sản đáng kể và các khoản tín dụng trong hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp. Nhưng trong thập kỷ qua, trong giai đoạn thuận lợi hay giai đoạn khó khăn thì Techcombank vẫn nằm trong nhóm những ngân hàng có các chỉ số đẹp về chất lượng tài sản, an toàn hoạt động. Ông Hồ Hùng Anh nhiều lần khẳng định rằng, chiến lược của Techcombank là “lợi nhuận cao, rủi ro thấp”, điều trái ngược với logic thông thường “high risk – high return (rủi ro cao – lợi nhuận cao)” trên thị trường tài chính. Lãnh đạo ngân hàng giải thích rằng, ngân hàng tập trung vào những khách hàng tốt nhất giúp vừa quản trị được rủi ro, vừa đạt được lợi nhuận ổn định.
Điều khiến Techcombank luôn nằm trong những ngân hàng được chú ý trên thị trường, ở cả góc độ khách hàng và nhà đầu tư là những chiến lược mới mẻ, khác biệt mà nhà băng này triển khai. Bằng nhiều cách khác nhau, khi cạnh tranh thị trường lên đến cao điểm, Techcombank vẫn có sáng kiến mới để tạo nên dư địa cho mình. Điển hình nhất là chiến lược về CASA.
Còn nhớ cuối năm 2016 khi khởi xướng “Zero Fee” – chương trình miễn phí giao dịch chuyển khoản, Techcombank bắt đầu mở màn cho làn sóng miễn phí dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam. Ở thời điểm mới triển khai, Techcombank đối mặt với sự suy giảm nguồn thu từ phí chuyển tiền, song thu hút được một lượng lớn tiền nhàn rỗi của khách hàng để vào tài khoản thanh toán. Lượng tiền gửi không kỳ hạn, với lãi suất rất thấp mang lại cho Techcombank lợi thế về chi phí vốn để duy trì biên lãi ròng cao vượt trội so với ngân hàng khác.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank đã có sự tăng trưởng không ngừng nghỉ và đạt đỉnh 50,5% trong năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên một ngân hàng tại Việt Nam đạt được mức này, điều mà những ngân hàng có lợi thế đặc thù như Vietcombank, MB cũng chưa từng chạm đến. Khi Techcombank đã đến rất gần với tham vọng CASA 55%, cú sốc với toàn ngành ngân hàng trong năm 2022 đã khiến CASA của Techcombank và nhiều ngân hàng khác cùng lao dốc mạnh. Trong vòng 4 quý, tỷ lệ CASA của Techcombank đã rớt từ 50,5% (quý 1/2022) xuống còn 32% (quý 1/2023).
Nguyên nhân đến từ việc thanh khoản toàn ngành rơi vào giai đoạn căng thẳng bởi “sự cố SCB”. Lãi suất huy động tăng vọt từ năm 2022 khiến khách hàng chuyển dịch tiền gửi không kỳ hạn sang tiền gửi có hạn để tối đa hóa lợi ích. Ngoài ra, cạnh tranh về CASA cũng bước vào giai đoạn gay gắt khi hầu hết các ngân hàng đều miễn hàng loạt phí dịch vụ trên ngân hàng số. Giao dịch ở Techcombank hay ngân hàng nào cũng đều như nhau nếu xét về mặt tiết kiệm chi phí giao dịch. Bởi vậy, khi lãi suất huy động giảm mạnh về mặt bằng thấp, CASA của Techcombank có sự phục hồi, song để quay về đỉnh cũ 50,5% là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, việc triển khai tính năng “Sinh lời tự động” đã mở ra một triển vọng mới cho vị thế dẫn đầu về vốn rẻ của Techcombank. Với tính năng này, số tiền trong tài khoản khách hàng sẽ được luân chuyển tự động và sinh lời theo ngày, với lãi suất quanh 3%/năm (tùy thuộc từng thời kỳ). Đây là lựa chọn hợp ý những khách hàng đang trong tình trạng băn khoăn nên gửi tiết kiệm có kỳ hạn, hay để trong tài khoản thanh toán phục vụ những nhu cầu tài chính đột xuất. Techcombank đặt nhiều kỳ vọng vào “Sinh lời tự động”, thậm chí đặt tính năng này là trung tâm để quảng bá khi tài trợ cho một trong những gameshow thành công nhất năm 2024, “Anh trai vượt ngàn chông gai”.
CASA là một trong những ví dụ cho thấy bằng những “sáng kiến” mới, Techcombank luôn tự tạo ra lợi thế và dư địa tăng trưởng ngay cả khi thị trường cạnh tranh gần như hoàn hảo. Được biết đến nay, tổng số dư tiền gửi “Sinh lời tự động” đã đạt khoảng 70.000 tỷ đồng với 2 triệu khách hàng kích hoạt sản phẩm. Điều này giúp Techcombank duy trì tỷ lệ CASA trên 40%, cao nhất hệ thống. Đó cũng là một trong những sản phẩm có tốc độ triển khai và hưởng ứng của khách hàng lớn nhất ở Techcombank.
Ngoài ra, Techcombank cũng đã tạo nên lợi thế rất khó bị sao chép trong chiến lược CASA là hệ sinh thái khách hàng, tiếp cận theo chuỗi giá trị từ nhà cung cấp, đến nhà sản xuất, nhà phân phối, rồi đến người tiêu dùng. Lợi thế hệ sinh thái này không chỉ giúp Techcombank duy trì CASA ổn định, mà còn có thể quản trị rủi ro thông qua việc hiểu rõ dòng tiền của khách hàng.
Thêm vào đó, việc đầu tư hàng trăm triệu USD cho công nghệ đã đưa Techcombank trở thành một trong những ngân hàng đi đầu về số hóa ở Việt Nam, hiện thực hóa mục tiêu “ngân hàng giao dịch chính” của khách hàng. Hiện tại Techcombank đã có gần 15 triệu khách hàng, quy mô giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử đạt tới 8,2 triệu tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
CASA không phải là câu chuyện duy nhất khi nói đến sự khác biệt của Techcombank. Nhà băng này đang sở hữu những lợi thế đặc biệt phù hợp với xu thế của ngành ngân hàng trong giai đoạn tới. Trong đó, mảng IB (Investment Banking – Ngân hàng đầu tư) dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Techcombank mạnh mẽ hơn trong những năm tới, đặc biệt trong việc gia tăng nguồn thu từ phí, hướng tới mục tiêu thu phí dịch vụ chiếm 30% trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
TCBS – Công ty con của Techcombank hiện tại là công ty chứng khoán có thị phần môi giới Top 3 trên sàn HoSE và Top 2 trên sàn HNX. Riêng mảng tư vấn trái phiếu, TCBS đứng đầu thị trường với thị phần đạt 44% trong 9 tháng đầu năm 2024. Công ty con này là mảnh ghép quan trọng để Techcombank đi trước thị trường trong mảng quản lý gia sản, đón đầu phân khúc giàu có – tầng lớp đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Tham vọng của TCBS cũng rất lớn, mục tiêu 5 triệu khách hàng trong năm 2025, lợi nhuận tới 5.000 tỷ đồng và vốn hóa 5 tỷ USD.
Cũng nằm trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu ngoài hoạt động tín dụng, Techcombank có một bước đi đáng chú ý ở mảng bảo hiểm. Từ tháng 10/2024, Techcombank và Manulife đã kết thúc hợp đồng hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm. Techcombank sẽ chi trả khoảng 1.800 tỷ đồng phí chấm dứt hợp đồng cho Manulife và số tiền này được dự kiến hạch toán trong quý 4/2024. Động thái diễn ra trong bối cảnh mảng Bancassurance toàn ngành đối mặt với hàng loạt bê bối, dẫn đến những quy định siết chặt hơn và rơi vào giai đoạn khó khăn kể từ cuối năm 2022 đến nay. Techcombank mặc dù đang là ngân hàng có thị phần lớn trên thị trường Banca, và cũng nằm trong số ít có sự phục hồi tích cực trong năm 2024 vẫn tự tin quyết định chọn hướng đi mới. Lãnh đạo ngân hàng này nói sẽ thay đổi cách tiếp cận trong mảng kinh doanh bảo hiểm, song cụ thể hơn chưa được tiết lộ.
Song song với đó, Techcombank góp vốn thành lập một công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Maybank Việt Nam cho rằng, Techcombank đang chủ động hơn trong khâu phát triển sản phẩm thay vì chỉ phân phối sau khi có thêm công ty bảo hiểm gia nhập vào hệ sinh thái.
Một chiến lược mới đáng chú ý khác của Techcombank là kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại thị trường phía Nam. Ông Jens Lottner, CEO Techcombank, cho biết logic đằng sau kế hoạch tập trung hơn vào thị trường miền Nam là bởi khu vực này hiện đóng góp tỷ trọng trong GDP lớn hơn miền Bắc. Ngoài ra, một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang chảy vào khu vực này.
Giải thích lý do trước đây Techcombank vẫn chưa “Nam tiến”, ông Lottner cho biết ngân hàng đã có “rất nhiều việc phải làm ở phía Bắc”. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng quy định về hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng hàng năm, khiến Techcombank phải cân đối lựa chọn phân bổ dòng vốn.
Tuy nhiên, ông Lottner cho biết một số yếu tố đã thay đổi, thúc đẩy Techcombank xem xét tăng cường hoạt động tại khu vực phía Nam. Trước hết, “ở một khía cạnh nào đó, room tín dụng đã được nới hơn trước. Trong năm nay, NHNN đã có quan điểm mới mẻ trong việc điều hành tín dụng”, CEO Techcombank cho hay.
Đồng thời, hiện đã có nhiều cách để tiếp cận khách hàng mà không cần phải xây dựng những cơ sở vật chất tốn kém. Với nền tảng kỹ thuật số và các công cụ tương tự, Techcombank có thể tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn nhiều.
Nói thêm về hạn mức tín dụng, Techcombank là một trong những ngân hàng được phân bổ “room” tăng trưởng cao nhất trong năm nay. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, tín dụng của nhà băng này đã đạt 17,4%. Trong đợt nới room gần đây, Techcombank cũng là nằm trong nhóm có triển vọng được nới thêm để phục vụ cho nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp dịp cuối năm.
Đáng chú ý, không riêng trong năm 2024, một số bên phân tích cho rằng, Techcombank có thể duy trì tăng trưởng tín dụng tương đối tích cực cho giai đoạn 2-3 năm tới. Theo KBSV, Techcombank có thể đạt tăng trưởng tín dụng 16-18% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2027.
Cơ sở cho dự đoán này đến từ việc thị trường bất động sản hồi phục tốt hơn sẽ thúc đẩy cho vay mua nhà – mảng kinh doanh lợi thế của Techcombank. Ngoài ra, Techcombank cũng đang đa dạng hóa danh mục cho vay sang các lĩnh vực khác như FMCG, Bán lẻ, Logistics,…Giải ngân cho các lĩnh vực này sẽ tốt lên nhờ kinh tế chung ổn định hơn.
Techcombank có những mục tiêu đầy tham vọng. Năm 2021, nhà băng này đã công bố khát vọng đến năm 2025: Vốn hóa đạt 20 tỷ USD, Tỷ lệ CASA 55%, Tỷ lệ thu nhập từ phí đạt 30%, Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 20%. Không còn là ngân hàng tư nhân dẫn đầu trong nước, Techcombank muốn một vị thế lớn ở trong khu vực, trở thành ngân hàng Top 10 khu vực Đông Nam Á.