19 C
Hanoi
spot_img
19 C
Hanoi
Trang chủTài ChínhNgân hàng đua nhau hút tiền gửi

Ngân hàng đua nhau hút tiền gửi

Lãi suất tiền gửi tiếp tục nhích lên khi các ngân hàng tranh thủ huy động vốn để đẩy tín dụng ra nền kinh tế từ đầu năm.

Ngày 14-1, tại một điểm giao dịch của Ngân hàng (NH) Việt Nam Thương tín (VietBank) ở TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận khá đông khách hàng đang chờ đến lượt giao dịch để gửi tiền. Nguyên nhân là NH này vừa tăng lãi suất tiết kiệm.

Đủ kiểu thu hút

Nhân viên VietBank thông báo lãi suất có tăng nhẹ 0,1 – 0,3 điểm % so với trước đó. Cụ thể, tiền gửi kỳ hạn 2 tháng, 6 tháng, 12 tháng có lãi suất lần lượt là 4%/năm, 5,3%/năm, 6,1%/năm. “Để khuyến khích các khách hàng cũ, NH có chính sách cộng thêm 0,4 điểm % lãi suất cho người gửi tiền đang có số dư trên 500 triệu đồng” – nhân viên VietBank nói.

Tại NH TMCP Bắc Á, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng khá cao, tới 6%/năm và 6,4%/năm (gửi từ 18-36 tháng) nhưng khách hàng phải gửi trên 1 tỉ đồng. Trong khi đó, NH Hàng hải (MSB) đưa lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy lên tới 8%/năm đối với kỳ hạn gửi 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Để hưởng được các mức lãi suất này, khách phải mở mới sổ tiết kiệm với số tiền 500 tỉ đồng.

Ngân hàng đua nhau hút tiền gửi- Ảnh 1.

Các ngân hàng thương mại tăng lãi suất để huy động vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay từ đầu năm. Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều NH khác cũng tăng lãi suất huy động vốn kỳ hạn 12 tháng đến 15 tháng với các mức lãi suất lần lượt 6% và 6,5 %/năm.

Theo ghi nhận, dịp cuối năm, với nhiều khoản lương, thưởng Tết và thu nhập tích lũy trong năm, nhiều người vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm để có mức sinh lời tốt, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn còn khó khăn, ảm đạm. Anh Minh Thanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết khoản tiền nhàn rỗi khoảng 2 tỉ đồng, anh chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, với mức lãi suất trên 5%/năm vì chưa biết đầu tư gì. “Nếu mua bất động sản như căn hộ hoặc đất nền ở khu vực TP HCM để đầu tư, tôi phải vay thêm vốn NH. Lãi suất vay không cao nhưng triển vọng sinh lời không quá hấp dẫn. Gửi tiết kiệm vẫn an toàn hơn và lãi suất cũng đã tăng đáng kể so với vài tháng trước” – anh Thanh nói.

Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 1-2025 của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy khi chạm đáy vào tháng 3-2024, lãi suất tiền gửi đã có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 4 đến nay. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối nghiên cứu MBS, cho biết việc tăng trưởng tín dụng tăng nhanh gấp 2-3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn đã thúc đẩy các NH tăng lãi suất huy động. Tính riêng tháng 12-2024, đã có khoảng 12 NH tăng lãi suất tiết kiệm với mức 0,1% – 0,3 điểm %.

Theo số liệu từ NH Nhà nước, tín dụng năm 2024 tăng tới 15,08% so với cuối năm trước, vượt mục tiêu đặt ra. Ngoài ra, nợ xấu có xu hướng nhích lên cũng thúc đẩy các NH tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, giúp bảo đảm thanh khoản và đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm.

Doanh nghiệp muốn giảm thêm lãi suất

Chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, ông Phạm Như Ánh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc NH Quân đội (MBBank), cho biết định hướng năm 2025, tín dụng của NH dự kiến tăng khoảng 25%-26% sau khi nhận chuyển giao bắt buộc MBV (Ocean Bank đổi tên). Do đó, NH phải đẩy mạnh tín dụng để bảo đảm hiệu quả hoạt động. Trong đó, MBBank ưu tiên tối thiểu 50% hạn mức tín dụng cho bán lẻ và DN vừa và nhỏ, phần còn lại cho DN lớn và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Dù vậy, một số ý kiến cho rằng lãi suất tiền gửi “nóng” lên chỉ mang tính thời vụ. Bởi dịp gần Tết, người dân thường rút tiền để chi tiêu buộc các NH phải tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút dòng tiền nhàn rỗi, nhằm bảo đảm nguồn vốn ra vào hài hòa. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất huy động tăng do năm nay NH Nhà nước tăng thêm hạn mức tín dụng. Các NH thương mại muốn đẩy mạnh tín dụng vào những ngày đầu năm nên cần nguồn vốn huy động. Một trong những cách hiệu quả là tăng lãi suất huy động. Một yếu tố khác, theo ông Hiếu, là nợ xấu cũng đang có dấu hiệu tăng lên. Điều này khiến các NH chưa thu hồi được vốn, buộc phải tăng cường huy động tiền gửi để chi trả lại tiền cho khách hàng khi đến hạn. “Lãi suất tiền gửi năm nay sẽ phụ thuộc vào hoạt động tăng trưởng tín dụng, nợ xấu và tình hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam” – TS Hiếu nói.

Trong khi đó, kết quả khảo sát tình hình sản xuất – kinh doanh quý IV/2024 do Tổng cục Thống kê thực hiện với hơn 30.500 DN cho thấy vốn cho sản xuất – kinh doanh vẫn còn khó, lãi suất vay vốn còn cao dù số lượng DN phản ánh đã giảm so với đợt khảo sát trước. Lãi suất vay vốn còn cao là 1 trong 7 yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động của DN trong quý IV/2024.

Trong bối cảnh đó, NH Nhà nước cho biết đã tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm chi phí đầu vào, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Theo bà Trần Khánh Hiền, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đó gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào. Tuy vậy, NH Nhà nước đã đưa ra chỉ đạo về việc ổn định lãi suất huy động và tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NH thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 5%-5,2% trong năm nay. 

Lãi suất tăng bao nhiêu?

Ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Maybank, dự báo nhu cầu tín dụng tăng sẽ đẩy lãi suất huy động nội địa tăng thêm 0,5 điểm % nhưng mức tăng này sẽ không làm gián đoạn đà phục hồi kinh tế.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lãi suất huy động và cho vay có thể tăng nhẹ, chủ yếu do tác động của nhu cầu vốn tăng cao. Các động lực tăng trưởng từ năm 2024 có thể tiếp sức cho nền kinh tế năm 2025 là xuất khẩu, sự cải thiện của tiêu dùng và đầu tư công. VDSC dự báo lãi suất điều hành giữ nguyên, linh hoạt điều tiết vốn qua thị trường mở nhằm đối phó áp lực tỉ giá và thanh khoản trong ngắn hạn. Lãi suất huy động sẽ tăng từ 0,5 – 1 điểm %.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật