Kết thúc quý 1/2025, lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán đạt 82.084 tỷ đồng, tăng trưởng gần 14% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, chỉ có 5 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận, 5 ngân hàng có tăng trưởng dưới 10%, còn lại đều ghi nhận mức tăng hai chữ số trở lên, thậm chí một số ngân hàng báo lãi gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng nhỏ bứt tốc: Lợi nhuận VietBank, SeABank, ABBank tăng trưởng ba con số
Trong quý 1, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đạt hơn 151 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với cùng kỳ 2024. Kết quả trên đến từ thu nhập lãi thuần đạt mức cao nhất trong 9 quý, với gần 505 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư… đều có lãi trong quý vừa qua.
Năm 2025, NCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại đạt 59 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng này đã có được bước khởi đầu mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm.
Kết thúc quý 1, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) tăng vọt lên hơn 248 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ 2024 nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh. Dù vậy, con số này mới chỉ bằng 14% kế hoạch cả năm đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2025, trả lời câu hỏi của cổ đông cổ đông về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 55% trong bối cảnh nhiều bất định kinh tế, bà Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Vietbank cho biết: “Mục tiêu lợi nhuận tăng 55% là áp lực lớn đối với ban điều hành, nhưng chúng tôi đặt ra trên cơ sở kinh tế vĩ mô khởi sắc và sự chuẩn bị nội tại kỹ lưỡng. Chúng tôi quyết tâm cao để hiện thực hóa chỉ tiêu này”.
Theo bà Trần Tuấn Anh, động lực tăng trưởng chính đến từ việc đẩy mạnh dư nợ tín dụng với kế hoạch tăng khoảng 20% ngay từ đầu năm, song hành cùng việc cơ cấu lại danh mục tài sản để tối ưu hệ số sinh lời. Ngoài ra, Vietbank đang tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, mở rộng mạng lưới kinh doanh, thúc đẩy bán hàng, và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nhằm gia tăng nguồn thu ngoài lãi.
Kết thúc quý 1/2025, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch sử của nhà băng này.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của SeABank trong 3 tháng đầu năm đạt 5.820 tỷ đồng, tăng hơn 115%. Trong đó, thu thuần ngoài lãi là điểm sáng góp phần đẩy tỷ trọng tổng thu nhập hoạt động khi đạt 3.369 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 378%, hoàn thành 340% kế hoạch. Được biết, trong quý 1/2025, SeABank đã hoàn tất chuyển nhượng Công ty Tài chính Bưu điện PTF cho AEON Financial Service.
Một ngân hàng khác cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 100% trong quý 1 là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ABBank đã tăng từ 192 tỷ đồng trong quý 1/2024 lên 416 tỷ đồng trong quý 1/2025 nhờ diễn biến tích cực của mảng kinh doanh ngoại hối và cắt giảm chi phí hoạt động.
Ông Phạm Duy Hiếu – Tổng Giám đốc ABBank nhận định: “Quý đầu tiên của năm 2025, ABBank có sự khởi sắc tốt so với năm trước. Ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì định hướng phát triển ổn định, bền vững, nhịp độ tăng trưởng kết quả kinh doanh sẽ được thúc đẩy trong các quý tiếp theo.
Năm 2025, ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2024 với chiến lược tinh giản bộ máy và giảm chi phí hoạt động.
Ngoài các ngân hàng nêu trên, một số nhà băng nhỏ khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 1/2025 như: Kienlongbank (+66%), Saigonbank (+44%), VietABank (+42%). Kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng này chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh các hoạt động tín dụng và xử lý, nâng cao chất lượng tài sản.

MB, Sacombank, HDBank, VPBank dẫn đầu tăng trưởng nhóm ngân hàng lớn
Bên nhóm ngân hàng lớn, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) là nhà băng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 1/2025. Nhờ kết quả ấn tượng trong cả nguồn thu từ mảng tín dụng và thu ngoài lãi, MB đạt mức lợi nhuận trước thuế 8.386 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, MB đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống, vượt cả hai ông lớn VietinBank (6.582 tỷ đồng) và BIDV (7.413 tỷ đồng).
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 1 với lợi nhuận tăng trưởng 38% so với cùng kỳ 2024, đạt 3.674 tỷ đồng. Lợi nhuận Sacombank tăng trưởng chủ yếu nhờ các nguồn thu chủ chốt ghi nhận kết quả tích cực trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh.
Sau những vấn đề lớn về chất lượng tài sản đến từ việc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, Sacombank đã bước vào giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của NHNN, và được kỳ vọng sẽ bước sang chu kỳ hồi phục mạnh mẽ trong những năm tới.
Trong quý 1, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 33%, với lợi nhuận trước thuế tăng từ 4.028 tỷ đồng trong quý 1/2024 lên 5.555 tỷ đồng trong quý 1/2025. Với kết quả này, HDBank đã vươn lên xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngành ngân hàng và đã vượt qua cả ACB và VPBank, trở thành ngân hàng tư nhân lãi cao thứ hai hệ thống, chỉ sau Techcombank.
Đây cũng là quý đầu tiên HDBank chính thức khởi động mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng hiện đại, đa năng và bền vững trong chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030.
Năm 2025, HDBank đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 21.179 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2024. Tổng tài sản hướng tới 890.442 tỷ đồng (+28%), dư nợ tín dụng đạt 579.851 tỷ đồng (+32%), huy động vốn 792.812 tỷ đồng (+28%). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, đảm bảo sự ổn định và an toàn hệ thống.
Nói về kế hoạch kinh doanh này, ông Kim Kim Byoungho, chủ tịch HĐQT HDBank cho biết: Có thể ai đó sẽ cho rằng đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng lịch sử 10 năm đổi mới tăng trưởng cao của HDBank đã cho thấy chúng tôi luôn tìm thấy cơ hội trong thách thức. Những biến động hiện tại là ngắn hạn – và chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để tiến về phía trước với quyết tâm cao.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kết thúc quý đầu tiên của năm 2025 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và là một trong những ngân hàng lớn hiếm hoi đạt mức tăng trưởng cao.
Ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến trong 6 tháng đầu năm sẽ hoàn thành khoảng 40-45% kế hoạch lợi nhuận năm 2025, tương đương 6.000-7.000 tỷ đồng. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh, nếu diễn biến thuận lợi, hoạt động tài chính sẽ bứt phá mạnh mẽ trong nửa cuối năm, khi tín dụng và tiêu dùng gia tăng.
Với kế hoạch lợi nhuận 2025 đạt 25.270 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tăng 26% so với năm 2024, dự kiến VPBank sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong thời gian tới khi ngân hàng không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng vượt trội, mà còn mở rộng mạnh mẽ hệ sinh thái tài chính.