spot_img
32 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNgân hàng Nhà nước muốn sửa đổi Thông tư về hoạt động...

Ngân hàng Nhà nước muốn sửa đổi Thông tư về hoạt động tái cấp vốn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2022/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam.

Nói về sự cần thiết ban hành Thông tư, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại Thông tư 15 có một số nội dung quy định liên quan đến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố là các đơn vị thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp. Cùng với đó, tại Luật Các TCTD năm 2024 có sự thay đổi về số thứ tự của Điều quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn (hiện nay được quy định tại khoản 1 Điều 138 thay cho khoản 1 Điều 130 trước đây). Do đó, thực hiện quy định tại Nghị quyết số 190/2025/QH15, NHNN cần thiết ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15 để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến 02 đơn vị nêu trên nhằm phù hợp với cơ cấu tổ chức bộ máy mới của NHNN và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị liên quan được sắp xếp lại và phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2022 được xây dựng bao gồm 4 Điều với những điểm thay đổi chính. Cụ thể, thay đổi đơn vị thực hiện: Dự thảo chuyển giao nội dung công việc của Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN sang Cục Quản lý, giám sát TCTD và Thanh tra NHNN. Tương tự, quy định trước đây nhắc đến “NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố” được thay thế bằng “NHNN chi nhánh tại Khu vực”…

Đối với điều kiện tái cấp vốn, thay thế cụm từ “khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung)” bằng cụm từ “khoản 1 Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung)” tại khoản 3 Điều 5 để phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024. Những sửa đổi này đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn của ngân hàng tuân thủ đúng quy định hiện hành.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm bảo đảm phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị liên quan theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, tại điều 11 về trình tự xem xét tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn dự thảo Bổ sung điểm c vào khoản 3 quy định Thanh tra Ngân hàng Nhà nước: Có ý kiến về việc tổ chức tín dụng không trong thời gian hay đang trong thời gian bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 15 Thông tư này, gửi Vụ Chính sách tiền tệ và Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng. Dự thảo bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 18, quy định rõ vai trò của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cấp vốn. Theo đó, Thanh tra NHNN có trách nhiệm: (a) đưa ra ý kiến về việc tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Thông tư; (b) nếu qua thanh tra phát hiện tổ chức tín dụng vi phạm quy định tại Điều 15, thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền, đồng thời có văn bản thông báo nội dung vi phạm và biện pháp xử lý gửi Vụ Chính sách tiền tệ, Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng, Sở Giao dịch NHNN và Công ty Quản lý tài sản; và (c) thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với tổ chức tín dụng thuộc đối tượng thanh tra của Thanh tra NHNN.

Bên đó, dự thảo cũng bãi bỏ một số từ, cụm từ để phù hợp chức năng mới. Ví dụ, Dự thảo bổ sung Khoản 2a Điều 18 quy định Thanh tra NHNN có nhiệm vụ “có ý kiến về việc tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn” và “xử lý vi phạm” theo thẩm quyền…

Như vậy, các quy định về điều kiện vay, tỷ lệ tái cấp vốn và quy trình xét duyệt tiếp tục kế thừa Thông tư 15/2022 nhưng theo hướng thống nhất, chặt chẽ hơn. Với quy định rõ ràng hơn và phù hợp với cấu trúc mới của NHNN, các ngân hàng thương mại sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn tái cấp vốn phục vụ xử lý nợ xấu. Đồng thời, công tác thanh tra, giám sát được tăng cường bảo đảm hoạt động của hệ thống ngân hàng diễn ra an toàn, minh bạch và lành mạnh hơn.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật