
Tờ Forbes cho hay trong vài năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang thay đổi căn bản cách thức sản xuất và sáng tạo trong ngành hoạt hình. Từ việc hỗ trợ vẽ khung hình trung gian (inbetweening), tô màu tự động, cho đến tạo phông nền và hậu kỳ, AI ngày càng được tích hợp sâu vào quy trình làm phim hoạt hình, giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí sản xuất đáng kể.
Đồng thời, các mô hình học sâu (deep learning) và công cụ sinh ảnh (generative AI) như Stable Diffusion, DALL-E, cũng đang được áp dụng để thiết kế nhân vật, storyboard và thậm chí tạo ra các cảnh quay hoàn chỉnh chỉ với mô tả văn bản.
Đồng quan điểm, báo cáo của Globe Newswire cho thấy thị trường ứng dụng AI cho hoạt hình trên toàn cầu được định giá ở mức 2,1 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng vọt lên 15,9 tỷ USD vào năm 2030, tương ứng mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 39,8%.
Trong khi đó riêng tại Nhật Bản, doanh thu của thị trường ứng dụng AI trong hoạt hình đã đạt 67,3 triệu USD năm 2023 và được dự báo bùng nổ lên 784,2 triệu USD vào năm 2030, ứng với CAGR 42%.

Báo cáo của Grand View Research 2024 thì cho biết thị trường hoạt hình có dùng AI đạt 91,38 tỷ USD trong năm 2024, sẽ tăng lên 113,23 tỷ USD năm 2025 và ước tính chạm 384,40 tỷ USD vào năm 2030 với CAGR 27,7%.
Những con số này cho thấy AI không còn là sự hứng khởi nhất thời mà đã trở thành xu hướng tất yếu, định hình lại toàn bộ chuỗi giá trị từ tiền kỳ đến hậu kỳ trong ngành hoạt hình trị giá 13,9 tỷ USD của Nhật Bản.
Điều này đang khiến ngày càng nhiều họa sĩ làm hoạt hình ở Nhật Bản lo lắng bởi thu nhập của họ đã quá bấp bênh thì nay lại càng khó khăn hơn trước sự cạnh tranh từ AI.
Khảo sát của Nikkei Asia Review cho thấy nhiều họa sĩ giàu kinh nghiệm lo ngại AI có thể thay thế họ ở những khâu cơ bản, đẩy lực lượng lao động giá rẻ vào thế bấp bênh hơn.
10 ngày xuống 4 tiếng
Trong quy trình sản xuất truyền thống, vẽ khung trung gian (inbetweening) và tô màu phông nền tiêu tốn hàng tuần.
Thế nhưng giờ đây, việc chuyển khung hình thô thành khung đầy đủ (inbetweening) có thể được thực hiện trong vài phút, thay vì cần cả đội ngũ họa sĩ làm tay trong nhiều ngày.
Ví dụ như Studio Piepeline tại Nhật Bản đã sử dụng AI để tạo các khung hình trung gian, giảm thời gian hoàn thành công đoạn từ 1–10 ngày xuống còn 4–5 giờ. Họ chỉ cần vẽ khung bắt đầu và kết thúc, AI sẽ tự sinh phần còn lại, sau đó họa sĩ chỉnh sửa lại cho mượt mà.
Ngoài ra, AI có thể nhận diện đường viền và tự động tô màu dựa trên bảng màu mẫu, giúp họa sĩ chỉ cần rà soát và chỉnh sửa những chi tiết bất thường, thay vì tô thủ công toàn bộ hàng trăm khung hình.
Tương tự tại Nagoya, studio K&K Design đã ứng dụng AI để sinh phông nền và lên màu, giảm thời gian vẽ tay từ 1 tuần xuống 5 phút. Nhờ vậy, họa sĩ chỉ cần kiểm duyệt và chỉnh sửa chi tiết, tập trung vào giai đoạn sáng tạo cao.

Bên cạnh đó, AI còn được phát triển để dịch và lồng tiếng tự động, giúp anime Nhật tiếp cận nhanh hơn với khán giả toàn cầu mà không mất nhiều thời gian chờ đợi bản phiên dịch hay phụ đề chính thức.
Thậm chí một số studio đang dùng công cụ AI để thử nghiệm nhanh nhiều phong cách, từ đó rút ngắn giai đoạn tiền kỳ (pre-production) và tối ưu hóa bố cục, ánh sáng trước khi họa sĩ bắt tay vào vẽ chính thức.
Những ví dụ điển hình về dùng AI phải kể đến Netflix Japan từng thử nghiệm AI trong phim ngắn The Dog & The Boy, tiết kiệm hàng hàng trăm giờ so với phương pháp thủ công.
Một cái tên đình đám khác là Toei Animation nổi tiếng với One Piece, trong báo cáo tài chính 2024–2025 đã công bố kế hoạch ứng dụng AI vào storyboard, tô màu và hậu kỳ, đồng thời đầu tư vào Preferred Networks để phát triển công nghệ nội bộ.
Mặc dù đối mặt với làn sóng phản đối lo ngại mất bản sắc truyền thống, Toei vẫn nhấn mạnh AI chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thay thế hoàn toàn họa sĩ.
Thế nhưng, điều này vẫn chẳng an ủi được người lao động ngành hoạt hình Nhật Bản, vốn đã quá khắc nghiệt kể cả khi chưa có AI.
Số liệu của Nova One Advisor cho thấy năm 2023, tổng giá trị thị trường anime Nhật Bản được ước tính đạt 13,90 tỷ USD, dự kiến chạm mốc 20,38 tỷ USD vào năm 2033 với CAGR 3,9%.
Tuy nhiên, ngành đang đối mặt thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động. Tính đến cuối 2023, số lượng họa sĩ chuyên nghiệp tại Nhật chỉ chưa đến 6.000 người, trong khi nhu cầu sản xuất nội dung ngày càng tăng cao.
Nguyên nhân chính là thu nhập thấp, công việc nặng nhọc với áp lực hoàn thiện sản phẩm đúng thời hạn khiến không nhiều bạn trẻ Nhật Bản muốn theo nghề.
Khảo sát của Hiệp hội văn hóa phim ảnh và hoạt hình Nippon (NAFCA) cho thấy gần 50% lao động ngành hoạt hình Nhật Bản làm trên 225 giờ mỗi tháng, so với mức 163,5 giờ trung bình lĩnh vực khác.
Đáng lo ngại hơn, 37,7% họa sĩ trong ngành cho biết thu nhập sau thuế của họ chỉ vào khoảng dưới 200.000 Yen/tháng (khoảng 1.300 USD), trong khi gần 31% làm việc trên 10 giờ mỗi ngày và 58,5% chỉ có dưới 6 ngày nghỉ mỗi tháng.

“Nhiều lúc làm xuyên đêm, tiền công không đủ trang trải chi phí sinh hoạt ở Tokyo”, một họa sĩ giấu tên nói với tờ Kyodo News.
Cùng lúc đó, áp lực từ thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi các studio phải sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn đã tạo nên động lực chính khiến AI trở thành cứu cánh, đồng thời cũng trở thành thách thức cho lao động trong ngành.
Theo khảo sát của The Animation Guild, 67% thành viên không ủng hộ việc sử dụng GenAI tại nơi làm việc và 61% “cực kỳ lo ngại” về triển vọng nghề nghiệp trong tương lai.
Thách thức
Công nghệ AI không chỉ là công cụ tự động hóa, mà còn mở ra cơ hội sáng tạo mới. Các nghệ sĩ có thể sử dụng AI để thử nghiệm nhanh nhiều phong cách, màu sắc và bố cục khác nhau trước khi quyết định phong cách cuối cùng. Điều này giúp tối ưu hóa giai đoạn tiền sản xuất (pre-production) và storyboard, từ đó đem lại sản phẩm đa dạng, phong phú hơn.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng AI, các tác phẩm có nguy cơ trở nên “đồng phục” bởi các thuật toán thường tối ưu hóa theo khuôn mẫu đã học, khiến mất đi dấu ấn cá nhân của họa sĩ.
“Nếu không có giám sát chặt chẽ, kết quả AI có thể thiếu chiều sâu cảm xúc và sự tinh tế của người vẽ tay”, một họa sĩ giấu tên của Studio Ghibli chia sẻ.
Nhiều fan cũng lo ngại chất lượng hình ảnh và cảm xúc trong anime sẽ giảm sút khi lạm dụng công nghệ.
Một thách thức nữa là luật pháp Nhật Bản cho phép sử dụng tác phẩm đã công bố để huấn luyện AI mà không cần xin phép, đặt ra thách thức lớn về bản quyền.
Hiện chưa có quy định rõ ràng về việc công bố mức độ đóng góp giữa AI và con người trong sản phẩm cuối cùng. Các hiệp hội sáng tác đang kêu gọi xây dựng “nhãn AI” để minh bạch, nhằm đảm bảo họa sĩ được ghi nhận xứng đáng và tránh kiện tụng sau này.
Dẫu vậy, rõ ràng là công nghệ AI đang tạo nên cuộc cách mạng cho ngành hoạt hình Nhật Bản. Tuy nhiên, để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn giá trị nghệ thuật, ngành cần song hành với khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch quyền tác giả và chú trọng đào tạo, tái cấu trúc lực lượng lao động.
*Nguồn: Nikkei