Từ đầu năm đến nay, Pháp đã nhập khẩu nhiều LNG từ nhà máy xuất khẩu Yamal của Nga nhiều chưa từng có, kể từ khi các đợt giao hàng được bắt đầu cách đây 6 năm.
Các chuyến hàng chở LNG đến nhà ga Dunkirk của Pháp đã tăng đột biến, một phần được thúc đẩy bởi các lô hàng của công ty nhà nước Đức Securing Energy for Europe GmbH (SEFE).
SEFE là chi nhánh hoạt động trước đây của Gazprom tại Đức, sau đó được chính phủ Đức quốc hữu hoá vào năm 2022 khi mâu thuẫn Nga – Ukraine nổ ra.
SEFE có hợp đồng giao hàng LNG từ Yamal đến Dunkirk do tiếp quản hoạt động từ chủ sở hữu trước đây là Gazprom. Công ty nhà nước Đức vẫn đang nhận các lô hàng LNG từ Nga và cho biết hợp đồng giữa 2 bên được thực hiện trong khi hạn chế lợi ích cho phía Nga ở mức thấp nhất có thể.
Ngay cả khi EU đang nỗ lực cắt giảm nguồn cung năng lượng của Nga, khối này vẫn cần rất nhiều LNG để “lấp đầy khoảng trống” sau khi hầu hết dòng chảy theo đường ống dẫn đến các quốc gia trong khối bị “cắt đứt”. Cho đến nay, EU phần lớn đã loại bỏ khí đốt khỏi các lệnh trừng phạt với Nga.
Hiện vẫn chưa rõ lượng LNG của Nga cập cảng Pháp được tiêu thụ ở mức độ nào. Sau khi nhiên liệu hoá lỏng được tái khí hoá và kết nối với lưới điện, nguồn năng lượng này sẽ hoà trộn và chảy tự do đến các quốc gia châu Âu.
Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Pháp cho biết: “Vì có các nhà ga nhập khẩu mêtan, Pháp là nước nhập khẩu LNG và một phần LNG trong đó sẽ được đưa đến các nước Đông Âu.”
Người này phát biểu thêm, các công ty tư nhân mới là bên đang nhập khẩu nhiên liệu, chứ không phải các quốc gia hay EU.
Pháp là một trong số nhiều quốc gia thành viên EU kêu gọi khối giám sát chặt chẽ hơn hoạt động nhập khẩu LNG từ Nga để cải thiện tính minh bạch và giúp loại bỏ dần sự phụ thuộc vào năng lượng của nước này.
Các cảng của Pháp nhận LNG Nga ở mức cao kỷ lục nhưng tổng lượng nhập khẩu của nước này giảm. Đây là một phần trong xu hướng chung trên khắp châu Âu, trong bối cảnh chi phí mua LNG cao, nhu cầu từ người mua ở các khu vực khác nhau tăng lên và mức tiêu thụ của lĩnh vực công nghiệp sụt giảm.
Tuần trước, có thông tin cho biết Bộ Kinh tế Đức đã cảnh báo các đơn vị khai thác các cảng nhập khẩu LNG của nước này từ chối tiếp nhận hàng hoá Nga cho đến khi có thông báo mới. Hoạt động nhập khẩu LNG Nga vẫn diễn ra trơn tru đang gây khó khăn cho quyết tâm cắt đứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga của EU.
Theo báo cáo của Cơ quan hợp tác quản lý năng lượng EU (ACER) công bố vào tháng trước, LNG của Nga chiếm 20% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu của EU trong 9 tháng đầu năm 2024, so với 14% cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh EU nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Tây Ban Nha và Bỉ cũng nằm trong số các quốc gia chứng kiến dòng chảy LNG từ Nga vẫn “chảy” vào mạnh mẽ. Một số quốc gia Trung Âu bao gồm Áo, Slovakia và Cộng hòa Séc cũng đã nhận được dòng khí đốt từ Nga, mặc dù hợp đồng trung chuyển cho nguồn cung cấp sẽ hết hạn vào cuối năm.
Hiện tại, Gazprom vẫn vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua đường ống Ukraine ở mức bình thường, ngay cả sau khi cắt đứt dòng chảy trực tiếp đến Áo do tranh chấp với công ty năng lượng OMV AG.
Tổng hợp