Nếu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ không thay đổi quyết định, TikTok sẽ chính thức bị cấm tại Mỹ vào Chủ nhật tới đây, ngày 19/1. Ứng dụng tới từ Trung Quốc sẽ bị gỡ gọi toàn bộ các cửa hàng, bản thân app sẽ dừng hoạt động (trừ khi người dùng sử dụng phần mềm VPN).
Đứng trước lệnh cấm này, người dùng TikTok Mỹ đi tìm miền đất mới – một nền tảng tiêu thụ nội dung khác. Và họ đã tìm được một chốn nương náu tạm thời mang tên Tiểu Hồng Thư.
Được phiên âm từ Xiaohongshu, có tên tiếng Anh là RedNote, ứng dụng Tiểu Hồng Thư cũng là một mạng xã hội chia sẻ video, với cách sử dụng tương tự TikTok. Nhưng vì ứng dụng được thiết kế cho người dùng Trung Quốc, hiển nhiên ngôn ngữ mặc định của Tiểu Hồng Thư là tiếng Trung.
Nhưng điều này không làm chùn bước những người dùng ham học hỏi. Để phục vụ công tác “chuyển nhà”, người Mỹ đổ xô lên ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo để bổ túc tiếng nước ngoài.
Theo dữ liệu từ Duolingo, số lượng người dùng Mỹ học tiếng Trung đã tăng 216% so với cùng kỳ năm ngoái, cao điểm là vào trung tuần tháng Một, cũng cùng thời điểm người Mỹ bắt đầu sử dụng Tiểu Hồng Thư. Trong một bài khảo sát mới được thực hiện, Duolingo hỏi người dùng về việc “biết đến ứng dụng như thế nào”, và câu trả lời “TikTok” tăng đột biến.
Cũng theo dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin ứng dụng Appfigures, số lượt cài đặt Duolingo cũng tăng đáng kể.
Báo cáo cho thấy lượt tải xuống Duolingo tại Mỹ đã chứng kiến mức tăng 36%, trên cả App Store và Google Play và tính đến ngày 3 tháng 1, một dấu hiệu cho thấy xu hướng chuyển nhà đã manh nha từ sớm.
Một tuần trước, Duolingo mới đứng trong danh sách 40 ứng dụng hàng đầu. Hiện tại, ứng dụng này đang xếp hạng 22 trong danh mục tất cả các ứng dụng (bao gồm game) và hạng 20 trong danh mục ứng dụng hàng đầu (không bao gồm game).